Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Giáo sư Đỗ Đức Hiểu: Âm thầm một bàn tay minh triết

NGUYỄN HỮU ĐẠT

Một ngày mùa đông, trời lành lạnh. Mới 6 giờ 30 phút, tiếng còi của đội Cờ đỏ đã vang lên giữa hai dãy nhà của khu ký túc xá. Sinh viên lục tục từ các phòng chạy ra xếp thành từng hàng theo lớp để chào cờ. Đó là buổi sáng thứ hai, buổi đầu tuần, theo thông lệ, sinh viên phải chào cờ Tổ quốc sau đó nghe báo cáo giao ban.

Hôm đó, một người rất gầy gò, đeo kính trắng, quần áo chỉnh tề bước đến trước cái bục gỗ. Ông là phó chủ nhiệm khoa Văn: Đỗ Đức Hiểu.

Nghe thầy trợ lý chính trị giới thiệu xong, tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng. Sao thầy phó chủ nhiệm khoa lại gầy thế nhỉ? Có cảm tưởng, mỗi lần ông nói, mọi đường gân trên cổ ông hiện ra gân guốc như đua chen với chiếc hầu nhọn. Ông nói nhỏ, lần đầu nghe, có cảm giác hơi từ ngực ra rất yếu, giống như người đổ bệnh, thều thào. Những nghe quen, lại thấy giọng ông da diết, như ngọn gió bay trong chiều thu. Ông nói:

- Các anh các chị yêu nhau, khoa không cấm. Nhưng yêu nhau thì đừng bê trễ học hành. Yêu thì có lúc giận, lúc hờn. Nhưng giận nhau cũng đừng lấy đá mà ném nhau. Như thế chẳng còn gì là Văn khoa nữa. Các cụ vẫn dạy:

Yêu nhau thì ném bã trầu

Lấy đá mà ném, sứt đầu nhau ra.

Câu đó của ông trở thành nổi tiếng, học trò đem vận vào câu đối với Nguyễn Văn Tu để thành cái tứ “Đỗ Đức Hiểu chỉ ném bã trầu...”.

Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là người  thành danh từ rất sớm. Ngay từ trước khi có khoa Văn ông đã được người đời biết đến trong nhóm Lê Quý Đôn, đó là một nhóm nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực văn học. Đến khi ông làm Phó chủ nhiệm khoa Văn, người ta càng thấy ông nổi bật với những quan điểm cứng rắn bảo vệ đường lối lãnh đạo chuyên môn của Đảng trong sự kết hợp giữa hai khái niệm trở thành phổ biến đương thời là “hồng” và “chuyên”. Về những khái niệm này, ngay từ thời phổ thông chúng tôi đã phải tụng niệm như kinh thánh. Bởi ngay cả đề thi vào Đại học thời đó vẫn có nhiều dạng bài đại loại: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Chủ nghĩa Xã hội rất cần những con người vừa “hồng” vừa “chuyên’. Anh chị hiểu câu đó như thế nào? Lấy thực tiễn văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1960 để chứng minh”.

Cho nên, khi mới bước chân vào khoa, chúng tôi đã được nghe giáo sư Hiểu nói về vấn đề này. Với cương vị là người phụ trách đào tạo, ông kiên quyết phải lái lũ học trò chúng tôi đi theo con đường chuyên môn theo tinh thần của Đảng. Một khi chưa thấm nhuần tư tưởng đó thì chuyên môn chỉ là một cái thứ rẻ rách vì nó chẳng thể phục vụ cho ai.

Chủ nghĩa “hồng”và“chuyên” đến nay không còn là cái tâm điểm chú ý của sinh viên hiện đại. Tâm điểm chú ý của họ bây giờ là:ngoại ngữ, vi tính. Ngoài chuyên môn thì đó là những món ăn khoái khẩu nhất với các nhà quản lý và những người tiếp nhận thứ sản phẩm trí tuệ đặc biệt từ các mái trường đại học về cơ quan. Ở bậc cao hơn, tầm vĩ mô Nhà nước, ngoại ngữ trong một số trường hợp chỉ còn được hiểu là tiếng Anh. Không biết tiếng Anh coi như không biết ngoại ngữ.

