RFA - Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 đã kết thúc cùng với nhiều điều tiếng về sự gian lận và vi phạm Luật Bầu cử. Tình trạng đó đã diễn ra như thế nào?
Sợ người dân chứng kiến kiểm phiếu
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần thứ 14 đã kết thúc ngày 22/5/2016. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu đạt tỷ lệ 98,77%.
Theo báo cáo thống kê từ 63 tỉnh thành cho thấy, 63,3 trong tổng số hơn 69 triệu cử tri đã đi bầu cử. Trong đó hơn 32.100 tổ bầu cử có 100% cử tri đi bầu.
Tuy nhiên theo thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội đã cho thấy, có không ít người đã gạch chéo thẻ cử tri và tuyên bố tẩy chay. Và các vi phạm luật bầu cử cũng đã được đề cập tới.
Nhận xét về cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 14, từ Nha trang nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 ở Việt Nam vừa qua đã bộc lộ quá nhiều các khiếm khuyết và vi phạm. Theo luật Bầu cử thì mọi công dân có đủ điều kiện theo quy định thì đều được ứng cử. Song những người tự ứng cử thì đều bị đe dọa và quấy nhiễu; an ninh đưa các tài liệu vu khống của dư luận viên cho tổ trưởng dân phố đi phát cho dân; hăm dọa buộc người ta phải rút tên… với nhiều trò bẩn thỉu. Tôi nghĩ cuộc bầu cử lần này, người ta vẫn áp dụng các chiêu trò như cách đây 20 năm để đe dọa khủng bố người tự ứng cử. Đây thực sự là một cuộc bầu cử gian lận, giả hiệu nhưng sự đàn áp thì có vẻ mạnh hơn.”
Nhà hoạt động xã hội Từ Anh Tú cho rằng, trong một cuộc bầu cử độc diễn và việc vi phạm Luật bầu cử diễn ra hết sức tràn lan. Ví dụ việc ở mỗi điểm bầu cử, đều có một người hướng dẫn cử tri gạch ai, bầu cho ai. Theo ông điều này là sự vi phạm nghiêm trọng Luật bầu cử và vi phạm pháp luật. Ông tiếp lời:
“Những vụ việc vi phạm Luật Bầu cử trong kỳ bầu cử Quốc hội lần thứ 14 vừa qua diễn ra hết sức nặng nề và trắng trợn. Việc vi phạm đó xảy ra ở trong mọi lĩnh vực, ví dụ như việc tìm đủ mọi cách để loại bỏ các ứng cử viên độc lập ngay từ vòng đầu để đưa người của đảng vào; thứ 2 là họ bắt ép người dân, đặc biệt là các đối tượng sinh viên, viên chức… phải đi bầu cử nếu không họ sẽ gây khó khăn; còn một số địa phương chạy theo thành tích thì họ đã chia tiền cho cử tri.”
Công dân chống tham nhũng Bà Lê Hiền Đức, người trực tiếp phát hiện việc việc gian lận trong việc tráo các phiếu bầu của tổ bầu cử số 7, thuộc Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà nội và đã bị các cán bộ thuộc tổ bầu cử hành hung. Bà khẳng định:
“Do lúc buổi chiều ngày bầu cử 22/5, tôi thấy trong phòng bầu cử có một tập phiếu bầu đã viết sẵn để trên một cái ghế, chắc chắn là bố trí chuẩn bị sẵn sàng để tráo đổi phiếu. Lúc 18h50 tôi đã đến tổ bầu cử để giám sát việc kiểm phiếu và có báo cho CA trực ở đó. Khi tôi vào thì mấy người hỏi tôi “Bà vào đây làm gì?” Tôi nói rằng, tôi là một người dân tôi xin phép vào để xem cách kiểm phiếu và sau đó họ đã dứt khoát không mở thùng phiếu. Chờ mãi họ cũng không chịu mở, và cuối cùng đã có mấy người ra xô tôi ngã lăn ra đất.”
