Người dân Việt Nam đã trả giá đắt cho chiến thắng của người cộng sản và MTDTGP trong cuộc chiến chống người Pháp, người Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam: Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã lấy đi sinh mạng của 800.000 con người; từ 1961 cho tới 1975 có khoảng hai triệu người Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến, thêm vào đó là 300.000 người mất tích. Hàng trăm ngàn người Campuchia và Lào cũng đã bỏ mạng. Ở miền Bắc, sáu trung tâm công nghiệp thành thị cũng như 4000 trong số 5800 hợp tác xã nông nghiệp đã bị hư hại nặng do những trận ném bom. Ở miền Nam, những người tiến hành chiến tranh đã phá hủy 9000 trong số tròn 15000 làng mạc, hàng triệu hecta đất đã không còn có thể được sử dụng nữa vì mìn, bom và thuốc diệt cỏ. Nhiều khu rừng khổng lồ đã bị hủy diệt bởi thuốc làm rụng lá cây và chất độc cho cây cỏ. Ở Nam Việt Nam, chiến tranh đã để lại 900.000 trẻ mồ côi, một triệu góa phụ và 200.000 người bán dâm. Trong số 3 triệu người Mỹ đã phục vụ ở Việt nam từ 1961 cho tới 1973 đã có 58.000 người lính phải trả giá bằng mạng sống của mình cho sự hoạt động của họ. Tổng số chi phí chiến tranh trực tiếp là 167 tỉ dollar.
Nhiều lời giải thích đã được đưa ra, tại sao quốc gia hùng cường nhất trên Trái Đất lại thua một nước nghèo đang phát triển và tương đối nhỏ. Ở Hoa Kỳ, cuộc thảo luận tập trung trước hết là đến các khía cạnh quân sự của cuộc chiến. Vài nhà phê phán lập luận rằng, chiến lược “chống du kích” của chính phủ Kennedy đã đưa ra những câu trả lời đúng đắn cho cuộc nội chiến ở Nam Việt Nam. Sau đó, vào đầu những năm sáu mươi đã có những cơ hội tốt, để mà một phối hợp từ những biện pháp quân sự, chính trị và kinh tế có thể làm ổn định chính phủ Sài Gòn và khiến cho người dân vùng nông thôn tin tưởng vào Ngô Đình Diệm. Thế nhưng thí nghiệm “kiến tạo quốc gia” mang nhiều hứa hẹn đã bị giới quân sự trong Lầu Năm Góc làm cho thất bại, giới đã không chấp nhận những phê phán về phong cách lãnh đạo độc tài của Diệm và xem cuộc nội chiến như là một cuộc nổi dậy được điều khiển từ bên ngoài, cái phải được chống trả bằng các phương tiện quân sự. Những người đi theo cách diễn giải này ủng hộ cho ý kiến rằng, lẽ ra Tổng thống Kennedy nên chấm dứt hoạt động tham chiến của Mỹ bằng cách này hay cách khác: hoặc là sau một cuộc bình định thành công hay là trong khi nhận thức được rằng, chế độ Nam Việt Nam không có khả năng tồn tại.
Những nhà phê phán khác lập luận rằng, Hoa Kỳ lẽ ra là đã có thể chiến thắng sau 1965, nếu như chính trị để cho giới quân sự hoàn toàn tự do hành động. Nếu như Johnson không khăng khăng muốn có một cuộc chiến tranh bị giới hạn, mà vượt qua được nỗi lo sợ của ông trước một sự can thiệp của Trung Quốc, ra lệnh chiến tranh ném bom toàn phần ngay từ đầu và nhanh chóng đưa đủ quân sang Nam Việt Nam, thì cuộc chiến tranh đã nhanh chóng chấm dứt. Trong các thăm dò ý kiến của năm 1980, trên 65% người Mỹ chia sẻ quan điểm này.
Một quan điểm thứ ba được những nhà phân tích quân sự ủng hộ, những người trước hết là phê phán chiến lược tiêu hao. Họ cho rằng đó là một sai lầm khi giới hạn quân đội Nam Việt Nam ở các nhiệm vụ phòng thủ. Ngoài ra, các thành công của Mỹ trong những năm 1969 và 1970 cho thấy rằng, một lực lượng lớn quân đội Mỹ hoạt động tấn công trong những đơn vị nhỏ rõ ràng là chiếm ưu thế đối với quân đội chính quy Bắc Việt và du kích quân của MTDTGP.
