VNExp - Năm 1998, bạn tôi, một du học sinh tại Cuba, đã bị cảnh sát chặn xe và buộc xé bỏ mẩu decal có in hình cờ Mỹ dán trên xe máy, cùng lời giải thích “đó là lá cờ không được phép hiện diện ở quốc đảo này”
18 năm sau, chủ nhật tuần trước, quốc ca của Mỹ được kéo lên long trọng ngay tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cuba. Ở quảng trường đó những khẩu hiệu cách mạng và phản đối đế quốc vẫn tồn tại nhưng nhiều bức ảnh của truyền thông phương Tây cũng cho thấy người dân Cuba đã mặc những bộ trang phục in hình cờ Mỹ và tự do đi lại ngoài đường trong buổi chiều hôm đó.
Khắp thế giới người ta gọi chuyến thăm của ông Obama tới Cuba là một dấu mốc lịch sử. Lan truyền trên báo chí và mạng xã hội ở Việt Nam là những đoạn trích bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama kèm theo nhiều mỹ từ... Một tương lai thịnh vượng hay ít nhất, không còn nghèo khó đã được vẽ lên cho dân tộc Cuba.
Chỉ có điều ngay tại thủ đô La Habana của Cuba lại không hoàn toàn chỉ có sự phấn khích. Các bài bình luận trên báo Cuba nhận định ông Obama đã tránh đi những chủ đề quan trọng nhất đó là “Khi nào thì cấm vận được dỡ bỏ” và “bao giờ thì Mỹ sẽ rút quân khỏi căn cứ quân sự Guantanamo”. Thậm chí một nhóm bất đồng chính kiến (mà Cuba gọi là "phản cách mạng") cũng xuống đường với biểu ngữ “Obama, đừng đến Cuba chỉ để vui chơi”.
Thực chất thì, trong phạm vi quyền lực của mình, ông Obama đã làm nhiều việc để bình thường hóa quan hệ với Cuba, từ việc khôi phục quan hệ ngoại giao đến thiết lập đại sứ quán, đề nghị quốc hội xóa bỏ cấm vận hay gỡ bỏ các hạn chế đối với khách du lịch Mỹ tới Cuba. Mặc dù vậy, hầu hết những vướng mắc mang tính then chốt trong quan hệ hai nước như cấm vận, chính sách với người Cuba nhập cư hay việc rút quân khỏi Guantanamo thì quyền quyết định đều thuộc về Quốc hội Mỹ nơi mà những tiếng nói chống Cuba đến nay vẫn là đa số.
Hơn 10 năm trước khi còn học ở Cuba, tôi đã chứng kiến gia đình bạn mình phải trải qua hơn 8 năm trời chỉ để xây dựng một căn nhà mái bằng có diện tích khoảng 50m2. Đó là 8 năm để “sưu tầm” vật liệu xây dựng, nhặt nhạnh từng bao xi măng hay viên gạch. Tôi cũng từng chứng kiến những bạn học của mình ngày hai buổi đến trường với bữa trưa chỉ là một gói nhỏ lạc rang mà nếu đổ ra chỉ vừa xoẳn trong một lòng bàn tay.
Nhưng bất chấp những khó khăn đó, thể thao Cuba vẫn giành thứ hạng cao ở Olympic; những kỹ sư, bác sĩ những nhà nghiên cứu Cuba vẫn công bố với thế giới những thành tựu lớn về y tế, những nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nông nghiệp...
Ở Cuba nếu bạn hỏi ai đó “Dạo này bạn thế nào?” thì có một câu trả lời thường gặp “Vẫn đang đấu tranh ông bạn ạ!”. “Đấu tranh” là cụm từ thường được lãnh đạo Cuba sử dụng để nói về cuộc cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, còn người dân Cuba tái sử dụng cụm từ này để nói về cuộc vật lộn mưu sinh hàng ngày.
Chủ nhật tuần trước, chỉ vài giờ sau khi đặt chân đến Cuba ông Obama đã có chuyến đi dạo dưới mưa ở phố cổ La Habana, ông trò chuyện với nhiều lao động tự do và đi ăn tối tại một nhà hàng tư nhân. Những hành động được hiểu như một thông điệp nhằm thúc đẩy xã hội dân sự tại đảo quốc Caribe. Trong bài phát biểu trên truyền hình Cuba, Tổng thống Mỹ nói nhiều về dân chủ, về tự do ngôn luận, về quyền được chỉ trích chính quyền một cách ôn hòa. Nhưng hợp đồng duy nhất mà ông Obama đem tới Cuba chỉ là việc Google sẽ mở thêm những điểm truy cập Intenet miễn phí, tốc độ cao tại thủ đô La Habana.
Những điều mà ông Obama đem tới, người dân Cuba có thể cần, nhưng họ cần hơn là thịt bò, gạch, xi măng, xăng dầu và những nhu yếu phẩm hàng ngày. Cho đến nay quá trình “cải cách kinh tế” mà chính phủ Cuba thực hiện từ năm 2008 vẫn chưa cho phép tư nhân được tham gia buôn bán hay sản xuất một cách tự do những nhu yếu phẩm như vậy.
Nhiều người bạn Cuba từng nói với tôi: “Đáng sợ hơn cuộc bao vây cấm vận của Đế quốc Mỹ chính là cuộc bao vây cấm vận trong tư duy của chính chúng tôi”. Điều đó đúng, bởi suy cho cùng vận mệnh của mỗi quốc gia được đặt trên vai của người dân quốc gia đó chứ không được quyết định bởi bất cứ thế lực ngoại bang nào.
Vài tháng nữa ông Obama sẽ rời nhiệm sở và sau bài phát biểu của ông ở thủ đô La Habana không ai biết quá trình bình thường hóa quan hệ thực sự giữa Mỹ và Cuba sẽ phải kéo dài thêm bao lâu nữa.
Nhưng những tuần vừa qua trên bình luận của báo chí Cuba đã bớt đi nhiều lời lên án cuộc bao vây cấm vận của Mỹ. Thay vào đó nhiều ý kiến đã khẳng định “Tương lai đất nước phụ thuộc vào mỗi chúng ta” .
Phát biểu tại Nhà hát lớn ở thủ đô La Habana, Tổng thống Obama khẳng định. “Tôi xác minh rằng Mỹ không đủ sức và cũng không muốn ép Cuba phải thay đổi. Cuba có thay đổi hay không, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn của người dân Cuba…”.
Tôi tin rằng đó là một trong số những điều thực chất ít ỏi mà cả chính quyền Mỹ và Cuba có thể đồng ý với nhau.