Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Chàng ca sỹ 'khùng' và ngôi chợ trời 'văn hóa'

Trọng Thịnh

TP - Nhắc đến Cao Minh, một trong những giọng ca thính phòng hàng đầu tại phía Nam, người yêu nhạc của những năm 80 đều có thể kể vanh vách những ca khúc một thời của anh.

Từng đoạt giải Nhất Concours Quốc gia lần thứ nhất tại Hà Nội, từng đoạt giải quốc tế, Cao Minh một thời được “đóng đinh” với nhiều ca khúc như Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Bến Xuân, Đôi mắt người Sơn Tây, Hòn vọng phu, Dấu chân phía trước, Tiểu đoàn 307… Thế nhưng, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Cao Minh lại đột ngột bỏ ngang, đi làm ruộng. Nhiều người gọi Cao Minh là ca sỹ “khùng” cũng vì lẽ đó.

Từ Khu vườn sinh thái...

Chuyện Cao Minh bỏ hát đi làm ruộng đã gây sốc cho khán giả yêu nhạc. Bởi cái thời Cao Minh đang còn hát, nghề ca sỹ đang là “hot” tại Sài Gòn. Những cuộc thi âm nhạc bắt đầu được mở ra, thu hút hàng ngàn thí sinh tham gia. Nhiều ca sỹ trẻ đi lên từ phong trào hát nghiệp dư, chỉ cần vài bài ăn khách cũng trở thành ngôi sao trên thị trường ca nhạc, tiền cát-sê một đêm có thể lên tới cả chục cây vàng. Hỏi vì sao lại bỏ âm nhạc khi đang còn sung sức, Cao Minh thở dài: “Khi đó, thị trường ca nhạc phát triển một cách hỗn loạn, nhiều ca sỹ tay ngang hát còn sai nhạc nhưng có khán giả yêu thích cũng vọt lên thành sao, chễm chệ trên các băng-rôn quảng cáo với những mĩ danh như Ngôi sao ca nhạc, Thần đồng âm nhạc, Ông hoàng nhạc trẻ, Nữ hoàng nhạc trữ tình, Vua nhạc sến…

Theo anh, trong những ca sỹ được xưng danh đó, có những người đi học thanh nhạc nhưng thi rớt lên rớt xuống, có người còn chả thèm học hành gì, một nốt nhạc cũng không xướng âm nổi. “Vậy mà họ lại được khán giả yêu thích đến phát cuồng. Tôi thấy nghề hát của mình sao rẻ rúng quá. Mình học hành đàng hoàng, danh hiệu nọ kia cũng nhiều, còn chả dám xưng danh như thế. Vì thế tôi bỏ hát, đi làm nông dân cho đỡ nặng đầu suy nghĩ”- anh bày tỏ.

Nói là làm! Cao Minh mua một mảnh vườn cách TPHCM chừng 50 chục cây số rồi một mình lên vườn, lặng lẽ làm ông nông dân chính hiệu. Khi đó, nhiều người đã cho Cao Minh bị “khùng” nhưng Cao Minh chỉ cười và lặng lẽ với mảnh vườn.

Mọi công việc Cao Minh đều tự tay làm. Công việc phát quang vườn tốn hết gần một năm, anh mua chiếc xe cẩu, xúc đất đắp đồi, dẫn nước sông làm hồ. Những ngôi nhà sàn anh xây ven hồ yên bình dưới những tán cây. Rồi cũng chính anh lần mò tìm mua từng viên đá đủ loại từ các lò gạch dạt ra, đặt xây một ngọn tháp, một chiếc cối xay gió trên ngọn đồi để thỏa chí tưởng tượng của riêng mình. Anh tìm mua nhiều loại động vật như: ngựa, đà điểu, trĩ, khỉ, chim… để bầu bạn suốt những năm tháng anh lao động nơi đây. Đến độ giờ đây anh hiểu rành đặc điểm và cá tính của mỗi con thú. 

Gần chục năm trời, từ 2 bàn tay, Cao Minh đã cải tạo mảnh vườn của mình thành một trang trại tuyệt đẹp với những hồ nước, hòn non bộ, đám ruộng xanh mướt và vườn thú rộng mênh mông. Vài người quen biết Cao Minh, cuối tuần rủ nhau lên thăm anh, trải nghiệm cuộc sống nông dân. Thế là khu vườn sinh thái mang tên Cao Minh đã xuất hiện. Nhưng Cao Minh bảo anh làm vườn không phải để kinh doanh nên du khách tới trải nghiệm nhận được sự đón tiếp theo kiểu dân dã, chân thành của chủ nhà chứ không phải chuyên nghiệp như nhiều khu du lịch khác.

Đến chợ trời có… “văn hóa”

Chuyện làm khu vườn sinh thái của Cao Minh đang được nhiều người biết tới thì đột nhiên, Cao Minh lại mở chợ trời. Nói là mở chợ nhưng thực ra, Cao Minh chỉ cho mượn mảnh vườn trong ngôi nhà của mình tại quận Bình Thạnh để mọi người cùng buôn bán đồ cũ với nhau. Chuyện làm chợ cũng rất tình cờ.

Suốt tuần Cao Minh gắn mình với trang trại, chỉ cuối tuần anh mới trở về nhà tại Sài Gòn. Vườn rộng, Chủ nhật Cao Minh hay rủ bạn bè tới uống cà phê. Rồi một lần, vài ông bạn ham chơi đồ cổ đến khoe với nhau món đồ yêu thích. Rồi ông nọ rủ ông kia, cứ Chủ nhật lại đem đồ đến khoe, rồi bày ra bán bán mua mua ngay tại vườn nhà anh. Vài tay kinh doanh đồ cũ cũng nhân cơ hội này, đem hàng tới bày bán tại vườn.

