ANO - Bình Định là nơi khởi đầu của chữ Quốc ngữ, thuộc Đông Đàng Trong với 60 cư sở truyền giáo. Các thừa sai và linh mục dòng Tên có công xây dựng, ký âm tiếng Việt thành chữ Quốc ngữ.
Với ai ham hiểu biết, quỹ sống của một đời người đồng nghĩa với hành trình học hỏi, khám phá. Đi một ngày đàng, tôi đã vỡ ra thêm kiến thức mà bấy lâu chỉ hiểu thiếu sót. Những thông tin, cứ liệu quan trọng về chữ Quốc ngữ, tiếng Việt từ Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” do UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 13/1/2016 tại TP. Quy Nhơn không chỉ có tính thời sự, còn mang tính lịch sử mà đến hôm nay và sau này.
Thành tựu nghiên cứu từ gần 80 tham luận của hội thảo này mang ý nghĩa cột mốc với hành trình phát triển tiếng Việt - Quốc ngữ của chúng ta, đã không những xác định vai trò của Bình Định như bối cảnh của quá trình phôi thai, truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ, mà còn cho chúng ta mở mang hiểu biết, định giá và minh xác những sự kiện, nhân vật người ngoại quốc có ảnh hưởng tới tiến trình ngôn ngữ tiếng Việt nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung.
Bình Định là nơi khởi đầu của chữ Quốc ngữ, thuộc Đông Đàng Trong với 60 cư sở truyền giáo. Các thừa sai và linh mục dòng Tên có công xây dựng, ký âm tiếng Việt thành chữ Quốc ngữ. Việc Latin hóa ngôn ngữ nói tiếng Việt thành ngôn ngữ viết đã giúp Việt Nam từ một xứ thuộc địa nghèo nàn lạc hậu rút được khoảng cách chênh lệch xa vời với thế giới.
Sau này, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) là người đầu tiên đề xuất cho dân học chữ Quốc ngữ nhưng không được nhà Nguyễn chấp nhận, chỉ phổ biến từ 1903 đến 1907 với chí sĩ Phan Chu Chinh (1872-1926), thủ lĩnh phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và trở thành sắc lệnh 8/9/1945 theo đề nghị của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Việt Nam DCCH, toàn dân phải học chữ Quốc ngữ, không mất tiền, bằng phong trào Bình dân học vụ.
Hội Truyền bá Quốc ngữ đã có từ 1938 - khi chỉ 5% người Việt Nam biết chữ do cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947) đảm nhận. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký sắc lệnh 17, lập Nha Bình dân học vụ và sắc lệnh 19 về các lớp bình dân học vụ học buổi tối, khóa từ 6 tháng đến 1 năm và lâu hơn.
Lâu nay, rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn chương chữ nghĩa, báo giới cũng như người dân quan tâm đến chữ Quốc ngữ đều chỉ biết đến Alexandre de Rhodes. Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” đã thực sự thành hội thảo về chữ Quốc ngữ ở Bình Định, là dịp để nhìn nhận toàn diện về lịch sử chữ Quốc ngữ, tiếp cận sự thật và lấy lại công bằng cho những người xứng đáng được tri ân và tôn vinh.
Nước Mặn là nơi các cha dòng Tên học tiếng Việt, vừa để giải tội cho các con chiên vừa truyền đạo. A. de Rhodes viết bằng tiếng Latin và Bồ Đào Nha và chỉ nhận ra 5 thanh trong tiếng Việt, còn ông Francois de Pina (1585-1625) và các thừa sai khác còn có thể đọc, viết tiếng Việt.
Cùng điều hành hội thảo với GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) là nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam). GS. Lê chủ trì hội thảo đã kết luận: Chữ viết muốn được lưu hành phải có vai trò của Nhà nước. Người Pháp khuyến khích dân Việt mỗi tuần học tiếng Việt 2 tiếng; phải được cộng đồng công nhận, tiếp thu, mở rộng. Chúng ta cần đánh giá sòng phẳng, công bằng. A. de Rhodes không phải người sáng tạo đầu tiên, duy nhất.
