PNO - Gần đây, truyền thông Trung Quốc "sôi sục" bởi lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tham gia tuần tra biển Đông từ Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Ông Le Drian nêu rõ lập trường ủng hộ quyền tự do hàng hải trên biển Đông và giải quyết mâu thuẫn giữa các bên thông qua đàm phán.
Lời kêu gọi từ phía Pháp không khác nào một cây chông lao thẳng về phía Trung Quốc trong hoàn cảnh nước này đang bị các nước lân cận và EU cô lập. Lo sợ bị "bao vây" bởi các nước lớn, ngay lập tức phía Trung Quốc đã có lời chỉ trích gửi đến Pháp.
MC Lý Vĩ của kênh Phượng Hoàng (Trung Quốc) cho biết Bắc Kinh xem lời kêu gọi của ông Le Drian là động thái hô hào thành lập "liên quân 8 nước mới".
Theo khái niệm trên trang Baidu (Trung Quốc), "Liên quân 8 nước" chỉ sự kiện quân đội Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Ý và Áo-Hung xây dựng lực lượng chung để "tiến hành hành động quân sự xâm nhập vào Trung Quốc" năm 1900.
Trong những ngày qua, cụm từ "liên quân 8 nước mới" xuất hiện với tần suất khá dày trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc như một sự mô tả về hình thức đe dọa mới trên biển Đông.
Hơn nữa, để ngăn chặn việc "liên minh 8 nước" tái diễn, Trung Quốc cũng lớn tiếng cảnh cáo Mỹ - Nhật.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc cảnh cáo các quan chức Bộ quốc phòng Nhật Bản hôm 4/6: "Nếu Nhật Bản và Mỹ triển khai cái gọi là tuần tra chung hoặc những hành động quân sự khác trên biển Đông thì Trung Quốc sẽ không để yên."
Sau khi Mỹ tuyên bố có khả năng đưa 2 nhóm tàu sân bay tới để "trấn áp" Trung Quốc ở biển Đông, tờ Hoàn Cầu đã chỉ trích liên minh Mỹ-Nhật là "có âm mưu xây dựng 'liên quân 8 nước' phiên bản hiện đại" để gây áp lực lên Bắc Kinh về quân sự, chính trị, ngoại giao.
Nhà nghiên cứu cao cấp Lưu Chí Cần của Đại học nhân dân Trung Quốc bình luận trên tờ Hoàn Cầu ngày 13/6 mập mờ chỉ trích Pháp cũng như Mỹ, Nhật.
Ông Lưu viết: "Nghe nói đã có nhiều quốc gia phương Tây bày tỏ quan tâm đến tình hình biển Đông, một số nước ngang ngược tuyên bố điều tàu tới. Có chuyên gia đã tính toán sơ bộ, rất có thể một 'liên quân 8 nước mới' sẽ xuất hiện để 'chơi đùa' trên biển Đông."
Phản ứng của truyền thông và giới học giả Trung Quốc còn được cho là liên quan đến phát biểu của Đại tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, tại Shangri-La.
Dù ông Pavel nói NATO không can thiệp quân sự ở biển Đông do "không có cơ sở pháp lý", nhưng ông khẳng định liên minh quân sự này sẽ hợp tác với các nước trong khu vực muốn phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và cách thực hành tốt nhất về an ninh hàng hải.
Học giả Lưu Chí Cần cũng phản bác lời chỉ trích Trung Quốc "xây Vạn lý Trường thành tự cô lập mình" mà Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nêu về vấn đề biển Đông. Lưu nói rằng Vạn lý Trường thành "không phải dùng để cô lập, mà là để phòng ngự".
Cuối cùng tờ Hoàn Cầu không quên gửi "cảnh báo đỏ" tới Mỹ và Nhật rằng nếu hai nước này sẽ gặp khó khăn và đang làm cho mối quan hệ giữ Trung Quốc và các nước ASEAN xấu đi khi cứ liên tục can thiệp quân sự vào khi vực này.