Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Biểu tình Formosa: 'Bước tiến' của xã hội dân sự?

BBC - Một nhà hoạt động nói cuộc biểu tình chống Formosa Hà Tĩnh hôm 2/10 thể hiện “bước tiến” trong nhận thức của người dân muốn đấu tranh pháp lý.

Hàng ngàn người dân từ các Giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, giáo xứ Dũ Lộc, Qu‎‎y Hòa, Tây Thành thuộc Giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tham gia cuộc xuống đường đến cổng công ty Formosa, nằm trên địa bàn huyện này trong sáng Chủ Nhật 2/10.

Trong các clip quay từ hiện trường, ban đầu có xảy ra hiện tượng một số người ném đá, và cảnh sát cơ động có dùng dùi cui đánh vào đám đông. Tuy nhiên cuối cùng cuộc biểu tình diễn ra không có xô xát lớn.

Người dân trèo lên cổng công ty Formosa, căng băng-rôn viết những dòng chữ thể hiện sự phản đối và ra về.

Cuộc xuống đường xảy ra bốn tháng sau thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, được xác định nguyên nhân là do công ty Formosa gây ra.

"Bước tiến"

Nói với BBC Tiếng Việt từ Đà Nẵng, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người quan tâm diễn biến, nói ông “xúc động” khi quan sát cuộc biểu tình.

“Cuối cùng, sự việc diễn ra ôn hòa, người dân giữ được thái độ phi bạo lực và tránh xô xát với các lực lượng trị an ở đó. Nếu so với những năm trước đấy, đây là một bước tiến của việc tổ chức biểu tình tại địa phương. Đó cũng là sự trưởng thành trong nhận thức của người dân. Cũng chính người dân ở Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Anh cũng xúc tiến các hoạt động đấu tranh pháp lý. ”

“Người dân có xu hướng sử dụng phương pháp đấu tranh văn minh, ôn hòa. Năm 2014, tại địa phương này cũng đã diễn ra một cuộc bạo loạn đập phá máy móc gây thiệt hại cả người và của ở Formosa."

Trong một bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, nhà hoạt động này viết về một “sai lầm của chính quyền” là “ngăn cản các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào quá trình giải quyết hậu quả thảm hoạ".

“Không một chính quyền nào đủ sức phát hiện và giải quyết tất cả các vấn đề của người dân trong cuộc thảm hoạ. Chỉ có hàng ngàn nhóm dân sự khác nhau, len lỏi vào từng cộng đồng nhỏ trong vùng thảm hoạ, đáp ứng những nhu cầu thiết thân của từng nhóm dân: ngư dân, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, thanh niên...mới có thể giúp xả hơi các bức xúc xã hội."

“Đằng này, với các NGOs [tổ chức phi chính phủ] đăng kí chính thức được tham gia cứu nạn thì chính quyền ngăn cản, với các nhóm dân sự tự phát tiếp cận vùng thảm hoạ thì chính quyền dùng an ninh bắt bớ, đánh đập, doạ khởi tố. Chính quyền muốn ôm hết phần giải quyết thảm hoạ thì cuộc biểu tình này chính là cái điều mà chính quyển phải chịu, không thể khác,” bài viết nhận được hơn 30.000 chia sẻ chỉ sau gần một ngày đăng tải.

Ông Tuấn nói với BBC: “Với mỗi vấn đề thì sẽ có một nhóm liên quan biết cách tiếp cận vấn đề thế nào tốt nhất để giúp xoa dịu bớt phẫn nộ của từng nhóm dân cư. Và nếu như đa số người dân thấy phần nào bức xúc, phẫn nộ của họ được giải tỏa phần nào, thì họ cũng không chọn tới giải pháp cuối cùng giống hôm qua, hoặc còn nhiều sự kiện tương tự nữa.”

"Xã hội dân sự" làm tốt vai trò

Nhà hoạt động này gọi nhà thờ là “một phần của xã hội dân sự”, và ông nói: “Suốt 6 - 7 tháng vừa qua họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc cứu trợ, trợ giúp, cứu nạn cho người dân. Mà họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, huy động người dân trong các hoạt động tranh đấu ôn hòa, văn minh. Để có thể đạt được kết quả cuối cùng là bảo tồn không gian sinh sống của cả vùng.”

“Xã hội dân sự địa phương đã làm tốt vai trò của họ. Tôi tin đó là sự kiện đầu tiên, phản ứng đầu tiên tương xứng với mức độ thảm họa gây ra.”

“Khi có sự kiện bùng phát như hôm qua, chắc chính phủ cũng phải dành nhiều quan tâm hơn đến sự kiện này, phải dành mối quan tâm lớn hơn trong việc xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân cư trong vùng thảm họa.”

Ông Tuấn là người đã ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong một tháng để tường thuật qua mạng xã hội về ảnh hưởng của thảm họa môi trường đến ngư dân trong khu vực.

Tuy nhiên, ông nói vẫn “đang quan sát” phản ứng của chính quyền về vụ việc:

“Trong một tuần tới họ sẽ trả lời về 600 đơn kiện của ngư dân thế nào, thì sau đó tôi mới có thể tiếp tục đánh giá sự việc này.

“Tôi chưa có cảm giác họ sẽ thay đổi cách tiếp cận như xuống nước, thương lượng hay đã có sai lầm trong ứng phó thảm họa, mà họ vẫn sẽ sử dụng sức mạnh cứng để nắm tình hình. Đó là dự đoán cá nhân của tôi.”

"Kê khai thiệt hại"

Cùng với sự việc xảy ra tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sáng 3/10, linh mục quản xứ Song Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ông Nguyễn Đình Thục cũng nói với BBC ông “đã cùng một số người đại diện từ giáo xứ và những người lương dân kề cận. Họ đã nhờ mình giúp đỡ và mình đã gửi đơn ra chính phủ và quốc hội. Chúng tôi gửi hai nơi, qua đường bưu điện, qua đường chuyển phát nhanh của bưu điện Quỳnh Lưu.”

Số người dân nộp đơn yêu cầu bồi thường tại khu vực này là 619 hộ dân, theo ông Nguyễn Đình Thục.

“Giáo xứ Song Ngọc làm nghề biển khoảng 85%, có chừng 70% là hộ gia đình có nghề đi biển. Còn lại họ làm nghề liên quan đến biển. Khi thảm họa xảy ra thì họ chịu thiệt hại nặng nề với người dân,” ông Nguyễn Đình Thục mô tả thiệt hại.

Ộng cũng nói đã cùng người dân thực hiện “bản kê khai thiệt hại từng hộ gia đình”: “Chúng tôi căn cứ vào bản kê khai thiệt hại đó, và người dân nhờ tôi làm đại diện làm một lá đơn yêu cầu chính phủ đền bù thiệt hại cho người dân ở đây.”

“Quá trình kê khai thiệt hại của người dân kéo dài khoảng một tháng.”

“Khi gửi đơn đi mình vẫn trông chờ chính phủ nhận đơn của mình và sẽ có việc làm nào nhưng để họ đáp ứng được nguyện vọng của mình chắc là hơi khó. Mình phải làm chứ, mình bảo họ không làm mà mình không làm cũng đâu có được,” ông Nguyễn Đình Thục trả lời khi được BBC hỏi ông trông đợi việc đền bù cho người đi biển sẽ diễn ra thế nào.