SoHa - 47 năm trước, vào ngày 2/3/1969, quân đội Trung Quốc bất ngờ tấn công đảo Damansky, gây nên một cuộc xung đột vũ trang, gần đưa 2 nước tới bờ vực chiến tranh.
Phía Trung Quốc khi đó và mãi sau này luôn lớn tiếng la làng, nói rằng lính Trung Quốc chỉ "tự vệ", còn Liên Xô mới chính là "thủ phạm" tấn công trước. Vậy đâu là sự thật?
Nhà sử học Mỹ, giáo sư Lyle J.Goldstein trong nghiên cứu về trận Trân Bảo Đảo có tên "Return to Zhenbao Island: Who Started Shooting and Why it Matters" đã trích dẫn ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cáo buộc Liên Xô tấn công trước: "Các cuộc giao tranh vẫn xảy ra giữa biên giới 2 nước, và phải thừa nhận rằng Liên Xô chính là kẻ xâm lược".
Nhưng các bức ảnh do binh nhất Nikolai Petrov (đã hy sinh) và Vladimir Grechukhin phóng viên ảnh của tờ "Biên phòng Thái Bình Dương" chụp tại hiện trường đã chứng minh điều ngược lại.
Lính Trung Quốc tay cầm cuốn "Mao tuyển" (cuốn tuyển tập các câu nói của Mao Trạch Đông, rất nổi tiếng trong Đại cách mạng văn hóa và được gọi là "Hồng bảo thư") sau khi vượt biên giới đã tranh cãi với lính biên phòng Liên Xô rất hung hãn.
Ngay sau đó, lính Trung Quốc nổ súng đầu tiên. Khi các chiến sĩ Xô viết đã hy sinh, quân lính Trung Quốc còn man rợ móc mắt họ.
Trong cuốn "Những truyền thuyết đảo Damansky" do Nhà xuất bản AST ấn hành năm 2004, tác giả D.S.Ryabushkin đã cho chúng ta biết việc tấn công biên giới Xô-Trung đã được Chính quyền Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu.
Vì sao Trung Quốc tấn công Liên Xô
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cuộc xung đột với Liên Xô là rất cần thiết đối với Mao Trạch Đông vào thời điểm đó, khi mà Trung Quốc đang muốn chìa tay ve vãn Mỹ và đồng minh.
Cuộc xung đột này thể hiện logic thường thấy: "Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn ta" và chứng tỏ cho phương Tây biết, Trung Quốc đã hoàn toàn đoạn tuyệt với Liên Xô, dù rằng trước đó quan hệ 2 nước chẳng còn mặn mà.
Một nguyên nhân khác nữa cũng được nhắc đến, đó là vào tháng 4/1969 sẽ diễn ra Đại hội lần thứ IX đảng CSTQ, và cuộc xung đột này sẽ "mở mắt" cho những ai trong nội bộ đảng còn mơ hồ cho rằng sự bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc có thể "khắc phục" được.
Một nguyên nhân nữa cũng được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra, là ảnh hưởng của sự kiện Liên Xô và quân đội khối Hiệp ước Warsaw can thiệp vào “sự kiện Tiệp Khắc” năm 1968.
Trung Quốc lo sợ một kịch bản tương tự sẽ xảy ra ngay chính ở nước mình, nên muốn chứng tỏ là Trung Quốc rất mạnh, không sợ ai và sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng.
Nhà sử học người Mỹ Thomas Robinson đã nhiều năm liền nghiên cứu nguyên nhân và diễn biến của cuộc xung đột biên giới Xô-Trung.
Ông không hề tìm thấy bất cứ nguồn tư liệu nào cho thấy lãnh đạo Liên Xô có ý định gây hấn với nước láng giềng Trung Quốc, dù rằng 2 nước vốn có những bất đồng khá sâu sắc.
Theo ông, lý do có thể dẫn đến cuộc xung đột biên giới do Trung Quốc khởi động, còn bởi chính tình hình trong nước bấy giờ.
Thomas Robinson viết: "Vào cuối năm 1968 và đầu năm 1969, cuộc Cách mạng văn hóa đã đến hồi bế tắc. Để thoát ra khỏi tình trạng đó, cần phải có ngay một hành động, một sự kiện gì đó thật đột ngột, bất ngờ.
Sự đổ máu của Liên Xô sẽ cung cấp ngay một sự hứng khởi cần thiết và thoát khỏi quán tính quan liêu của xã hội."