Cũng không thể cực đoan coi chữ Quốc ngữ là công cụ của chủ nghĩa thực dân. Bất cứ dân tộc nào thay đổi chữ viết đều phải trả giá. Chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ không chuyển giao hết được di sản chữ Nôm là tổn thất văn hóa. Còn rất nhiều văn bia và gia phả, câu đối, văn tự chưa được giải mã. Bình Định có vai trò quan trọng bởi khu đô thị Nước Mặn - vùng lấn biển sớm có cư sở, nơi các giáo sĩ đi đầu đến xứ Đàng Trong sống và làm việc từ 1618. Nước Mặn là một trong các điểm phôi thai và ra đời chữ Quốc ngữ.
Việc dùng chữ cái Latin hóa tiếng nói, phát triển mua bán từ hàng hóa tới vũ khí, giao thương ở các thương cảng Đàng Trong, nền tảng phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Bình Định là vùng có chữ Quốc ngữ sớm nhất.
Ông cũng nhấn mạnh: “Quốc ngữ là hiện tượng văn hóa xã hội mang tính cộng đồng, không sinh ra ở một nơi duy nhất, nhưng đến nay chỉ có Bình Định là còn dấu tích, di chỉ, tiêu biểu là cư sở truyền giáo Nước Mặn, Chủng viện Làng Sông, nơi có nhà in Làng Sông, nhà in đầu tiên và lớn nhất của Đàng Trong. Cần dựng tượng đài ghi công tiền nhân có công với quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, người Bình Định, chiếm kỷ lục với 5 tham luận về chữ Quốc ngữ từ lúc phôi thai thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX khi là nơi có phong trào dạy và học mạnh nhất Đông Đàng Trong. Đô thị ở Đàng Trong gắn với các thương cảng: Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế), Nước Mặn (Quy Nhơn).
Đoàn thừa sai dòng Tên đầu tiên do linh mục Buzomi làm trưởng đoàn dời khỏi Nhật do hoàng đế Nhật cấm đạo từ năm 1614, từ Ma Cao đến Đàng Trong ngày 18/1/1615 tại Cửa Hàn, là trú sở. Linh mục Buzomi - Bề trên miền truyền giáo, nhận thấy Đàng Trong là nơi có thể truyền đạo, Buzomi đã gửi thư về Bề trên ở Ma Cao cử thêm các thừa sai F. de Pina, Christophoro Borri đến đây năm 1617, đều là người Ý. Năm 1616, trời không mưa, bị mất mùa, dân cho rằng các thần nổi giận vì dân chúng theo đạo mới, để miếu mạo hoang vu, phải đuổi các đạo sư Tây dương đi thì các thần mới nguôi giận.
Năm 1617, dân đề nghị Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trục xuất các thừa sai. Chúa vừa muốn an dân, vừa muốn giữ thừa sai để bảo đảm thương mại với người Bồ Đào Nha nên cho mời các thừa sai đến. Các linh mục xuống thuyền nhưng không xuất bến được vì gió ngược, lên bờ thì dân chúng không cho vào làng, đành ở lại bãi biển. Chính quan tuần phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa, nghĩa đệ của chúa Nguyễn đã đón linh mục Buzomi về tư dinh để chữa bệnh, còn Pina thì được giáo dân Nhật đưa về nuôi giấu ở Nghệ An. Khám lí Trần Đức Hòa đã giúp đỡ, biệt đãi các thừa sai, chọn địa điểm làm nhà ở cho họ, thân hành đến kiểm tra việc làm nhà, cung cấp mọi sự cần thiết.
Ông, một quan võ trọng văn hóa, là người có công lớn với sự sống còn trong nghiệp truyền giáo, cũng là gắn với sự tồn vong của chữ Quốc ngữ buổi đầu. Hành xử của Trần Đức Hòa cũng là tính cách hào phóng, ân tình của người Bình Định nên đây là cái nôi của chữ Quốc ngữ, cho Việt Nam một may mắn định mệnh mà tạo hóa và lịch sử giao ban.
