VOA - Bố mất rạng sáng Thứ Bảy ngày 23 tháng 7 năm 2011 Dương Lịch. Đến Thứ Bảy ngày 10 tháng 9 là đúng 7 tuần, cũng là ngày lễ cầu siêu 49 ngày kể từ ngày bố mất. Tôi không có mặt ở Cali để tham dự ngày lễ này cùng với gia đình của bố. Nhưng hôm nay trong một đêm trăng sáng tròn ở Manila khi mưa vừa tạnh, ngay trong giây phút này, tôi đang nghĩ về bố.
Tôi không biết tụng kinh. Ít khi đi cúng dường. Lại chưa học được cách ngồi thiền sao cho đúng nghĩa. Tôi chỉ biết và thích dùng chữ để trải lòng mình. Vì vậy tôi viết bài blog này xem như là một lời chia xẻ với bố trước khi bố thật sự đi về cõi vĩnh hằng. Vì hình như theo Phật giáo hôm nay mới đúng là ngày bố sẽ mãi ra đi, không còn chi để quấn quít với những người còn ở lại. Với cõi đời này vốn cũng chỉ là cõi vô thường. Thấy đó rồi mất đó. Có làm đến thủ tướng như bố trước đây hay chỉ là một người tỵ nạn Somali nghèo không có được một bữa ăn no trong thời đại này, thì cuối cùng rồi ai cũng sẽ như ai. Tất cả sẽ phải trở về với cát bụi. Có còn lại chăng là những kỷ niệm êm đẹp của một thời. Và những tình cảm mà chúng ta, giữa người và người, có thể dành cho nhau.
Hôm nay tôi cũng muốn viết đôi dòng cho những ai chưa hiểu rõ về bố. Chưa có dịp gần gũi bố như tôi đã từng có dịp lúc còn là con rể của bố. Tuy rằng quãng thời gian đó cũng khá ngắn ngủi chỉ có 4 năm. Và điều đầu tiên mà tôi cần phải thú nhận là lúc còn sống, tôi chưa bao giờ là thằng con rể được bố yêu chuộng. Điều này hoàn toàn trái ngược đối với người con gái út của bố mà lúc nào ông cũng cảm thấy hãnh diện, luôn sẵn sàng chiều chuộng, mở lòng.
Mà điều này cũng phải thôi. Vì tôi và bố ít khi đồng ý về những vấn đề liên quan đến chính trị. Ở thế giới bên ngoài hay liên quan đến hai chữ Việt Nam. Tôi cũng nghĩ ông hay bất cứ một người cha nào cũng đều cho là không có một ai đáng xứng, đủ tài để lấy con gái họ. Nhất là một người con gái như đứa con gái út ‘rượu’ của ông.
Hình như giữa ông và tôi không có điều gì giống nhau ngoại trừ tình yêu mà cả hai đã dành cho một người.
Bố lên làm tướng lúc ba mẹ tôi vẫn còn đi học. Ông lên làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp, Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa để rồi trở về làm thường dân khi tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Vì vậy hôm nay tôi không muốn bàn nhiều gì về bố trong những vai trò này. Đã có quá nhiều người nói về bố, viết về bố và tôi thì lại không biết rõ về quãng thời gian đầy sóng gió này để đánh giá, nhận định.
Tôi nghĩ đối với bất cứ trường hợp nào chính chúng ta phải sống và phải trải qua những kinh nghiệm của người mà chúng ta muốn phê phán, chúng ta phải bước qua những khổ đau của họ, phải biết khóc cười với thân phận của chính họ từ lúc họ mới ra đời cho đến ngày họ trưởng thành, thấy những gì chỉ có họ đã thấy, nghe những câu chuyện chỉ có họ được nghe, chỉ đến khi ấy tôi nghĩ họa chăng chúng ta mới có thể hiểu được tại sao và trong hoàn cảnh nào họ đã chọn con đường mà họ đã chọn, xử sự theo cách mà chỉ có họ mới có đủ thẩm quyền để quyết định cho riêng họ.
Còn không thì tất cả chỉ là đoán…mò.
Nhất là đối với những nhân vật nổi tiếng đầy quyền lực lúc còn rất trẻ như bố.
Tôi vẫn còn nhớ cách đây độ vài năm khi vẫn còn là con rể của bố, mỗi khi gặp, ông vẫn nhìn tôi miệng tủm tỉm cười bảo rằng ‘lúc tôi bằng tuổi anh thì tôi đã có đến 6 người con đấy nhé’.
Vậy là sao? Ý bố nói vậy là thế nào? Là tôi coi vậy chứ không…sung bằng ông à?
Thì ra ít ai biết được bố có cái máu tếu 24/7. Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, bảy ngày một tuần, lúc nào ông cũng có thể tếu. Trong tiếng Anh chúng ta thường gọi là ‘having a sense of homour’. Nhưng phải là loại tếu châm biếm chúng ta chỉ thường thấy có ở những người gốc Bắc cơ, những người đã từng lắm trải, lên voi xuống chó, thỉnh thoảng cứ bị đời cho quay vài vòng. Họ thật sự có biệt tài chọc cười thiên hạ. Không phải ngẫu nhiên mà đứa con gái út của bố được thành danh qua nghề MC trong suốt hai thập niên qua.