Cơ cấu nhân sự sắp xếp sẵn?
Dưới nhan đề "Trò hề bầu cử: Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo sửa kết quả bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021", báo Tin tức hàng ngày online cho biết, tác giả là ông Trần Minh Huy thuộc đơn vị bầu cử số 10 khẳng định rằng: Là những người trực tiếp làm công tác tại các tổ bầu cử tại đơn vị bầu cử số 9 và số 10 quận Sơn trà, Đà nẵng. Ông hết sức ngạc nhiên và phẫn nộ vì sự trơ trẽn, giả dối và coi thường nhân dân của mấy vị lãnh đạo Thành ủy Đà nẵng, họ đã ngang nhiên chỉ đạo sửa đổi kết quả bầu cử vừa qua một cách trắng trợn.
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo thấy rằng, việc gian lận kết quả bầu cử là hiện tượng phổ biến nhưng khó bị phát hiện, vì không có ai giám sát và kiểm tra quá trình kiểm phiếu. Theo ông đây là cách đa số các đơn vị bầu cử thực hiện, theo chỉ đạo từ yêu cầu cơ cấu nhân sự đã sắp xếp sẵn. Ông nói:
“Theo tôi được biết qua theo dõi trên mạng thì có những địa phương đưa sai kết quả bầu cử, thì cần phải xem xét lại. Còn chuyện xảy ra ở Đà Nẵng thì có thông tin kết quả bầu khác với kết quả công bố, mà tôi tin là điều có thật. Điều đó cho thấy đã có sự gian lận xảy ra.”
Theo Bà Lê Hiền Đức, việc gian dối trong lý lịch những ứng cử viên ở các địa phương là hiện tượng hết sức phổ biến mà không ai chú ý, theo Bà đây là điều cần được dư luận chú ý và quan tâm theo dõi. Bà dẫn chứng:
“Có những người khai lý lịch ứng cử rất gian lận, trình độ tiếng Anh khai trong lý lịch là bắng C – đó là một ứng viên ở địa bàn bầu cử của tôi là một phụ nữ. Khi tiếp xúc với cử tri tôi có làm một phép thử, bằng cách hỏi cô ấy một câu bằng tiếng Anh rất đơn giản, đó là “Bạn có thể nói chuyện tiếng Anh với tôi được không?” thì cô ấy không trả lời được.”
Trong một thái độ bức xúc, Bà Lê Hiền Đức thấy rằng, việc tổ chức bầu cử cần được công khai, minh bạch và phải chịu sự giám sát của người dân. Theo Bà không thể để tình trạng bầu cử vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay. Bà tiếp lời:
“Tôi nói rằng, đây là việc bầu cử gian dối, nếu đàng hoàng thì việc gì phải sợ, chúng tôi có sờ vào thùng phiếu để ăn cắp đâu mà sợ? Tóm lại tôi muốn hỏi họ rằng, tại sao lại sợ người dân chúng kiến việc mở thùng phiếu ra như vậy? Mà trước đó tôi đã phát hiện có một số lượng phiếu bầu dùng cho việc tráo đổi kết quả, người dân đứng xa 5-10m quan sát chứ có làm gì đâu. Nhưng bây giờ tôi kết luận, vì các anh gian dối nên các anh đã sợ người dân chứng kiến.”
Trên trang Dân luận tác giả Lãng Anh viết rằng, căn nguyên của mọi bất cập xã hội ở Việt Nam xuất phát từ chính cơ chế tổ chức chính trị này. Người dân không có quyền và không tác động được gì vào việc bầu chọn ra cơ quan quyền lực nhà nước cũng như các vị trí đứng đầu nhà nước. Tất cả đều được quyết định bởi Đảng CS, do đó nhà nước chỉ là công cụ của nó. Do không được dân bầu, nên cái bộ máy này không đặt mục tiêu phục vụ nhân dân lên tối cao, mà mục tiêu tối cao của nó là phục vụ cho Đảng Cộng Sản.