Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Sài Gòn, ngày 29 tháng Tư

Phan Ba's Blog

Trích từ “Nhật ký sau giải phóng” của ông Walter Skrobanek.

Ngày hôm nay là một ngày lễ bất thường và bi thảm, vì lệnh giới nghiêm tiếp tục có giá trị sau 24 giờ đã tuyên bố. Nhưng vì nó không được giữ đúng một cách nghiêm ngặt nên nếu ai muốn đi hay phải đi thì cũng đều vào được tới Trung Tâm.

Không ai ngủ được nhiều trong đêm qua. Máy bay trinh sát và trực thăng quay vòng vòng liên tục trên thành phố. Tôi ngồi ngoài ban công trong bóng tối và nhìn lên bầu trời có ít mây, nơi một mặt trăng bị che khuất đang chiếu sáng như trong cơn lo âu xuống quang cảnh thành phố. Lần cố gắng đi ngủ sau đó cũng không thành công. Vào ba giờ rưỡi sáng, những tiếng nổ lớn của hỏa tiển đã lôi chúng tôi ra khỏi giấc ngủ. Phi trường lại bốc cháy. Mọi người trong nhà chúng tôi kéo hết xuống tầng trệt. Cứ hai mươi phút thì điện thoại reo một lần. Vào lúc bốn giờ, tôi được thông báo là những đứa bé sơ sinh của nhà trẻ đã được mang xuống hầm. Như sau này tôi nghe được, chúng chỉ ở dưới đó nửa giờ đồng hồ, vì tiếng nổ giảm dần và vì kiến đã quấy rối nhân viên với trẻ em rất nhiều. Còn hai giờ để ngủ.

Từ trên mái nhà, người ta có thể quan sát được cuộc chiến. Lửa cháy ở phi trường. Máy bay trinh sát bay vòng vòng. Trong Trung Tâm, người ta bắt đầu sơn chữ thập đỏ ở bất cứ nơi đâu có thể được. Vì trong lúc đang ngồi ở dưới hầm trong đêm qua, một chiếc máy bay trực thăng trinh sát đã bay đến gần để xem xét tình hình. Cả hàng rào kẽm gai ở cửa ra vào cũng được mở rộng. Có tin đồn là MTGP đã có mặt ở Phú Lâm và Gia Định. Hiện giờ, một vài nhân viên đã mang gia đình họ vào Trung Tâm, vì nhà của họ nằm ở nơi không an toàn. Nhưng không có hoảng loạn, thậm chí tinh thần còn là tốt nữa, sau những cực nhọc của đêm qua. Rồi vào cuối buổi sáng, tiếng phành phạch không ngưng của trực thăng bắt đầu. Mãi sau đó chúng tôi mới nghe qua radio là người ta bắt đầu di tản những người Mỹ còn lại và những người Việt tỵ nạn chính trị. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ – theo quy định của tổng thống mới – việc này cần phải được kết thúc.

Trong Trung Tâm, người ta ăn cá khô, gạo và mì sợi, vì chợ đã đóng cửa. Tôi không ăn gì và chạy về nhà để ngủ bù một chút. Hoài công: vừa mới thiếp ngủ thì những tiếng nổ dữ dội của hỏa tiển lại đánh thức tôi dậy và buộc tôi phải đi xuống tầng trệt. Vào buổi trưa này, chúng tôi cũng mất cả người chủ nhà của chúng tôi. Trên những chiếc Honda, ông với toàn bộ gia đình của ông đã vội vã rời ngôi nhà kế cận của ông để ẩn náu trong Chợ Lớn – có lẽ là tại một người họ hàng “vô sản” của ông.

Nỗi lo lắng của tôi tăng lên theo cùng với tiếng ồn trực thăng, tiếng nổ và với sự không chắc chắn nằm trong bầu không khí. Người ta khó có thể ước lượng được khoảng cách của những nơi hỏa tiển rơi xuống. Một hỏa tiển đã rơi xuống một ngôi nhà cách Trung Tâm độ chừng một ki-lô-mét. Một chiếc xe của terre des hommes tình cờ chạy ngang qua đó và đã mang những người bị thương vào bệnh viện. Không ai có thể lo cho người chết. Không ai biết đã có bao nhiêu người chết trong vòng 24 giờ vừa qua. Một nhân viên của Trung Tâm hoảng loạn. Tất cả lính tráng đều biến mất trên đường phố. MTGP chẳng bao lâu nữa sẽ tiến vào và rồi sẽ có hòa bình. Một người thuật lại rằng tòa đại sứ Mỹ đang bốc cháy. Không ai biết thật sự là điều đó có đúng hay không. Dẫu sao thì vào chiều tối, máy bay chiến đấu của chính phủ Nam Việt Nam vẫn còn bay trên bầu trời, và người ta nghe được tiếng súng máy trên đường phố.

Chúng tôi không biết nhiều hơn những gì mà các đài BBC, “Voice of America” và “Voice of Vietnam” (Hà Nội) phát đi bằng tiếng Anh. Dường như đài phát thanh Mỹ ở Sài Gòn đã chấm dứt chương trình nhạc và tin ngắn vào tối qua vào lúc mười giờ rưỡi. Bây giờ thì có lẽ là cả người cuối cùng cũng đã được mang đi bởi những chiếc trực thăng vẫn còn bay vòng vòng trên Sài Gòn.

Nếu như tôi không can thiệp thì ngay trong Trung Tâm chúng tôi cũng đã có trực thăng Mỹ đến. Michael Ardin, một người Thụy Sĩ, muốn đón đứa con nuôi của ông vào giờ chót, vì lo sợ mà sẵn sàng làm mọi việc: đưa một vài đứa bé bị bệnh tim, đứa con nuôi của ông và những đứa bé bị liệt nửa người lên một chiếc máy bay trực thăng Mỹ, nếu như có thể. Tôi phải dùng giọng nói gay gắt để ngăn chận, vì đối với tôi vấn đề to lớn hơn là một vài đứa bé muốn rời bỏ đất nước.

Ai – đặc biệt là trong khoảnh khắc này – liên minh với Hoa Kỳ thì có thể gói gém đồ đạc để rời Việt nam vĩnh viễn. Tôi thì nghĩ đến những đứa bé sơ sinh trong nhà trẻ, tới tất cả những đứa bé không thể đi cùng, tới các nhân viên, và cũng tới việc tiếp tục hoạt động như là một tổ chức phi chính trị.

Giọng nói buồn rầu của nhà họa sĩ Thai Tuan, người vừa mới gọi điện cho tôi, vẫn còn vang trong tai tôi. Vợ của ông và vài đứa bé đã được di tản trước đó với một tổ chức xã hội. Ông được dự định đi theo sau với những đứa bé khác. Nhưng đã quá muộn. Ông lo sợ. Giọng nói của ông nghe như ông đã uống khá nhiều. Hỏa tiển nổ 20 giây một lần.

Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung –  Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn còn tiếp tục)