Bên giới nghệ sĩ nổi tiếng còn có Bằng Kiều và Thu Phương. Chỉ cần ngồi bên cạnh hai anh chị nghe họ kể chuyện trên trời dưới đất thôi nhưng với cái tính tếu cố hữu, cách chọc cười rất châm biếm của họ, bảo đảm bạn sẽ cười lộn ruột. Không hay không ăn tiền.
Đó là lý do tại sao tôi có thể chết mê chết mệt vì họ. Và đó cũng là điều đầu tiên tôi nhớ mỗi khi nghĩ về ông.
Lần đầu tôi gặp bố là ở nhà của ông ở Nam Cali cách đây khoảng 7, 8 năm về trước. Hôm ấy tôi đến để xin ông cho tôi lấy con gái của ông theo đúng như thông lệ bên Tây phương. Đại khái tôi nói thế này:
‘Thưa bác, hôm nay con qua đây để xin bác cho con lấy Duyên làm vợ và cho con gọi bố là bố’. Vừa nói tôi vừa nhìn thẳng vào mắt ông (nhưng tim bên trong lúc ấy nó đang đập lộn xà ngầu).
Ông nhìn lại tôi nhưng chỉ vài giây thôi sau đó chẳng nói chẳng rằng và không thèm đếm xỉa gì đến lời cầu xin rất thành thật (nhưng nghĩ lại thấy có phần nào hơi quá thẳng thắn của một thằng người Nam lớn lên ở Úc như tôi!), ông quay sang mặt rất tỉnh, cười bảo với các bác bên nhóm Không Quân cũng là chiến hữu ngày xưa của bố đang ngồi cùng bàn:
‘Cái thằng này ngày xưa mà nó hỏi tôi như thế này thì tôi cho đem ra bắn ngay lập tức!’.
Vừa nghe xong câu phán này, ý tưởng đầu tiên lóe lên trong đầu của tôi (nhưng chẳng dám nói ra) là:
‘Cũng may bây giờ mình đã ở Mỹ và ông không còn làm tướng!’.
Nhưng mọi người nghe ông nói đến đấy thì bật cười. Riêng tôi thì, vì đấy là lần đầu tiên gặp phải cảnh trái ngang như thế này, chẳng biết phải làm gì cho đúng phép. Thế là tôi chỉ biết ngồi đực mặt ra, cười không nổi, nói cũng không xong.
Có lẽ nhìn thấy cái bộ mặt tiu nghỉu của tôi lúc ấy ông cảm thấy…tội nên ngay sau đó ông từ tốn dịu dàng bảo rằng:
‘Tôi chỉ đùa với anh thế thôi. Chứ các anh chị đã lớn cả rồi, đã quyết định hết rồi, cần gì phải hỏi ý kiến của tôi. Nếu hai đứa cảm thấy thương nhau đủ để làm vợ chồng thì cứ thế mà làm. Ở cái xứ Mỹ này nếu như tôi có phản đối thì anh chị cũng có nghe tôi đâu’.
À. Thì ra là vậy. Dạ con cảm ơn bác. Vừa nói tôi vừa cố tìm đường chuồn đi chổ khác. Kẻo ông thay đổi ý kiến kêu mấy bác đem súng ra bắn thì tôi chỉ có biết có nước phải khóc năn nỉ cho con rút lại lời xin!
Điều thứ hai mà mỗi lần tôi gặp ông cùng với những chiến hữu, bạn bè trong quân đội của ông đều làm cho tôi rất ngạc nhiên đó là sự tôn trọng và thương mến của họ dành cho ông. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp bố với chú Lý Huỳnh là người cận vệ thân thiết ngày xưa của bố. Đi đâu chú cũng mở cửa cho bố, tuy gặp bố hầu như mỗi ngày lúc bố (và cả tôi) còn ở Việt Nam cách đây 3 năm, nhưng câu nói đầu tiên khi chú gặp bố luôn là:
‘Xin chào Thiếu Tướng’. Vừa nói chú vừa đứng thẳng lưng, mắt nhìn bố, tay đưa lên chào. Cứ y như là trong phim. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ ‘có cần phải trang trọng dữ vậy không ta’?
Nhưng về sau này khi tôi có dịp hàn huyên, tâm sự với chú cùng với những anh em chiến hữu của bố trong Không Quân ngày xưa thì tôi mới biết là có những thứ tình cảm quyến luyến sâu đậm đặc biệt, những kỷ niệm vào sinh ra tử, sống chết có nhau mà tôi, lớn lên trong hòa bình, sẽ không thể hiểu và không bao giờ có được.
Họ thật sự là anh em có thể chết vì nhau. Chú Lý Huỳnh bảo chú vẫn còn nhớ có lần bố bị Cộng sản cho người ám sát, bom nổ ngay bên người bố. Đến lúc ấy chú chỉ biết là chú phải đẩy bố nằm xuống đất còn chú thì dùng chính thân của mình nằm sấp lên người bố. Để che chở cho bố. Mặc dù lúc đó chú đã có vợ con.