Nước Mặn là cư sở đầu tiên của Đàng Trong, thành lập tháng 7/1618, gồm linh mục Buzomi, Pina và Borri, học tiếng Việt không chỉ để giao tiếp mà còn để chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ. Đây là trung tâm truyền giáo của người Công giáo lâu đời nhất ở Việt Nam, một cái nôi của chữ Quốc ngữ, không chỉ là nơi khởi đầu mà còn cụ thể hóa và phát triển chữ Quốc ngữ bằng nhà in Làng Sông - nhà in của giáo phận Đông Đàng Trong, đã in tác phẩm Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, sách Latin, tiếng Pháp, sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại.
Ấn phẩm của nhà in được thống kê trong bản tin hằng tháng của địa phận và tổng kết vào trang cuối năm bằng tiếng Pháp xen Quốc ngữ. Ra đời sau là nhà in của giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) tức nhà in Nhà Chung Tân Định (1867) và nhà in của Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội và phía tây sông Hồng) với nhà in Kẻ Vĩnh, Kẻ Lõi, Kẻ Sở. Thuở đầu, máy chữ, mực in, giấy và công nhân đều đưa từ Pháp sang.
A. de Rhodes (1593-1660) mất tại Ba Tư, linh mục người Pháp, gia nhập dòng Tên tại Roma. Cuối tháng 12/1624 đến 7/1626, truyền giáo tại Đàng Trong, từ 19/3/1627 đến 1630 truyền giáo ở Đàng Ngoài. Quy Nhơn đã nằm trong hành trình đồ truyền giáo.
Tháng 10/1624, A. de Rhodes chuyên chú học và sau 6 tháng đã giảng đạo bằng ngôn ngữ Đàng Trong. Năm 1645, ông bị chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn tại Việt Nam. Rhodes có 3 tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ in năm 1651: Từ điển Việt-Bồ-La, Phép giảng tám ngày, Văn phạm Việt ngữ.
Từ điển Việt-Bồ-La là công trình quan trọng khiến ông được vinh danh với lịch sử Việt Nam, là sản phẩm kế thừa thành công các nhà truyền giáo đi trước mà ông xác nhận mở đầu trong cuốn từ điển này. Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 1 ghi nhận chữ Quốc ngữ: “Chữ viết ghi âm của tiếng Việt, dùng chữ cái Latin bổ sung một số dấu phụ, do các giáo sĩ phương Tây cộng tác vào Việt Nam, sáng chế vào thế kỷ XVII, trong đó sự đóng góp quan trọng của giáo sĩ A. de Rhodes”.
Năm 1651, khi “Phép giảng tám ngày”, “Từ điển Việt-Bồ-La” ra đời ở Roma thì từ những năm 30 của thế kỷ XVII, các giáo sĩ phương Tây đã nhắc đến Cacciam/Cacham (Kẻ Chàm) - Thanh Chiêm, Quảng Nam, Pulocambi (Quy Nhơn), Nuocman, Quamguya/Quanghia (Quảng Nghĩa, Quảng Ngãi), Sinoa (Xứ Hóa, Thuận Hóa) nơi họ đã đến mở nhà nguyện.
Bình Định là điểm đến quan trọng mà danh từ Nước Mặn được nhắc đến nhiều trong bản tường trình của các cha. PGS. TS. Phạm Văn Tình công bố bản sao văn bản thư của Pina gửi đến khâm mạng dòng Tên ở Ma Cao, nội dung liên quan đến sứ đồ được gửi đến “Vua Đàng Trong”, tức chúa Nguyễn mà nhà nghiên cứu Pháp, Roland Jacques qua các công trình đã khẳng định vai trò của các giáo sĩ Bồ Đào Nha trong sự nghiệp chữ Quốc ngữ.
Pina là giáo sĩ châu Âu đầu tiên học và thông thạo tiếng Việt đến độ giảng đạo bằng bản ngữ, biết tiếng Việt trước Alexander de Rhodes, đáng tiếc là ông bị chết đuối ở biển Đà Nẵng 15/12/1625 khi cố gắng cứu người trên con thuyền bị đắm. Pina đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ từ kiến thức về tiếng Nhật đã học tại Học viện Ma Cao, nhờ thế ông đọc được các từ tiếng Nhật đã Latin hóa và giao tiếp được với người Nhật ở Hội An.