Kế hoạch bí mật
Nhà sử học Trung Quốc Yang Kuisong (Viện lịch sử hiện đại, Bắc Kinh) trong bài nghiên cứu “The Sino-Soviet Border Clash of 1969" đăng trên tạp chí "Lịch sử chiến tranh lạnh", tháng 8/2000, thì cho biết chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị kế hoạch này khá kỹ lưỡng.
Trong bài báo của mình, nhà sử học Mỹ Goldstein cũng dẫn đánh giá của Jiang Yi - nhà nghiên cứu quan hệ Nga-Trung với tác giả - tháng 7/2000: "Rõ ràng là vụ xung đột này được các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên kế hoạch.
Mao không muốn chiến tranh, nhưng muốn có một vụ gây hấn ra trò. Lính Liên Xô hoàn toàn bị bất ngờ khi hứng đòn tấn công".
Trở lại với nhà sử học Trung Quốc Yang Kuisong, ông này cho biết trong bài nghiên cứu đã dẫn:
"Từ tháng 1/1968, Quân ủy Trung ương Trung Quốc dưới sự chủ trì của Mao đã thảo luận về tình hình biên giới với Liên Xô. Kết quả của các cuộc họp này là đã cho ra đời các chỉ thị với quân khu Thẩm Dương và quân khu Bắc Kinh.
Nội dung các chỉ thị này là chuẩn bị chiến dịch quân sự chống Liên Xô, như là một cách để Trung Quốc gia tăng ưu thế ngoại giao khi đàm phán với lãnh đạo Liên Xô".
Thực hiện chỉ thị, chỉ huy quân khu Thẩm Dương đã tuyển chọn các đội quân để chuẩn bị tấn công lính biên phòng Liên Xô. Đội quân này đã hành quân bí mật đến vùng đảo Kirkinsky, cách đảo Damansky 3 km về hướng Bắc.
Nhiệm vụ của đội quân bí mật là sẽ tấn công bất ngờ các chiến sĩ biên phòng Xô viết, nếu như 2 bên xảy ra tranh chấp vùng biên. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp vẫn chưa xảy ra (nói đúng hơn, trước các cuộc khiêu khích, lính biên phòng Liên Xô không bị mắc mưu).
Kế hoạch tấn công lính biên phòng Liên Xô được soạn thảo, sửa chữa nhiều lần. Tham gia vào việc soạn thảo đó không chỉ có các sĩ quan Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, mà cả các nhà ngoại giao nước này.
Cuối cùng, Trung Quốc đã xác định điểm tấn công: Đảo Damansky, mà Bắc Kinh vẫn gọi là Trân Bảo đảo.
Trong một cuộc phỏng vấn do nhà sử học Yang Kuisong thực hiện, tướng Chen Xiliangyi, chỉ huy quân khu Thẩm Dương trong những ngày xảy ra xung đột, cũng thừa nhận tham gia tấn công đảo Trân Bảo là đội quân tinh nhuệ được lựa chọn và huấn luyện rất kỹ càng.
Ông này cho biết thêm: "Để tham gia trận tấn công hôm 2/3/1969, chúng tôi đã chuẩn bị trước đó 2-3 tháng. Chúng tôi đã chọn ra 3 đại đội quân báo, một đại đội biên chế 200-300 quân. Chỉ huy các đại đội là các sĩ quan có kinh nghiệm.
Sau khi được huấn luyện kỹ càng, trang bị vũ khí đầy đủ, họ được đưa bí mật lên đảo. Khi lính Liên Xô 'khiêu khích' hôm 2/3, chúng tôi đã có ưu thế hơn hẳn. Chúng ta [Trung Quốc] đã giành chiến thắng trong trận đó".
Như vậy, viên tướng Trung Quốc Chen Xiliangyi đã vô tình khẳng định sự chuẩn bị và tổ chức cuộc tấn công lên đảo Damansky.
Ông này buột miệng nói lên sự thật đó trong mạch hồi tưởng về các sĩ quan Trung Quốc dày dạn kinh nghiệm, từng tham chiến ở Triều Tiên, xung đột biên giới với Ấn Độ 1962 và chiến dịch đặc biệt ở Đài Loan.
Đã 47 năm trôi qua, sự thật về cuộc xung đột biên giới Xô-Trung đang được các nhà sử học quốc tế làm rõ dần.
Đây không phải là cuộc chiến đấu để “tự vệ” như báo chí Trung Quốc vẫn tuyên truyền, mà là một cuộc xâm lược quy mô nhỏ, được chính quyền nước này chuẩn bị kỹ lưỡng. Không phải Liên Xô là kẻ gây hấn và nổ súng đầu tiên như Trung Quốc la làng, mà là ngược lại.
Bởi sự thật luôn chỉ có một mà thôi.