Tinh Hoa - Có phân tích cho rằng, trong hơn 60 năm xây dựng chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từng xuất hiện 3 “làn sóng tự sát” bất thường. Đây thực sự là một hiện tượng kỳ lạ mà chỉ xuất hiện tại Trung Quốc.
Ngày đầu tiên của năm 2017, ông Chu Vạn Lý, Phó Thị trưởng thị xã Thái Thương tỉnh Giang Tô bị thiệt mạng vì “té ngã từ trên tòa nhà cao tầng”. Cùng với sự kiện này, có nhận định chỉ ra những năm gần đây “phong trào quan chức tự sát” là một trong những hiện tượng kỳ lạ, có lẽ chỉ xuất hiện ở Trung Quốc.
Trong lịch sử xây dựng chính quyền của ĐCSTQ đã từng xuất hiện 3 ‘làn sóng tự sát': Lần đầu từ 1949 – 1952 với làn sóng tự sát của giới tư bản dân tộc; lần thứ hai từ 1957 – 1967 với làn sóng tự sát của giới trí thức; lần thứ ba là từ 2012 đến nay với làn sóng tự sát của quan chức.
Làn sóng tự sát của giới quan chức
Khoảng 9h27 ngày 1/1/2017, tại một tòa nhà thuộc khu khai phá thành phố Ninh Ba, ông Chu Vạn Lý, Phó Thị trưởng thị xã Thái Thương tỉnh Giang Tô đã ngã từ trên lầu xuống bãi đỗ xe, khi xe cấp cứu đến hiện trường thì ông Chu Vạn Lý đã qua đời.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, gần đây tình hình sức khỏe của ông Chu không tốt, không chỉ rõ nguyên nhân quan chức này bị ngã lầu.
Tỉnh Giang Tô nơi ông Chu Vạn Lý công tác là quê quán của ông Giang Trạch Dân, nằm trong mục tiêu thanh trừng trọng điểm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.
Nhà bình luận chính sự Trần Lâm cho rằng, hình thế mục tiêu chống tham nhũng hiện nay đã khiến những quan chức hủ bại đêm đêm nằm thấy ác mộng, còn ban ngày thì họ luôn sợ cơ quan an ninh tìm đến, suốt ngày lo lắng thảm họa sẽ rơi vào đầu mình.
Theo thống kê, tính từ thời điểm bắt đầu phát động chống tham nhũng vào tháng 11/2012 đến cuối tháng 7/2016, chỉ tính số liệu do chính quyền Trung Quốc công bố đã có 1235 trường hợp quan chức tự sát. Sự việc ông Chu Vạn Lý tự sát là trường hợp đầu tiên trong năm 2017.
Bà Vương, một quan chức trong hệ thống thuế vụ ở Thành Đô – Tứ Xuyên cho biết, do những quy tắc ngầm trong quan trường của thế lực hủ bại kéo thêm ngày càng nhiều quan chức rơi vào sa đọa, vì họ phải tìm chỗ dựa và tiền đồ chính trị. Một khi có vụ án tham ô bị phanh phui ra thì những quan chức cơ sở dễ trở thành vật hy sinh, nếu họ dám khai báo sự thật thì có thể người thân sẽ bị trả thù.
Có nhận định, ở Trung Quốc hiện nay, việc tra tấn ép cung đã trở thành phổ biến, nếu không nhận tội thì những quan chức bị thanh trừng phải chịu cực hình hoặc bị đày đọa về tinh thần, sống không bằng chết.
Ông Lý Thiên Tiếu, Tiến sĩ Chính trị học Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, trong tình hình quan trường Trung Quốc hiện nay, hiện tượng quan chức tự sát sẽ chưa dừng lại. Nguyên nhân họ tự sát là do quá căng thẳng vì bầu không khí khủng bố trong quan trường kéo dài nhiều năm qua.
Hai bên dưới nhà cao tầng Thượng Hải không ai dám đi lại
Một người đang sống khỏe mạnh lại bất ngờ tự sát, phía sau thảm cảnh này là gì? Ông Trần Lâm cho rằng, do thể chế chính trị tạo ra. Ông nói: “Làn sóng tự sát ở Trung Quốc cũng đã từng xảy ra trong quá khứ, trước đây cũng đã xảy ra hai lần ‘làn sóng tự sát’: làn sóng giới tư bản dân tộc tự sát và làn sóng giới trí thức tự sát”.
Làn sóng tự sát đầu tiên xảy ra trong cuộc vận động “tam phản ngũ phản” sau khi ĐCSTQ bắt đầu xây dựng chính quyền.
Nghe nói, tại Thượng Hải vào thời gian đó không có ai dám đi lại ở hai bên nhà cao tầng vì sợ bị người nhảy lầu rơi trúng đè chết. Cùng phong trào “chống trốn thuế lậu thuế”, nhiều nhà tư bản vì làm ăn thua lỗ không thể nộp được “thuế”, họ muốn chết nhưng không thể nhảy sông Hoàng Phổ, e bị cho rằng bỏ đi Hồng Kông làm liên lụy đến người nhà, vì thế họ chỉ còn cách nhảy lầu để chính quyền trông thấy thi thể.