Sự biến chuyển của thời cuộc diễn ra nhanh đến như thế thì cái việc người ta nhìn nhận về các bậc tiền bối đâu khỏi tránh được phiến diện? Có người hiện nay chê trách giáo sư Hiểu sao có một thời cứng thế ? Ông là một trong các nhân vật đứng đầu trong các trận quyết tâm đè bẹp phái “Chuyên môn thuần tuý”. Những cuộc xung trận của ông, nào kém chi thời Hoàng Xuân Nhị xuất chưởng đánh dẹp phái Nhân văn giai phẩm. Chỉ có điều khác, lần này cuộc đấu chỉ xoay quanh sự lệch lạc trong sự kết hợp giữa chính trị và chuyên môn chứ không phải là hiện tượng “chống đối” nên nó cũng có phần nhẹ hơn. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh nội bộ ngày ấy vô hình chung đã hình thành một thế trận lẽ ra không nên có mà không phải không có lúc ông không nhận ra, Nhất là lúc về già. Nên tuổi càng cao, ông càng trở thành con người trâm ngâm, mang đầy những nỗi niềm thế sự. Nỗi niềm ấy, gần như ông đã ôm trọn kiếp người để mang nó về thế giới bên kia với bao nhiêu suy gẫm mà chưa có kịp nhắn nhủ hết cho đời sau.

Đó là một vấn đề lịch sử. Rất khó luận bàn. Lịch sử không xuôi chiều. Lịch sử cần có các mặt “đối lập” để thúc đẩy nhanh sự phát triển của sự vật theo những qui luật biện chứng tất yếu của nó. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là người nằm trong quĩ đạo đó. Ông  là người đã làm trọn các bổn phận của mình những nhiệm vụ mà Đảng giao phó, phò tá giáo sư đại tài Hoàng Xuân Nhị trong suốt nhiều năm.

Không ai tin một con người gầy gò tưởng như thiếu sức sống như giáo sư Đỗ Đức Hiểu lại có một sức lực làm việc dẻo dai và phi thường đến như vậy. Điều đó, thoạt nghe là cái sự phi lý. Nhưng lại là sự thực. Sự thực là trên đời này chưa bao giờ hết cái phi lý. Giáo sư Hiểu chính là người dạy những vở kịch phi lý của nền Văn học Phương Tây một cách say mê. Và, cuộc đời ông không những đã chứng kiến mà tận hưởng những điều phi lý hết sức ngọt ngào.

Để nói về câu chuyện ly kỳ này hãy lui lại một chút về quãng thời gian hơn ba mươi năm về trước. Dạo đó, các thế hệ sinh viên từ K14 đến K20 thường được nghe một điệp khúc trong các buổi chào cờ đầu tuần. Điệp khúc đó là sự nhắc nhở, phê bình thường xuyên của lãnh đạo khoa về một sinh viên. Anh này là Lê Ngọc Tân, tôi nhớ không nhầm thì anh  là sinh viên K17. Anh không có tội gì lớn ngoài cá tính là thích ăn mặc theo ý riêng của mình. Mà cái thời ấy, sống theo ý riêng thì sớm muộn cũng sẽ bị la rầy. Người ta hoà đồng, tất cả đều hướng chung về một. Cùng một lý tưởng. Cùng một suy nghĩ. Cùng một cách ăn mặc duy nhất. Vậy mà anh lại cứ thích khác đời.  Đặc điểm của anh là thích mặc quần loe. Anh bị phê phán nhiều lần vì đã không  ăn mặc đúng theo cái mốt thời trang  của sinh viên cùng thế hệ. Giáo sư Đỗ đức Hiểu buộc phải nêu tên anh như là một hiện tượng của sự lạc dòng với văn hoá mới, con người mới. Mà văn hoá mới lúc đó thì quyết liệt lắm. Thanh nữ đi trên phố nếu mặc quần loe thì công an lấy kéo rạch quần một nhát từ gót đến đùi, mặc áo có cổ hở hang gọi là áo “đợi chờ” thì lập tức xoẹt một cái từ lưng đến gáy. Vậy mà anh cứ ngang nhiên như thế đi tới giảng đường thì ai chấp nhận được?

