(TBKTSG) - Park Chung Hee là Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc, ông tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ, từ tháng 12-1963 đến khi bị ám sát vào ngày 26-10-1979. Tên tuổi ông gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước, mà đã vươn lên trở thành một nền kinh tế công nghiệp mạnh mẽ, một trong những con hổ của châu Á.
Rất nhiều người khi nói về di sản để lại của Park Chung Hee đều cho rằng đó là sự phát triển của nền kinh tế nhưng riêng ông Rhee Jea Hoon, Chủ tịch Hiệp hội khu công nghiệp Hàn Quốc, lại nghĩ khác. Theo ông, trước thời kỳ của Tổng thống Park Chung Hee, người ta chỉ thấy ở người dân Hàn Quốc sự tuyệt vọng, họ không có cái nhìn tích cực về tương lai.
Thời kỳ đó, người dân không có sự tin tưởng vào chính quyền, chỉ tin vào người thân và gia đình mình. Khi đó, Park Chung Hee đã nhìn ra vấn đề và ông cho rằng, người dân chỉ vì cá nhân, tạo nên một xã hội rời rạc thì kinh tế sẽ không thể phát triển được. Đó chính là lý do ông đưa ra quyết sách tạo lập các cộng đồng nông thôn. Khi người dân không thể tin tưởng vào chính quyền, vào hàng xóm của mình thì xã hội đó không thể phát triển được. Đó chính là lý do Park Chung Hee trao thưởng cho các cộng đồng có kết quả tốt, hợp tác tốt với nhau. “Vì vậy, theo tôi có hai di sản lớn nhất mà Tổng thống Park Chung Hee để lại cho Hàn Quốc là gieo vào người dân sự tự tin, hy vọng và tinh thần hợp tác trong cộng đồng người dân Hàn Quốc”, ông Rhee Jea Hoon đúc kết.
Tháng 4-2011, trường Đại học Harvard đã xuất bản một cuốn sách đồ sộ mang tên là The Park Chung Hee era (*) do ông Ezra F. Vogel, Giáo sư danh dự của Đại học Harvard và ông Kim Byung-kook, Giáo sư của Đại học Hàn Quốc đồng chủ biên, phân tích và trình bày chi tiết cách thức lãnh đạo của Park Chung Hee và quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc.
Theo ông Kim Byung-kook, Park có được những thành tố cần thiết để trở thành một lãnh tụ hùng mạnh và để lại một dấu ấn còn mãi trong lịch sử Hàn Quốc. Park có một tư duy chiến lược mạnh mẽ - thậm chí là tàn bạo, và ông đã khéo léo tận dụng tốt các cơ quan quyền lực. Khi ông lên kế hoạch để kéo dài thời gian cầm quyền thông qua một cuộc sửa đổi hiến pháp hoặc một cuộc “đảo chính cung đình” (người cầm quyền bị lật đổ bởi người từng làm việc cho mình), ông có thể khẩn cầu, dụ ngọt, đe dọa, trấn áp hoặc thậm chí là lừa dối, tùy thuộc vào đối tượng của ông là ai.
Còn theo đánh giá của ông Đặng Kim Sơn, Tiến sĩ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Kỷ nguyên Park Chung Hee là một đề tài gây ra nhiều tranh cãi ngay tại chính đất nước Hàn Quốc cũng như trên các diễn đàn quốc tế. Bản thân ông là một con người mang rất nhiều tiếng xấu. Với tham vọng quyền lực to lớn, ông quyết tâm xây dựng một nền chính trị độc tài, phản dân chủ, nhiều người cộng sự bị ông phản bội, “chia để trị” là một trong những biện pháp được ông ưa dùng. Nhưng đồng thời, ông cũng sở hữu những phẩm chất quý báu của một nhà lãnh đạo như kiên định với mục tiêu bảo vệ đất nước, quyết tâm đổi mới, xây dựng tổ quốc hùng mạnh, đề cao tinh thần độc lập dân tộc và chống tham nhũng, có óc sáng tạo, sẵn sàng đổi mới tư duy. Tư tưởng cao đẹp và thủ đoạn tàn ác song hành trong con người Park Chung Hee và được nuôi lớn suốt cuộc đời đầy sóng gió của ông.
(*) Sách được Công ty Sách Alpha và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành tại Việt Nam dưới tiêu đề Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc.