Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Thủ tướng tiếp tục xin lùi dự án Luật Biểu tình

Nhân Nghĩa

(PL)- Ngày 29-2, Văn phòng Chính phủ (CP) đã trả lời một số vấn đề báo chí, dư luận quan tâm, trong đó có việc CP xin rút dự án Luật Biểu tình khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội (QH).

Theo đó, CP đánh giá đây là dự án luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Bộ Công an được phân công chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị dự án với tinh thần nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ. Thường trực CP và Thủ tướng đã họp cho ý kiến chỉ đạo về tư tưởng, quan điểm, nội dung cơ bản của dự án luật để định hướng cho việc soạn thảo.

Tháng 1 vừa qua, Bộ Công an đã trình xin ý kiến tại phiên họp CP thường kỳ. Trong thảo luận, các thành viên CP còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề quan trọng. Do vậy CP chưa thông qua dự thảo và đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cho phép chưa trình dự án luật vào kỳ họp thứ 11 của QH như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra.

Ngày 17-2, Ủy ban Thường vụ QH họp, một số ý kiến không đồng tình với đề nghị này. Thủ tướng đã lắng nghe nhưng tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xin chưa trình dự luật. Bởi phiên họp CP thường kỳ ngày 29-2 vẫn chưa chuẩn bị kịp dự luật quan trọng này.

Thông tin thêm trong buổi họp báo sau phiên họp CP thường kỳ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng CP Nguyễn Khắc Định cho biết trong phiên họp này, Bộ Công an cũng đề nghị CP báo cáo, xin QH ra nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Pháp lệnh có một số quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân mà theo Hiến pháp 2013 chỉ có thể hạn chế bằng luật. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH thì sẽ xây dựng luật cho lĩnh vực này nhưng phải năm 2017 QH mới thông qua và năm 2018 luật mới có hiệu lực thi hành. Vì vậy, CP đã thảo luận, đồng ý kiến nghị QH ra nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng pháp lệnh cho đến khi có luật mới có hiệu lực thay thế.

Cũng liên quan đến việc xây dựng pháp luật, Văn phòng CP cho biết đang tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH để bổ sung một số quy định điều chỉnh hoạt động của trang thông tin điện tử cũng như thông tin có tính chất báo chí để đưa vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.
***

Tháp truyền hình “cao nhất thế giới”: Thủ tướng mới chỉ đồng ý chủ trương

Về phản ánh của báo chí liên quan tới dự án của VTV xây dựng tháp truyền hình “cao nhất thế giới”, ông Định cho biết đến nay Thủ tướng mới đồng ý chủ trương và giao VTV cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án tiền khả thi, rồi tiếp tục báo cáo Thủ tướng.

“Hiện chưa có dự án cụ thể nên chưa thể đánh giá. Nhưng theo tôi hiểu, nếu dự án không đạt mục đích, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật thì chắc chắn Thủ tướng sẽ không phê duyệt”.

Theo ông Định, chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã được ghi trong văn kiện Đại hội VIII. Năm 1995 hạng mục này được đưa vào quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát thanh, truyền hình toàn quốc. Từ lúc đó đã xác định đây là công trình đa mục tiêu, vừa phục vụ truyền hình, vừa tạo điểm nhấn cho thủ đô, phát triển du lịch, thương mại. Năm 1997, VTV trình phương án tháp cao 350 m. Thường trực CP đã bàn nhiều nhưng vì ngân sách khó khăn nên dừng lại. Năm 2013, VTV tiếp tục kiến nghị. UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành đã tham gia ý kiến và đều tán thành. Trên cơ sở đó Thủ tướng đồng ý chủ trương để VTV xây dựng dự án tiền khả thi.

Về dự án resort xâm phạm rừng quốc gia Ba Vì, khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng mà báo chí nêu, ông Định cho biết đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ NN&PTNT - cơ quan quản lý rừng quốc gia kiểm tra. “Nếu việc gì pháp luật cho phép thì Bộ hướng dẫn để chủ đầu tư thực hiện” - ông Định nói.