MTG - Ở Mỹ, hình như Phạm Xuân Ẩn có một mối tình, tất nhiên với một cô gái Mỹ. Trong cuốn sách đã đăng ở kỳ trước, tác giả Ngọc Hải kể, có lần một nhà báo Mỹ bạn ông hỏi "Có bao giờ ông buồn và ân hận vì đi làm cách mạng không?". Trả lời: "Có buồn chứ. Buồn nhất là lúc đó cấp trên không cho lấy vợ Mỹ”.
"Sao ông bảo đất nước ông tự do cơ mà ?". "Không được, ông nội ! Vào Đảng, đã hứa rồi". Lại hỏi: "Đi làm cách mạng vậy có tiếc không?. Lại trả lời: “ Cách mạng rắc rối, quản lý chặt, không cho lấy vợ Mỹ"... Người bạn Mỹ được dịp cười bò và họ đã quen với những, chuyện vui đùa như vậy khi tiếp xúc với ông.
Trước khi giới thiệu đến gặp ông, một cán bộ quân đội lưu ý với chúng tôi về phẩm chất chính trị và lòng trung thành son sắc của nhà tình báo anh hùng này đối với Đảng, với cách mạng, đặc biệt là trong thời gian ông du học ở Mỹ; rằng lúc đó ông đã không màng đến danh lợi, kiên định tư tưởng, chủ động về nước để thực hiện nhiệm vụ mặc dù bị đứt liên lạc; rằng tấm gương trung kiên của người anh hùng đáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo. Còn khi nói chuyện với chúng tôi, ông Ấn trước sau vẫn bảo cuộc đời hoạt động của mình “không có gì đặc biệt cả".
"Sau hai năm học báo chí, tôi phải về. Vì 3 lý do: Thứ nhất, không đủ tiền để học thêm. Thứ hai, ở nhà chiến tranh nổ ra; ta đang tiến hành đồng khởi (Mỹ báo Việt cộng đã đánh võ trang ở Việt Nam rồi). Thứ ba, điều quan trọng nhất là tôi đã mất liên lạc với tổ chức từ năm 1958. Tất cả những người đã phụ trách tôi, các đồng chí Mười Hương, Dương Minh Sơn, Nguyễn Vũ đều đã bị bắt. Em trai tôi cũng bị bắt. Tôi biết được việc này do em trai tôi khi được thả ra đã tìm cách báo tin cho tôi bằng những ám hiệu trong thư", ông kể. Thực ra lúc đó không phải ông không có điều kiện tiếp tục học, vì sau thời gian tập sự báo chí tại Liên Hiệp Quốc, ông có ghé lại Cơ quan Viện trợ Mỹ.
Tại đây người Mỹ có lời mời ông ở lại dạy tiếng Việt cho cấp sĩ quan tại một trường quân sự (mỗi tháng chỉ đến 1 lần) và họ hứa sẽ cấp học bổng mỗi tháng 350 USD trong 3 năm để tiếp tục học thêm bất cứ ngành nào ông muốn. Đây là số tiền khá lớn so với mức 150 USD/tháng mà ông sống suốt trong thời gian học ở Mỹ. Song ông không về. "Là đảng viên, không thể sống rời tổ chức", ông nói câu này một cách tự nhiên, hoàn toàn không có chút gì là do thói quen như ta thường nghe từ miệng một số người, ông nói ra điều mà ông đã sống thật.
2. Nhưng đường dây đã bị phá, những người phụ trách đều bị bắt, liên lạc bị đứt, nên về nước là vô cùng cam go. Mặc dù ông tin tưởng lãnh đạo và đồng chí, nhưng bản thân mình đã bị lộ hay chưa thì ông không thể nào biết được. Thực ra ông cũng tính đến hai phương án nữa, nhưng đều không ổn. Một là sang châu Âu, sang Pháp, theo đường này thì có thể "trở thành Việt kiều yêu nước" chứ không thể bắt lại liên lạc để hoạt động. Còn phương án hai, sang phía Mỹ La tinh, xuống Cuba (lúc ấy ông Fidel Castro đã giành được chính quyền), có thể từ đây về miền Bắc, ông bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha khi tính phương án này, nhưng làm thế chẳng khác gì bỏ nhiệm vụ.
Quyết định về nước, ông tính nếu không bị lộ thì tốt rồi, còn trường hợp bị lộ thì ông dự trù có thể xảy ra 3 tình huống: hoặc là địch sẽ bắt ngay tại sân bay, hoặc là chúng để ông về nhà một thời gian sẽ bắt, hoặc là chúng để yên cho ông nối lại liên lạc hoạt động trở lại sẽ hốt trọn ổ. "Cách đối phó duy nhất của tôi khi đó là gọi điện cho má tôi đưa người quen ra sân bay đón cho đông, để lỡ bị bắt có thể gián tiếp thông tin cho cấp trên biết được". Xuống sân bay không có việc gì xảy ra, nhưng vẫn căng thẳng, ở nhà bữa đầu không có gì xảy ra. Bữa thứ hai không có gì xảy ra.
Một tháng sau cũng không thấy ai đến bắt, ông yên tâm phần nào. Nhưng phải làm gì chứ ! Phải lựa chỗ khó nhất mà xin vô. Chỗ khó nhất là Phủ Tổng thống chứ còn đâu nữa. Nó không cho vô tức nó nghi, còn nó cho vô thì an toàn. Từ chỗ quen biết với Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm, ông xin vào làm việc ở đây. Khi có giấy gọi ông mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó, ông trở thành chuyên viên cơ quan mật vụ của Phủ Tổng thống.
Cấp trên của ông đều là những người xứng đáng với sự tin cậy của đảng, của đồng chí. Ông Mười Hương bị đày ải ở nhà tù Chín Hầm khét tiếng của Ngô Đình Cẩn- nơi còn kinh khủng hơn địa ngục, đã kiên trung bất khuất chịu đựng tất cả sự tra tấn tàn khốc nhất của địch bảo toàn được tổ chức. “Làm nghề này quan trọng nhất là tư tưởng”, ông Mười Hương thường dặn dò ông.