Trước thảm cảnh vô số thị dân “phải tự sát”, ông Trần Nghị, Thị trưởng Thượng Hải khi đó mỗi lần nghe báo cáo thường hỏi: “Hôm nay có bao nhiêu lính nhảy dù?”. Ý nghĩa thực tế trong câu hỏi này là có bao nhiêu thương nhân nhảy lầu.
Cùng “cơn mưa máu” của phong trào cải cách ở Trung Quốc, trong số những người xem thường mạng sống và không chịu khuất phục, rất nhiều nhà tư bản dân tộc nổi tiếng Trung Quốc đã tự sát.
Trong công bố 100 thương hiệu lâu đời ở Trung Quốc năm 2016, đứng đầu bảng xếp hạng là thực phẩm Quan Sinh Viên. Người sáng lập thương hiệu này là ông Tiển Quan Sinh, một doanh nhân dân tộc, khởi nghiệp từ bán hàng rong vỉa hè ở Thượng Hải, sau đó trở thành tổng giám đốc của một trong bốn công ty thực phẩm lớn nhất Thượng Hải. Trong vận động “ngũ phản” năm 1952 ông đã bị vu oan phạm “ngũ độc”, sau khi bị làm nhục và ép cung, ông đã nhảy lầu tự tử, chết ngay trên đường phố Nam Kinh.
Ông Lư Tác Phu (1893 – 1952) là một doanh nhân yêu nước, người sáng lập công ty Dân Sinh, người đi tiên phong trong ngành vận tải đường biển Trung Quốc. Năm 1938 đã bất chấp oanh tạc của Nhật để hỗ trợ quân Trung Quốc rút lui. Trong thời kháng chiến, công ty Dân Sinh đã có nhiều đóng góp cho quân đội Trung Quốc. Năm 1950, ông Lư Tác Phu mang nhiều tàu về Trung Quốc Đại lục, sau đó bị ĐCSTQ vu tội tham ô, bị làm nhục phải uống thuốc độc tự sát.
Trong cải cách ruộng đất ở nông thôn, nhiều thân hào nông thôn mất mạng vì bị vu tội chống cách mạng, họ ra đi để lại vợ góa con côi tiếp tục bị hành hạ trong “mưa gió” đấu tranh giai cấp, nhiều người không chịu khuất phục đã chọn cách tự sát.
Trong thời đầu xây dựng chính quyền, ĐCSTQ hủy chế độ tư hữu, vì thế đã tước đoạt tài sản của các thân hào nông thôn và nhà tư bản dân tộc, hành hạ tra tấn thể xác, cắt đứt mạch văn hóa và tinh thần dân tộc mà họ thừa kế.
Giới trí thức tự sát
Làn sóng tự sát thứ hai rơi vào giới trí thức với con số người tự sát khủng khiếp, chủ yếu là các chuyên gia, học giả, giáo sư, nhà văn.
Về hệ thống tổ chức, người tự sát tập trung chủ yếu trong các trường cao đẳng và đại học, cơ quan văn học và nghệ thuật, những hệ thống này nằm trong mục tiêu chính của phong trào “Cách mạng Văn hóa” và “chống hữu khuynh”. Nguyên nhân chính khiến họ tự sát vì nhân phẩm bị làm nhục trong bức hại chính trị.
Ngày 23/8/1966, nhà văn Lão Xá bị đưa ra đấu tố. Ngày hôm sau ông nhảy xuống hồ Thái Bình thuộc quận Tây Thành – Bắc Kinh tự sát. Người ta nói rằng sau này có thêm nhiều người nhảy hồ Thái Bình tự sát theo, tuy nhiên danh tính của họ không ai biết.
Trong làn sóng tự sát này có nhiều cặp vợ chồng quyết định cùng đi xuống suối vàng. Vợ chồng dịch giả Phó Lôi nổi tiếng đã không thể chịu nổi sự hành hạ của Hồng vệ binh, cả hai cùng tự sát vào ngày 3/9/1966, ba ngày sau thì vợ chồng giáo sư Dương Gia Nhân thuộc Học viện Âm nhạc Thượng Hải cũng tự sát qua đời, sau đó đến ngày 9/9 thì giáo sư Lý Thúy Trinh chủ nhiệm khoa đàn dương cầm cũng tự sát qua đời.
Trong số những trí thức tự sát còn có 4 Ủy viên Ban Quản lý giáo dục, gồm: Trương Tôn Toại (1915 – 1969), Nhiêu Dục Thái (1915 – 1969), Tạ Gia Vinh (1898 – 1966), Dương Phi Phàm (1897 – 1958), trong đó Nhiêu Dục Thái và Tạ Gia Vinh từng là Viện sĩ Viện Nghiên cứu Trung ương. Ngoài ra còn có những đại sư Quốc học như Hùng Thập Lực, Chu Dư Đồng.
Nhiều trí thức tự sát đang ở thời điểm trí lực sung mãn, đỉnh cao sự nghiệp, độ tuổi vào khoảng 45 – 55. Đa số những người tự sát là những nhân cách ưu tú của xã hội, là những trí thức xuất sắc trong lĩnh vực của họ.
Nhà bình luận thời sự Tạ Vịnh cho rằng, trong một quốc gia không có truyền thống tự sát mà bất ngờ xuất hiện số người tự sát cao khác thường, đây là lời cảnh tỉnh đối với chính quyền trong việc phá hoại văn hóa truyền thống. Việc giới trí thức tự sát là tổn thất nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của một xã hội.