Thấy nhiều người bán mua trong khu vườn, Cao Minh liền quyết định đưa hoạt động bán mua vào quy củ. Ngôi chợ ra đời với quy định khá đơn giản, ai tới chợ bán mua gì cũng được, chỉ cần uống ly cà phê hay ăn tô bún buổi sáng tại đây. Và chợ đồ cổ Cao Minh ra đời, tự nhiên như sự ra đời của khu du lịch sinh thái.

Thế nhưng khi mới mở, ngôi chợ đã phát sinh nhiều phiền toái như các ngôi chợ trời khác như cãi cọ, tranh giành chỗ và thậm chí có cả lừa đảo. Cao Minh kể: “Sự phiền toái khiến tôi tính dẹp chợ, nhưng nghĩ lại nếu mình tổ chức tốt thì sẽ giải quyết được vấn đề. Tôi quyết định đưa ra thêm nhiều quy định khác như người bán phải lịch sự, hòa nhã, không nói tục nói thách cũng như có thái độ căng thẳng với nhau. Ai to tiếng sẽ vĩnh viễn không được vào chợ. Ban đầu nhiều người không đồng tình nhưng tôi cương quyết làm mạnh nên sau một thời gian, chợ đã trở thành chợ văn hóa đúng nghĩa”.

Chỉ mở vào Chủ nhật, chợ đồ cũ Cao Minh luôn đông nghịt khách hàng bởi người ta tới chợ không chỉ là bán mua. Có ông giám đốc, hàng tuần đều đem các món hàng sưu tầm của mình tới chợ để mua bán đổi chác. Ban đầu mắc cỡ, sợ gặp người quen của mình tại đây nên ngồi còn quay mặt vô trong vì ngại. Sau thấy quen dần cũng rao hàng bán mua thoải mái.

Có ông giáo sư tướng tá uy nghi đạo mạo nhưng hàng tuần đều tới chợ, ngồi chồm hổm xem từng món hàng cũ. Có tay buôn đồ cổ khét tiếng dữ dằn ở khu chợ vỉa hè Hùng Vương nhưng tới bán hàng ở đây cũng quen cách niềm nở chân thành của chợ. Chợ bày bán gần như không có hàng mới, những món hàng cũ nhiều khi đã bị hỏng. Nhưng người ta vẫn bán, vẫn mua chủ yếu là mua sự hoài niệm.

Giới sưu tầm đồ cổ cũng chọn nơi đây để tìm kiếm những món hàng độc, nhưng giới nghèo cũng có thể mua được vài món hàng với giá … không thể rẻ hơn. Nhiều nhất là những người đi tìm những kỷ niệm một thời qua từng món hàng. Vì thế, một tờ tiền đã bị rách có ghi số phát hành năm 1945 cũng có mặt ở đây. Một chiếc máy hát đĩa than đã gỉ sét cũng được rao bán.

Thậm chí cả tờ tem phiếu và sổ gạo của thời bao cấp cũng được chủ nhân trưng bày… Hàng hóa nhiều chủng loại và xuất xứ thì nhiều lúc người bán cũng ấp úng không thể nói. Giá cả thì thượng vàng hạ cám. Vài ngàn cũng mua được một món nhưng cũng có món lên đến vài chục triệu. Có nhiều món chủ nhân không bán mà chỉ bày khoe chơi tại chợ.

Rồi khi chợ đang ồn ào bán mua thì đột nhiên ở một góc, Cao Minh cất tiếng hát. Những ca khúc một thời của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên qua giọng ca của Cao Minh có gì đó thật đặt biệt bởi nó hòa quyện vào không khí đậm chất hoài niệm của ngôi chợ. Tiếng ồn lắng lại, nhiều người im nghe ông chủ chợ cất tiếng. Không có chương trình cụ thể, không có lời giới thiệu, Cao Minh vừa hát, vừa tự bạch với những kỷ niệm. Dường như anh hát cho riêng anh thì đúng hơn. Vài người cất giọng hát theo nho nhỏ. Và khu chợ trời tràn tiếng hát.

Cao Minh bảo anh vẫn yêu nghiệp hát lắm nhưng đi hát cũng là làm văn hóa. Giờ thị trường âm nhạc đang hỗn loạn thì anh làm văn hoá theo cách riêng của mình. Và anh bảo đang dự tính để làm những show diễn dài hơi. Có thể là một trích đoạn nhạc kịch, có thể là những chương trình âm nhạc có chủ đề.

“Tôi không muốn dừng lại với những gì có hiện nay vì dừng lại là một sự kết thúc. Với tôi mọi thứ phải luôn tiến tới và tôi mong mọi người hãy chờ xem, tôi sẽ xây dựng một mô hình khác biệt như đã làm với khu vườn sinh thái và ngôi chợ trời văn hóa”. Cao Minh tự tin nói. Xem ra chàng ca sỹ “khùng” vẫn đang quyết tâm làm thêm điều gì “khùng” khác, nhưng mà “khùng” đang yêu thì phải (?). 
***

Ca sỹ Cao Minh tên thật là Nguyễn Cao Minh, sinh năm 1961 tại Long An. Cao Minh từng đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình Tây Ninh năm 1978 trước khi theo học Nhạc viện TPHCM. Khi là sinh viên, Cao Minh đã đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc lớn trong nước và quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, Cao Minh về công tác tại Nhà hát Bông Sen rồi sau đó về đoàn Âu Cơ trước khi thành ca sỹ tự do rồi bỏ nghề hát.