Với cương vị Phó chủ nhiệm khoa, giáo sư Hiểu kiên quyết ngăn chặn cái thứ ăn mặc “thiếu văn hoá” mới nảy mầm từ trong lòng đội ngũ sinh viên mà Tân là một tiêu điểm. Nhưng khốn nỗi, sự nhận thức của người ta lại khác nhau. Tân cho là ăn mặc theo cùng một kiểu là không đẹp. Bị phê phán bởi mặc quần loe, anh quay sang mặc quần gụ. Trong giới trí thức người ta đã Âu hoá từ thời ông “Văn Minh” của Vũ Trọng phụng, anh lại phục cổ. Giữa lúc các bạn toàn mặc quần Âu, vải ka ki Liên Xô hay si mi li Trung Quốc, anh lại trưng cái quần ống lá toạ, thắt giải rút chạy tung tăng dưới sân trường, rồi thản nhiên đi vào lớp học thì đúng là cái trò trêu ngươi với “văn hoá mới”. Đến buổi chào cờ đầu tuần, giáo sư Hiểu lại kiên quyết nêu tên. Vì cái sự được nêu tên nhiều, hoá ra anh lại nổi tiếng. Tên anh đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người sau này thành thứ biệt danh “Tân quần loe”, ai ai cũng biết.

Vào những năm tháng cuối đời, giáo sư Hiểu sống trong tâm trạng cô đơn khủng khiếp. Suốt đời ông đã theo đuổi văn nghiệp, lấy việc nghiên cứu văn học Phương Tây làm niềm vui, làm lẽ sống. Bao nhiêu thế hệ học trò được ông đào tạo dạy dỗ đã lần lượt trưởng thành. Họ đi làm phóng viên, biên tập, làm nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch.... thậm chí có người thành các nhà quản lý, lãnh đạo có tầm cỡ. Còn ông, giống như một ông lái đò cả đời đưa bao người qua sông, cuối cùng lại trở về với cái bến vắng của mình trong một chiều cuối năm. Trời lâm thâm mưa, gió nhẹ, nhưng rét. Ông nhìn sông nước mênh mang, sóng gợn cô liêu hoang hoải, càng thấm thía một điều: đời người thật là vô định, như áng mây bay...Đó không phải chỉ là tâm trạng của riêng ông mà là tâm trạng của hầu như tất cả những người làm văn trên thế gian này. Văn tức là người. Từ ngàn xưa chưa mấy ai thoát khỏi câu định mệnh. Ông gắn với Văn học Phương Tây, say sưa nghiên cứu thi pháp từ cổ điển đến hiện đại, viết không ít công trình, tác phẩm để lại cho đời. Ông giảng kịch phi lý hấp dẫn như đạo diễn  trong các phim chưởng. Nhiều thế hệ sinh viên từng nghe ông giảng với sự mê đắm mà bao nhiêu năm sau không bao giờ quên hình ảnh một người thầy vóc hạc, trông gầy guộc, nhưng nói lại mạnh mẽ và cuồng nhiệt đến thế. Có một cái gì đó rất lạ trong âm hưởng giọng nói của ông. Nó da diết như xoáy sâu vào trí nhớ người ta những ấn tượng của một trận mưa buồn. Dai dẳng. Đeo bám. Thánh thót. Nhớ về ông, các học trò nhớ về một người thầy lúc nào cũng lịch sự theo kiểu Pháp nhưng có một sự nồng nhiệt âm thầm như ngọn lửa lúc nào cũng muốn cháy rực lên.

Có thể nói, Đỗ Đức Hiểu là một chứng nhân lịch sử của trí thức hiện đại Việt Nam. Ông sống hơn hai phần ba thế kỷ trong khung cảnh lịch sử của một đất nước đầy biến động, làm nên những kỳ tích bởi cả chất bi và chất hùng. Con người ông chính là hội tụ của của nhiều luồng tư tưởng, đa dạng, phức tạp. Bộ óc ông là một bộ óc trác việt dung chứa nhiều kiến thức thẳm sâu của hai nền văn hoá Đông- Tây. Bởi thế, tuy là một chuyên gia cỡ đầu ngành về Văn học Phương Tây ông vẫn có nhiều bài viết gây dư luận về Văn học Việt Nam. Ông  có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu thi pháp văn xuôi  và cả trong nghiên cứu thi pháp thơ và kịch. Ông có nhiều bộ sách quí để lại cho khoa, cho đời, làm cẩm nang cho các thế hệ sinh viên mở mang tầm mắt của mình ra thế giới. Sau thời kỳ đất nước đổi mới, ngòi bút ông không ngớt trăn trở. Ông hăm hở lao vào mặt trận nóng bỏng: mặt trận phê bình và cho xuất bản một loạt những công trình tiêu biểu như: Phê bình I, Phê bình II...