Phê phán này có những lập luận đáng chú ý, nhưng đưa ra nhiều câu hỏi mà cuối cùng không có được câu trả lời thỏa mãn. Ví dụ như vẫn không biết rằng, liệu Trung Quốc có can thiệp hay không khi Hoa Kỳ tiến hành một cuộc chiến tranh vô điều kiện chống Bắc Việt Nam. Cũng không rõ là liệu Kennedy có thật sự, như một vài người ủng hộ ông nói, rút lui ra khỏi Việt Nam hoặc không gởi quân đội trên mặt đất sang trong bất cứ trường hợp nào hay không. Đứng trước những suy đoán này thì dường như là có ý nghĩa hơn, khi đưa ra những câu trả lời hợp lý cho câu hỏi tại sao người cộng sản đã thắng cuộc chiến.
Cùng mang tính quyết định cho kết cuộc này của cuộc chiến là lần tan vỡ của sự đồng thuận trong nước ở Hoa Kỳ. Sau Tết Mậu Thân, đa số người dân Mỹ ủng hộ một cuộc rút quân nhanh chóng ra khỏi Nam Việt Nam. Sự mệt mỏi chiến tranh này đã giới hạn đáng kể không gian hành động của chính phủ Nixon và ép buộc người Tổng thống ban hành một cuộc rút quân từng bước. Về mặt đối ngoại, sau cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chuyến viếng thăm của Nixon ở Bắc Kinh thì không còn lý do nào để tiếp tục tiến hành cuộc chiến, vì đã thấy rõ là Trung Quốc sẽ không bành trướng. Còn ngược lại: các căng thẳng giữa hai cường quốc cộng sản còn tăng thêm, trong khi các quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Liên Xô được cải thiện liên tục. Thuyết Domino đã thể hiện ra là lỗi thời và không thể giữ vững được.
Không phe nhóm chính trị nào khác mà lại biết cách đưa ra những giải pháp cho các vấn đề về kinh tế và xã hội như người cộng sản. An ninh, công bằng xã hội và độc lập về kinh tế là những nguyên tố của một chính sách mà đã giành được sự đồng tình của đa số người dân Việt Nam về cho Việt Minh trong những năm bốn mươi và năm mươi, và đã mang lại thiện cảm của người dân vùng nông thôn cho MTDTGP, mãi cho tới cuối những năm sáu mươi. Trong thời kỳ đầu của cuộc xung đột, họ đã thành công trong việc xóa bỏ nỗi lo sợ trước những hậu quả của một nền nông nghiệp tập thể và kinh tế quốc doanh. Họ gắn kết ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với tinh thần dân tộc được cảm nhận rất sâu đậm ở người Việt. Ngược lại, các phe nhóm và các lãnh tụ được người Pháp và Hoa Kỳ hỗ trợ thì lại không có khả năng xây dựng một tầng lớp rộng rãi đi theo họ. Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu không thể bước ra khỏi cái bóng của quyền lực bảo vệ thực dân và hậu thực dân, phát triển một tính cách cá nhân riêng và đưa ra một sự lựa chọn chính trị mang tính thuyết phục đối lại với những người cộng sản.
Chiến lược cách mạng của người cộng sản cũng góp phần quan trọng vào trong thành công. Trong khi người Pháp, người Mỹ và các lãnh tụ Nam Việt Nam chống lại phong trào nổi dậy với những phương tiện đàn áp quân sự thì người cộng sản luôn luôn hiểu cuộc xung đột là một kết hợp của những vấn đề chính trị và quân sự. Điều này mang lại cho họ một sự linh hoạt mà địch thủ của họ không có. Tất cả đều cho thấy rằng trong suốt thời gian đó, người cộng sản sẽ là người chiến thắng nếu như có bầu cử tự do.
Hình ảnh cá nhân cũng góp phần của nó vào trong chiến thắng của người cộng sản. Với Hồ Chí Minh, họ có một nhà cách mạng được yêu thích và có sức lôi cuốn. Ông mang lại cho cuộc cách mạng tính chính thống và uy quyền đạo đức. Trong khi Diệm bao quanh mình khí chất của một ông quan Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19 và Thiệu dựa trên một hệ thống rộng lớn mang dấu ấn của tham nhũng và quan hệ thân thuộc, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc kêu gọi quần chúng và được kính trọng một cách xứng đáng như là người cha của nền độc lập Việt Nam. Cả những người hoạt động cùng với Hồ, Tướng Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn và nhiều người khác cũng ủng hộ vô điều kiện cho hai mục tiêu chính: chủ quyền của Việt Nam và Chủ nghĩa Xã hội. Ngược lại, giới tinh hoa quyền lực Nam Việt Nam đã không thành công trong việc giải phóng họ ra khỏi tinh thần thuộc địa và đặt mục tiêu xã hội lên trên lợi ích cá nhân.
Marc Frey/Phan Ba dịch