Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Người học trò yêu của ông 200 Bu-gi

FB Dan Choa

Có chút thời gian ghé vào trang chị Kim Dung Pham đọc được mấy bài liền có nhắc đến ông Lê Duẩn. Đó là bài của ông Lê Kiên Thành viết về người cha của mình và bài phản biện của ông Trần Công Trục. 

Dù có chê bai hay ca tụng ông Lê Duẩn thì cũng chỉ là phiến diện. Mỗi nhân vật lịch sử thì để lịch sử phán xét.

Nhưng đã nhắc tới ông Lê Duẩn thì hình như mọi người lại quên nhắc tới người học trò của ông Lê Duẩn. Đó là ông đại tướng Lê Đức Anh. Ông Lê Duẩn từng phong hàm từ đại tá lên thẳng hàm trung tướng cho ông Anh. Đây là một điều hiếm hoi, trừ trường hợp ông Hồ Chí Minh phong hàm đầu tiên cho các tướng trong buổi đầu thành lập quân đội chính quy.

Ông Lê Đức Anh ca ngợi ông Lê Duẩn hết lời, gọi ông Duẩn là ông 200 Bu-gi ( 200 nến), nào là ông Duẩn sáng suốt lãnh đạo cuộc cách mạng miền Nam, nào là ông Duẩn tượng trưng cho ý chí tiến công...

Hầu như ai cũng có nhận xét khá tương đồng. Ông Lê Duẩn không ưa Trung Quốc, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc và kiên quyết chống Bành trướng Bắc Kinh.

Thế nhưng người học trò của ông Lê Duẩn đã làm gì để kế tục sự nghiệp của người thầy, sau khi ông qua đời?

Ông Lê Đức Anh đã làm cầu nối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.

Những ngày đầu tháng 2 mỗi năm rất nhiều người hồi ức lại cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

Rõ ràng lich sử phải ghi rõ là cuộc xâm lược.

Nhiều linh sinh của cả hai bên đều bị bỏ mạng.

Thế nhưng ông đại tướng, từng là " anh Cả" của binh lính Việt Nam, từng là nguyên thủ chủ tịch nước, lại có một nhận xét rằng: Đó không phải là cuộc xâm lược.

Thực cay đắng biết bao.

Ông Lê Đức Anh từng nhận định: "“Trên biên giới, phía bên kia họ bắc loa chửi ta và kể công, nếu bộ đội ta cứ chửi lại, bắn lại thì không làm được công tác tư tưởng.

Thà rằng họ đánh sâu vào nội địa ta như Pôn Pốt đánh ta ở biên giới Tây Nam thì ta nói họ là xâm lược và ta kêu gọi chống xâm lược thì dễ.

Đằng này qua thăm dò, khảo sát trực tiếp, qua tin tức và phân tích tình hình nhiều mặt, tôi thấy rằng họ không có ý đồ xâm lược, mà họ gây xung đột biên giới với ta nhằm một mục đích khác, ngoài ý đồ xâm lược...( hết trích).

Ngay khi chiến sĩ đồng bào căng mình chống giữ bờ cõi của biên giới thì té ra họ chỉ là các quân cờ của những ý đồ khác. Giả sử giới lãnh đạo đừng che dấu ý định của mình thì chẳng có những cái chết oan uổng.

Ông Khuất Biên Hòa thư ký của ông Lê Đức Anh nhận xét :

" Tuy nhiên những sự kiện trên là những dấu hiệu rất cơ bản để tiến tới việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, nhưng đó là sự kiện diễn ra ở cấp lãnh đạo cao nhất của hai Đảng và hai Nhà nước (Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ), là những cuộc gặp hẹp và bí mật.

Bởi vậy cán bộ ở cấp dưới, nhất là ở cơ sở và bộ đội hai bên đường biên không thể biết, do đó hàng ngày trên tuyến biên giới vẫn chưa có sự thay đổi lớn theo xu hướng hoà bình hữu nghị mà vẫn duy trì không khí xung đột căng thẳng; tuy lúc này phía bên kia không còn cho quân tiến công sang, nhưng bộ đội của họ vẫn bắc các dàn loa phóng thanh chửi rủa với những lời lẽ rất tệ hại nặng nề và vẫn bắn pháo sang bên đất của ta...( hết trích)

Ông Lê Duẩn thì qua đời từ lâu rồi. Nhưng ông Lê Kiên Thành hay ông Trần Công Trục là người thời nay và ông Lê Đức Anh vẫn còn mạnh khỏe.

Không rõ ông Thành sẽ nhận xét gì về người học trò yêu của Ba mình.