Với cả một chiều dày đáng nể đóng góp trong quản lý và trong chuyên môn, lẽ ra ông phải thừa sức nhận được chức danh giáo sư ngay từ đầu. Vậy mà mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều tỏ ra rất phi lý với ông. Cũng may, là một chuyên gia tầm cỡ chuyên nghiên cứu và giảng dạy về kịch phi lý, ông qua hiểu những gì ngổn ngang ở cuộc đời này nên ông bình thản tiếp nhận nó.

Theo anh Trần Hinh cho biết, việc phong chức danh giáo sư cho Đỗ Đức Hiểu có nhiều chuyện tức cười lắm. Số là vì dạo đó, do những quy chế định ra, muốn được phong giáo sư thì những người chưa có bằng phó tiến sĩ như Đỗ Đức Hiểu phải bảo vệ một công trình tương đương. Mà dính vào chuyện bảo vệ thì ở ta, ai cũng biết, nó phải trải qua nhiều thủ tục giấy tờ hành chính lắm. Mà Đỗ Đức Hiểu thì luôn tiếc thời gian, ông nhất định không chịu làm. Thấy thầy mình không được giáo sư thì thiệt thòi quá, thế là Trần Hinh xắn tay nhảy vào cuộc, dành thời gian làm mọi thủ tục hồ sơ cho thầy. Cuối cùng mọi hồ sơ cũng được hoàn tất. Đố Đức Hiểu đem một cuốn sách nghien cứu về văn học phương Tây ra bảo vệ.

Tưởng ai sẽ ngồi vào ghế Hội đồng để chấm công trình cho Đỗ Đức Hiểu. Hoá ra lại là tiến sĩ Đoàn Hương và “lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang”. Ngồi phía dưới hội trường, Trần Hinh hai ba, lần tháo kính ra rồi lại đeo vào như  còn không tin vào mắt mình. Ngực anh thót lại vì sợ hãi. Bởi cứ theo nguyên tắc khoa học thì người chấm Đỗ Đức Hiểu ít ra cũng phải là Đỗ Đức Dục hay một ai đó làm văn học phương Tây. Đằng này lại là một tiến sĩ Mỹ học và một tiến sĩ về văn học Việt Nam. Ngồi phía dưới, càng nghĩ, Trần Hinh lại càng hồi hộp. Anh cố nhoi lên lần nữa cứ sợ là kính mình mua đã lâu quá có lẽ bị sai đi ốp nên nhìn nhầm. Nhưng rõ ràng kia là “lưỡng quốc tiến sĩ” và tiến sĩ Đoàn Hương hẳn hoi. Luống cuống, chiếc kính của Trần Hinh rơi xuống đất vỡ tan. Anh cúi xuống sờ soạng, nhặt lên được cái gọng thì lại bị một mảnh vỡ cứa phải làm cho rớm máu. Anh vội lấy khăn mù xoa rịt lại rồi giở cười giở mếu với ý nghĩ “Liệu thầy Hiểu có qua được không?”. Anh nhìn lên phía trước. Trời ơi! Cái ông già “Lê Quý Đôn” sao dạo này gầy quá, mặt tong teo hẳn đi. Trong khi đó thì hai vị giám khảo mặt lại bừng bừng nhiệt huyết, giống như hai mãnh tướng vừa tiến vào một trận mới, một trận đồ xa lạ nhưng tay họ một bên cầm chắc thanh long đao và một bên cầm quả chuỳ vàng. Nếu họ chỉ vung cao một chút thì có thể ông già “Lê Qúy Đôn” còm nhom kia sẽ đổ gục xuống như một cây chuối. Đặc điểm của hai vị tướng này thì Trần Hinh rất sợ. Các chiêu của “lưỡng quốc tiến sĩ’ thì huyền ảo, bay lượn lắm. Nó đi từ nhận thức đến vô thức, đi từ cổ điển đến hiện đại rồi hậu hiện đại. Từ văn học đến cận văn học... Trong cái mênh mông bể sở mịt mù ấy, thanh long đao của lưỡng quốc tiến sĩ mà vọt ra thì số phận của ông già tội nghiệp kia coi như được an bài.