‘Nhưng mình phải bảo vệ cho ông thôi con ạ. Tại vì ông lúc nào cũng hết tình, hết nghĩa với mấy chú. Ngay cả khi ông lên làm Thủ Tướng’. Chú Lý Huỳnh vẫn thường nói với tôi như vậy. Gặp chú hôm tiễn bố ra nhà hỏa táng ở Kuala Lumpur, Malaysia, tôi thấy chú buồn quá nên cũng không dám nói nhiều.
Nhưng hôm nay tôi muốn nói với chú là cảm ơn chú đã cho con thấy một khía cạnh khác trong cuộc sống, của tình chiến hữu ngày nào giữa chú và bố và thế nào mới là phải sống cho đúng đạo làm người, có tình có nghĩa. Vì về sau này bố không có gì cả và chú mới là người có rất nhiều. Sự nghiệp, tiếng tăm, tiền bạc. Chú không cần gì ở nơi bố.
Thế vậy mà chú vẫn một mực thương kính bố. Điều này có lẽ nói lên một phần nào con người của bố lúc còn sinh thời, lúc trong tay bố nắm toàn quyền sinh sát.
Dĩ nhiên tôi cũng thừa biết là lúc bố còn sống những hành động và lời nói của ông đã làm khá nhiều người phật lòng, đặc biệt là các bác, các chú ở thế hệ của bố hoặc nhỏ hơn bố vài tuổi. Nhất là ở hải ngoại. Thành tâm mà nói chính tôi đây là con rể của bố, thấy và hiểu về bố hơn một số người vậy mà đôi khi tôi vẫn còn hơi bị…dị ứng với những lời phát biểu quá trực tính của bố. Nhiều khi tôi thấy những lời nói của bố cứ y như là của một ông tướng đang ở chiến trường, đang ra lệnh cho toàn quân phải đánh cho thắng. Chứ đó không phải là lời phát biểu có ý tứ, đắn đo của một nhà chính trị gia đầy kinh nghiệm như tổng thống Obama!
Ngược lại tôi thật sự khâm phục cái Dũng ở nơi bố. Đó là ông dám làm, dám nói.
Không bàn về những gì bố đã làm trước khi tôi ra đời. Cũng chưa hẳn tôi đồng ý với tất cả những hành động, lời phát biểu của ông kể từ ngày ông quyết định quay về lại Việt Nam. Nhưng điều mà tôi sẽ luôn nhớ về ông đó là ông rất tin tưởng những gì ông đang làm. Và ông sẽ làm, mặc dù ông có thể mất tất cả.
Nhất là khi nó liên quan đến vận mệnh của đất nước Việt Nam.
Tôi có thể không đồng ý về con đường ông đã chọn. Nhiều người cũng có thể cho rằng con đường ông đã chọn không phải là con đường ngắn nhất và hữu hiệu nhất có thể mang lại tự do và dân chủ cho người dân xứ Việt. Nhưng chắc chắn một điều, đối với bố, Việt Nam là trên hết, tương lai của đất nước là điều tối ưu nhất.
Chứ không phải là tiền bạc mà khi chết bố không có một xu. Không phải quyền uy mà bố đã có đó, rồi mất đó. Cũng không phải là danh vọng mà nếu như bố chịu an phận tiếp tục ở Mỹ để hưởng tuổi già thì có lẽ trong ngày lễ cầu siêu trong đêm hôm nay, gia đình bố đã không gặp phải cảnh cổng chùa Cali đã khép.
Nhưng mà thôi bố ạ. Nghĩa đã tử thật đúng là nghĩa đã tận. Bố đã dám bỏ những dị biệt cá nhân để bắt tay với kẻ thù, những người đã nhiều lần chủ mưu giết bố. Bố cũng đã bỏ bên ngoài tai những lời nói bàn ra tán vào về mục đích và dụng ý của bố trong những năm tháng cuối đời. Để bố có thể nói lên một phần nào về sự lo ngại đặc biệt của bố về tương lai của đất nước trước hiểm họa từ phương Bắc. Với những người đang đứng ở thế của bố gần nữa thế kỷ trước đây.
Vì vậy con biết rằng bố sẽ bỏ qua tất cả, sẽ tha thứ tất cả. Để kể từ hôm nay bố sẽ mãi ra đi trong thanh thản như cách đây đúng 49 ngày lúc bố trút hơi thở cuối cùng trong giấc ngủ, không đau đớn, không bệnh tật.
Con cũng biết là trong một ngày không xa con sẽ gặp lại bố. Để báo cho bố biết là đất nước Việt Nam của mình, nơi mà bố yêu quý nhất, luôn quan tâm về nó nhất, hơn cả gia đình, hơn cả những người con của bố, là cuối cùng nó cũng đã được giải phóng theo đúng nghĩa của nó, người dân thật sự được làm chủ như điều mà bố luôn mơ ước.
Khi ấy con mong là bố vẫn sẽ cho con gọi bố là bố. Vì ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’. Một ngày là bố, mãi mãi sẽ là bố.
Được không bố?