Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Tư pháp Mỹ rất khác tư pháp Việt Nam?

Ngô Ngọc Trai

BBC - Chính trường nước Mỹ đang nóng lên vì những cuộc điều trần được toàn thế giới theo dõi, liên quan đến ngành tư pháp Mỹ và Tổng thống Donal Trump.

Tin từ báo chí cho biết hôm 8/6 Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey, đã phải điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.

Theo trình bày của ông này thì sau khi nhậm chức Tổng thống Donal Trump đã nhiều lần gọi điện và gặp trực tiếp Giám đốc Cục điều tra liên bang trong bối cảnh đang có các đề nghị điều tra mối quan hệ giữa Tổng thống Donal Trump và Nga.

Trong khi gặp gỡ, ông Trump đã đòi hỏi sự trung thành với tổng thống, và ông James Comey đã tỏ ra nghi ngại ngạc nhiên về điều này.

Tư pháp Mỹ

Qua buổi điều trần, điểm nổi bật mà Giám đốc FBI cho toàn thế giới thấy là Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ không có nghĩa vụ phải trung thành với Tổng thống.

Đây là cơ quan thuộc nhánh tư pháp, chỉ tuân theo Hiến pháp, pháp luật và tôn chỉ sự thật. Giám đốc FBI do Tổng thống bổ nhiệm nhưng không có nghĩa vụ phải trung thành với Tổng thống.

Giống như các Thẩm phán tòa án tối cao được hội đồng ngành tư pháp đề cử sau đó được Tổng thống bổ nhiệm, nhưng lại trung thành với Hiến pháp chứ không trung thành với Tổng thống.

Cũng theo lời giám đốc FBI thì ông có nói đến một kiểu quan hệ nâng đỡ, ban phát ân huệ của ông Trump và ông đã lấy làm e ngại và không chấp nhận.

Theo đó thông điệp từ buổi điều trần phát đi cho toàn thế giới thấy là trong nền chính trị Mỹ, việc Tổng thống bổ nhiệm một người xuất phát từ yêu cầu tìm người có năng lực phù hợp, chứ không thể là người trung thành với Tổng thống và đó không phải là mối quan hệ nâng đỡ ân huệ.

Điều này rất khác với những quan niệm chính trị Á Đông trong đó có Việt Nam, theo đó người ta thường cho rằng một người được bổ nhiệm cần biết ơn và trung thành với người đã bổ nhiệm mình.

Quan niệm chính trị này gần như là một quan niệm đạo đức nhưng nó trái ngược với nguyên tắc tôn chỉ thượng tôn pháp luật, và nó càng tệ hơn với ngành tư pháp khi cần đến sự độc lập, công tâm, khách quan, bất vị thân và bất bị lợi trong hoạt động công vụ.

Tính độc lập của ngành tư pháp Mỹ

Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ còn cho biết là ông đã phục vụ qua ba đời Tổng thống Mỹ, nhưng trong suốt hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama 8 năm ông ta chỉ trao đổi với Tổng thống Obama hai lần. Một lần trong cuộc họp về các vấn đề công việc chung. Một lần tham gia dịp chia tay ông Obama thôi làm tổng thống. Không điện thoại lần nào.

Nhưng chỉ trong 4 tháng đầu nhiệm kỳ làm tổng thống, ông Trump đã trao đổi với ông 9 lần, ba lần gặp trực tiếp và 6 lần điện thoại.

Tổng thống Trump theo đó đang bị cáo buộc cản trở công lý, khi có ý tác động vào ông Giám đốc FBI để tránh các điều tra bất lợi về ông Trump.

Một diễn biến khác mới đây cũng cho thấy tính độc lập của ngành tư pháp Mỹ. Đó là công tố viên Bharara đã trả lời báo chí sau hôm ông James Comey điều trần, rằng ông đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải sau khi nhận các cuộc gọi bất thường từ ông Trump.

Công tố viên Bharara cảm thấy các cuộc gọi của ông Trump vượt qua ranh giới thông thường giữa nhánh hành pháp và các nhà điều tra hình sự độc lập. Ông nói đã bị sa thải sau khi từ chối cuộc gọi thứ ba.