Nghĩ thế, sống lưng Trần Hinh lại lạnh toát. Anh choáng váng như bị trúng cảm. Tay luống cuống tìm được lọ dầu cù là, loại dầu đặc biệt Bùi Việt Thắng mới cho. Nghe nói loại dầu này rất công hiệu, Bùi Việt Thắng gửi mua bên Ấn Độ, tận một ngôi chùa giáp vùng núi Hy ma la a. Nó có công hiệu lấy lại độ bình thường của nhịp tim mỗi khi sợ hãi. Bùi Việt Thắng khẳng định chất lượng “loại siêu” của nó vì anh đã thử đôi lần. Đó là những lần anh đi dạy tại chức ở các tỉnh xa về hoặc đi du lịch đâu đó chục ngày. Anh tính thời gian, cứ trước mươi phút gặp vợ mà xoa nó thì hiệu quả của nó sẽ đạt tới mức cao nhất. Khi ấy chỉ cần ngửi mùi hương của nó là vợ sẽ rất thương tình, sẽ không yêu cầu mình làm bất cứ việc gì, cũng không truy vấn bất cứ câu hỏi nào rắc rối.

Trần Hinh vừa xoa dầu vừa lẩm nhẩm cầu mong công hiệu của loại dầu người bạn vàng cho anh. Mùi dầu ngan ngát làm anh thấy có vẻ tỉnh lại. Ông già “Lê Quý Đôn” đang hăng hái diễn thuyết trên bục. Ông nói say sưa, hấp dẫn. Các cử toạ gật gù.

Sau đó đến phần nhận xét của các phản biện, uỷ viên hội đồng. Tim Trần Hinh như lắng lại. Anh nhìn như dán vào hai vị tiến sĩ.

Nhưng rồi mọi nỗi lo lắng của Trần Hinh  đần dần được giải toả. Một tràng vỗ tay lét đét nổ. Bài nhận xét của “lưỡng quốc tiến sĩ” đã dài, nhưng chẳng mấy khi ông có dịp “bổ túc” cho mọi người những cái mới về học vấn và tri thức của ông nên ông lại mở rộng các nhận xét ra bên ngoài khá lâu. Trần Hinh kín đáo ngó ông già “Lê Quý Đôn” thấy ông gục mặt xuống, mệt mỏi, và như  có vẻ ngủ gật. Khi “lưỡng quốc tiến sĩ” ngồi vào ghế, ông già “Lê Quý Đôn” mới mở choàng mắt, nhìn  quanh như mình vừa lạc vào một giấc mơ.

Đến khi nữ tiến sĩ đứng lên, Trần Hinh lại một lần nữa hồi hộp lo lắng. Vị nữ tướng này thì Trần Hinh đã chạm trán trong một vài lần cùng đi luyện thi đại học, nhằm đào tạo các nhân tài tương lai và có đọc đôi bài của chị trên báo Văn nghệ. Chị là học trò không biết là thế hệ thứ bao nhiêu của ông già vậy mà bây giờ chị lại ngỗi chễm chệ trên cao để phán về người thầy của mình. Mà món võ của chị lại thuộc môn phái khác. Đó là cái thứ Trần Hinh lo nhất. Nghe nói chị được đào tạo từ Ba Cu ở Liên xô. Ba hay Ta...đại loại như thế. Có lẽ là “Ta” thì có lý hơn chứ “ba” thì nghe buồn cười. Anh chuyên về văn học Pháp nên không thật quan tâm lắm đến tên thành phố của của xứ xở này. Nhưng thôi, điều đó không quan trọng. Miễn là, giám khảo là một tiến sĩ về văn học Việt Nam nhưng được đào tạo từ nước ngoài. Thế mới là thứ của độc. Trần Hinh cứ lo là các vị giám không hiểu thầy mình. Thật là lo phỗng lo loan. Có lẽ do đọc nhiều Camus mà anh đã trở thành “người xa lạ” với xứ sở quê hương mình. Ở xứ ta, tiến sĩ bao giờ cũng có thể làm tuốt. Cũng như giáo sư. Đã là giáo sư thì là giáo sư toàn quốc rồi chứ ai người ta gọi là giáo sư của trường nào, viện nào.

Đang nghĩ lẩn vẩn thì giọng nói của nữ tiến sĩ vang lên. Cái chất giọng khàn khàn đáng yêu, rất riêng của chị làm cho Trần Hinh, theo thói quen, bất thình lình giương cái kính vỡ mắt lên nhìn. Anh quên mất mắt kính bị vỡ. Chỉ thấy trước mắt nhoè nhoè, nhoà nhoà. Mọi thứ lẫn lộn, mờ ảo. Hoá ra ở trong cái tầm quang học như thế mọi thứ lại đẹp. Trời ơi, đeo kính vào nhìn rõ để làm gì? Tốt nhất đừng nhìn rõ một cái gì cả thì có khi lại hay.