Nhận ra nếu Latin hóa được tiếng Việt sẽ có nhiều thuận lợi để truyền đạo Công giáo nên Pina đã mày mò tìm hiểu và soạn ra các văn bản miêu tả thực trạng tiếng Việt. Nhà truyền đạo kiệt xuất này đã làm công việc của nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ học để đưa ra các giải pháp thích hợp. Pina đã soạn các tiểu luận về chính tả. Ông phiên âm tiếng Việt sang tiếng Bồ Đào Nha, khảo sát và tập hợp được 3 văn bản có phân tích tiếng Việt. Ông giữ vai trò chỉ đường mở lối cho A. de Rhodes.
Sau đó gần ¼ thế kỷ, A. de Rhodes cho rằng: “Một trẻ em người Việt nói tiếng mẹ đẻ, đầu óc sáng sủa, 3 tuần lễ là đủ làm chủ bảng chữ cái Latin và vận dụng vào ngôn ngữ của nó”. Với chữ Nôm, chữ Hán thì phải mất nhiều năm mới nhận dạng được mặt chữ.
Từ điển của A. de Rhodes xác định tiếng Đàng Ngoài là cơ bản, tiếng Đàng Trong là tiếng các địa phương. A. de Rhodes đã coi hai Đàng như hai vương quốc mà Đông Kinh là thủ đô. Sự minh triết của Rhodes đã thể hiện rõ từ gần 400 năm trước khi ông đưa nhiều và kỹ vào sách các địa danh của Hà Nội, cách ghi 6 thanh điệu rất điển hình của tiếng Bắc.
Theo PGS. TS. Phạm Văn Hảo (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam): “Một trong những ưu thế về khoa học của chữ Quốc ngữ là nó bao quát tiếng Việt trong tổng thể hữu lí: có tiếng địa phương và tiếng thủ đô, theo đó tiếng thủ đô bảo đảm giao tiếp trong quốc gia thống nhất, có trách nhiệm chuẩn hóa tự nhiên ở mức độ cần thiết. Chính A. de Rhodes bằng mẫn cảm và kiến thức uyên bác về ngôn ngữ học, đã nhận rõ điều này khi biên soạn và tuyên bố 2 tác phẩm của mình “Phép giảng tám ngày” (sách ngữ pháp), “Từ điển Việt-Bồ-La” - gần 700 trang. Đây là định hướng vượt trội của A. de Rhodes.
Sự chuẩn hóa tiếng Việt của A. de Rhodes là chuẩn hóa một cách tự nhiên, chặt chẽ hơn trong ngôn ngữ viết. Con mắt xanh của Rhodes về tiếng Thăng Long đến sau này ở thế kỷ XX thành ngôn ngữ quốc gia như lịch sử nghìn năm đã coi Thăng Long là nơi địa linh nhân kiệt. Sau khi hai công trình này ra đời, tiếng Việt chuyển mình và bước vào thời kỳ phát triển mới.
Nhà truyền giáo C. Borri (1583-1632) về Ma Cao năm 1622. Ông đã sử dụng số lượng lớn từ Quốc ngữ để chỉ tên vật, tên người, tên đất nhiều nhất so với các tác giả khác cùng thời. Tuy nhiên, chữ của Borri là chữ Latin hóa chưa có quy cách chặt chẽ, nặng về cách phiên âm theo tiếng Ý, tất cả các dấu ghi thanh sắc, nặng, ngã đều được sử dụng như dấu huyền, thuở ấy ông viết Quy Nhơn là Quignin.
Trong tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong mà Borri viết bằng tiếng Ý có sử dụng chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai dùng trong hoạt động truyền giáo tại Nước Mặn năm 1618-1622. Do đó, Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên của chữ Quốc ngữ.
Ở chính Quy Nhơn, vùng đất mới thuận theo những điều nhân nghĩa, chữ Quốc ngữ ra đời và sau gần 400 năm, những giá trị của tiếng Việt, chữ Quốc ngữ càng tỏa sáng trong hành trình văn hóa, lịch sử Việt Nam.