Ông Bharara, người được ông Obama bổ nhiệm, từng là công tố viên liên bang hàng đầu ở Manhattan, nói rằng ông Trump đã cố "vun đắp quan hệ" sau khi họ gặp nhau vào cuối năm 2016.

Nhưng ông nói ông cảm thấy điều này "không thích hợp" sau khi ông Trump nhậm chức.

Ông nói: "Tổng thống Obama không hề gọi điện cho tôi trong vòng bảy năm rưỡi."

"Tôi không mong chờ Tổng thống Hoa Kỳ gọi cho mình vì quan điểm của tôi là người trong ngành pháp lý phải giữ một mối quan hệ độc lập."

Tư pháp Việt Nam

Rất thường xuyên ngành tư pháp Việt Nam chịu sự chỉ đạo từ nhánh hành pháp mà nhiều người cho đó là bình thường.

Ví như trong vụ quán café Xin chào năm trước đã được lãnh đạo chính phủ chỉ đạo xem xét lại, kết quả là việc giải quyết vụ án hoàn toàn ngược lại so với trước. Hay như mới đây hôm 14/4 Thủ tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ bé gái bị xâm hại tình dục ở Cà Mau.

Kiểm tra trên báo chí thì thấy hàng loạt các chỉ đạo của Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng đối với các vụ án hình sự như vụ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, vụ hành hung nhân viên Vietnam Airlines, vụ chìm tàu Hải Thành 26, vụ Bí thư Yên Bái bị bắn, vụ giết bốn bà cháu ở Quảng Ninh, vụ rút ruột xăng dầu máy bay, vụ căng băng rôn đòi nợ, vụ thuốc thực phẩm chức năng giả, vụ bé gái bị dâm ô ở Hoàng Mai, Hà Nội .v.v.

Trong bối cảnh chính trị ở Việt Nam hiện nay thì những chỉ đạo đó được xem như những nỗ lực tích cực của chính phủ, buộc các cơ quan tư pháp nhanh chóng có trách nhiệm hơn trong công vụ.

Nhưng xét ở góc độ tư pháp thì điều đó không ổn, nó làm yếu đi sự độc lập của tư pháp, tạo viễn cảnh xa vời về kỳ vọng có một nền tư pháp độc lập cho Việt Nam.

Để có một nền tư pháp đủ khả năng thực thi công lý thì phải tạo cho nó sự độc lập. Vì một khi ngành tư pháp bị chỉ đạo để làm một việc nào đó thì họ cũng có thể bị chỉ đạo để không làm một việc nào đó.

Điều đó ảnh hưởng đến việc tìm ra sự thật và thực thi công lý.

Trước kia nền tư pháp Việt Nam đã chịu vấn nạn của những lá thư tay, của những cuộc điện thoại can thiệp khiến cho việc giải quyết các vụ án kém công lý. Nay những điều này đã được ngăn giảm nhưng sự can thiệp vào tư pháp lại được biểu đạt công khai qua những chỉ đạo của hành pháp đối với tư pháp.

Sự yếu kém thụ động để phải nhận những chỉ đạo sẽ khiến người ta đặt câu hỏi về tinh thần trách nhiệm của cán bộ tư pháp và tại sao lại không vận dụng các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp để xử lý hành vi kém trách nhiệm này?

Sự yếu kém của ngành tư pháp khiến người dân không thể kỳ vọng vào năng lực thực thi công lý của ngành này, mà năng lực đó cơ bản nhất thể hiện qua khả năng xử lý kẻ mạnh và từ chối sự can thiệp. Nhưng cả hai điều này đều đang vắng bóng trong nền tư pháp Việt Nam hiện nay.

Việc ngành tư pháp Việt Nam thường xuyên bị chỉ đạo cho thấy họ cũng chẳng buồn giấu diếm sự yếu kém vị thế năng lực, cũng như cho thấy nhận thức rất đáng lo ngại của lãnh đạo các cấp về cái gọi là sự độc lập của tư pháp.

Và những gì diễn ra ở Việt Nam chắc chắn là rất khác và rất kỳ khôi đối với nền tư pháp Mỹ.