Một tràng pháo tay lẹt đẹt nổ. Cả hội trường thở phào. Trần Hinh cúi xuống. Không hiểu do sung sướng hay do độ sốc của dầu cù là, nước mắt anh ứa ra. Anh lầy mù xoa lau lau. Từ ruột anh đùn lên tiếng cười. Tiếng cười như bị kìm giữ làm nẩy nẩy cả cái bụng đầy mỡ, chiến tích của những trận ăn vã cá luộc năm xưa.

Ông già “Lê Quý Đôn” mặc dù được cả hai vị tiến sĩ khen, nhưng xem ra không lấy gì làm sung sướng. Ai cũng mừng cho ông khi hội đồng đọc thông báo kết quả. Cái cầu bắc cho ông vượt sông sang bờ bên kia đã hoàn thành. Chẳng bao lâu nữa ông sẽ thành giáo sư. Vậy mà nét mặt ông vẫn trầm mặc như thường ngày. Thậm chí lại có vẻ u uất hơn. Thế mới lạ! Trên đời có thiếu gì có những kẻ bỏ ra hàng đống tiền dể “chạy” lấy cái chức giáo sư  mà mặt lúc nào cũng hý hửng, tưởng mình là tài hơn thiên hạ. Còn ông, tài năng, trí dũng như thế được phong giáo sư mà lại buồn thì ai mà hiểu nổi? Nên mới có thơ vui về cuộc bảo vệ của ông:

Xét rằng trí dũng có thừa.

Nghe Trần xúi giục nên cơ hội này

Rằng hay thi thật là hay

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

Trong những năm tháng về hưu, mặc dù tuổi cao sức yếu ông vẫn cặm cụi miệt mài bên bàn viết, rút ruột viết ra những dòng tâm đắc nhất cho cuộc đời như con tằm đều đặn nhả tơ. Những người sống trong khu tập thể của ông hẳn không bao giờ quên hình ảnh một ông già quanh năm sống âm thầm trên một căn gác nhỏ, thắp đèn sáng thâu đêm để làm việc. Nhiều đêm, bà con lối phố đi ngủ hết, người ta vẫn thấy ông ngồi trầm mặc bên trang sách viết dở rất lâu, nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong bầu trời mênh mông, biết bao nhiêu ngôi sao mờ, sao tỏ. Ông ngồi gần như bất động, bóng lõm trên tường. Bàn tay dài gầy guộc đang viết ra hàng ngàn những điều trăn trở. Bàn tay ấy được anh Đào Duy Hiệp miêu tả là bàn tay minh triết, tôi mượn tứ mà cho lên đầu bức chân dung viết về ông.

Những năm tháng cuối cùng thầy Hiểu sống trong sự ngưng đọng của bao điều u uất và khám phá. Ông muốn dành những tâm lực mạnh nhất của tuổi già trút lên đầu ngọn bút của mình. Thời gian này, hầu như ông không bao giờ xuống đất. Mỗi sáng, ông thả một “chiếc quang nhỏ” nhờ bà hàng xóm tốt bụng mua sắm thức ăn trong ngày. Bà đi chợ về, giật chuông. Chiếc quang từ từ kéo lên. Một mớ rau. Đôi miếng thịt. Thanh đậu phụ hay ít lạc nhân. Đó là những món ăn thường nhật của một vị trí thức già tâm huyết với đời, với nghiệp.

Vì kính trọng và thương ông, vợ chồng người học trò hay bị ông phê bình nhất thuở còn đi học là Lê Ngọc Tân đã nằn nì đón ông về sống chung với mình. Không ai tin rằng, cái anh thanh niên một thời luôn bị phê là sống “thiếu văn hoá” lại là người có văn hoá nhất trong ứng xử và đạo nghĩa thầy trò. Trước khi từ giã cõi đời trần thế, ông lại một lần nữa được hưởng cái sự ngọt ngào vô tận của trang kịch phi lý trong đời. Ông đi thanh thản, chẳng đem theo thứ gì, ngay cả những cuốn thi pháp là loại sách tâm đắc nhất của ông.