VOA - Một loạt con cái các quan chức trong nước, mà nhiều người gọi là “thái tử đảng”, mới “lên như diều gặp gió” ở Việt Nam, gây “bão” dư luận nhiều ngày qua.
Có ý kiến cho rằng việc các “thái tử” đó thăng tiến chóng vánh khi tuổi đời còn trẻ cũng cho thấy sự đấu đá nội bộ trên chính trường ở Việt Nam.
Trước phản ứng của công chúng, quan chức Việt Nam được báo chí trong nước trích lời nói rằng các vụ bầu chọn diễn ra “đúng quy trình”.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ còn cho rằng việc nhiều người trẻ được bổ nhiệm là “đáng mừng và cần có cái nhìn khách quan, công bằng đối với những lãnh đạo trẻ”.
Trong khi đó, ông Trương Duy Nhất, chủ nhân của trang web “Một góc nhìn khác”, lại nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc con cái của các quan chức Việt Nam “lên ào ạt” này là “một dấu hiệu thiếu lành mạnh”.
Ông nói tiếp: “Người ta cứ lý sự, người ta bảo là đúng quy trình thế này, thế nọ, và cái lớp đó cũng được học hành bài bản. Nhưng mà thực sự công tâm nhìn thì ai cũng thấy rằng nếu mà họ không là lớp của con ông cháu cha, của ông này, bà nọ, thì chắc chắn sẽ không được bổ nhiệm như thế rồi. Ở đây, vấn đề không phải là trẻ hay không trẻ, vì xu hướng trẻ hóa đáng lý ra mình phải ủng hộ, nhưng mà lại bị xã hội lên án bởi vì sao?"
"Sự cất nhắc, bổ nhiệm đó nó không công bằng. Nó không công tâm trong chuyện đó. Quy chế bổ nhiệm cán bộ của mình có nhiều cái còn tệ hơn cả thời phong kiến. Thời đó, ông quan ở chức đó thì ông không được bổ nhiệm, không được lợi dụng bổ nhiệm người con của mình ở địa phương, quê hương bản quán. Nhưng mà bây giờ những trường hợp ấy nó cho thấy kém cả thời phong kiến”, ông Nhất nói thêm.
Người từng bị cầm tù vì dám đưa ra tiếng nói trái chiều với nhà nước nói thêm rằng các vụ thăng tiến vừa qua đã “gây ra phản ứng không hài lòng từ phía dân chúng”, dẫn tới sự mất lòng tin vào chính quyền.
Kỷ lục mới
Trong số các gương mặt lãnh đạo trẻ tuổi, thế hệ mới mà báo chí Việt Nam ca tụng thời gian qua có ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, người từng lập ‘kỷ lục’ là thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam năm 2011.
Nay ở tuổi 39, ông này lại tiếp tục giữ một ‘kỷ lục’ mới là bí thư tỉnh ủy trẻ nhất đất Việt. Còn ông Nguyễn Xuân Anh, cũng 39 tuổi và là con của một cán bộ cấp cao, lại là tân bí thư thành ủy Đà Nẵng trẻ tuổi nhất từ trước tới nay.
Nguyễn Minh Triết, 27 tuổi, em trai của ông Nghị, hiện cũng nắm kỷ lục khác, đó là tỉnh ủy viên trẻ nhất Bình Định.
Một điều đáng chú ý là ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai của ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM, không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ của thành phố này.
Ông Hiếu hiện là Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận 12, và từng được kỳ vọng sẽ “lên nhanh” như các con quan chức khác.
Về diễn biến bất ngờ này, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát tình hình trong nước, nhận định với VOA Việt Ngữ: “Nó tác động. Nó phản ánh tương quan lực lượng của chính trường Việt Nam. Ngoài yếu tố tâm lý chính trị, cho thấy buổi hoàng hôn của chế độ, nó cũng phản ánh tương quan chính trị trong nội bộ đảng hiện nay. Người nào mà đưa được con lên càng nhanh, càng cao, thì thường là người đó chiếm ưu thế càng lớn. Những người con sau này của các vị sau này có lẽ khá thường xuyên thể hiện vấn đề tranh đấu nội bộ. Đó là chuyện giữa quan chức đảng cộng sản thôi chứ còn dân chúng và đất nước chẳng có lợi lộc gì cả”.
Ông Dũng nói thêm rằng việc các quan chức Việt Nam đồng loạt “cài cắm” con cái vào các chức vụ quan trọng “phản ánh tâm trạng bất an của họ”.
'Hệ lụy lâu dài'
“Họ phải lập tức đưa con cháu của họ vào các chức vụ vì họ không biết tương lai ngày mai sẽ như thế nào”, nhà quan sát này nói.
Còn blogger Trương Duy Nhất cho rằng việc làm đó gây ra hệ lụy lâu dài cho Việt Nam, và ông không đặt lòng tin vào thế hệ lãnh đạo mới này.
Người từng làm nhà báo này nói tiếp: “Lớp con quan, quan con đó họ được cất nhắc lên bằng những cách thức như thế, những đường như thế, cuối cùng sau này, vô tình, không chỉ làm hỏng một thế hệ, mà còn thêm thế hệ tiếp theo đó nữa. Họ sẽ tiếp tục coi việc nước như việc nhà. Cho nên tôi nói hỏng việc nước dài lâu là theo nghĩa đó”.
Bình luận trên Facebook, luật sư Lê Công Định viết: “Trong nền chính trị Việt Nam, các chức danh bí thư tỉnh uỷ và thành uỷ trên thực tế mặc định quyền lực tối cao trong việc điều hành và lãnh đạo mọi hoạt động hành chính và chính trị của địa phương thuộc quản hạt. Khi Bộ chính trị của đảng cầm quyền nắm toàn quyền quyết định nhân sự đảm nhiệm chức danh bí thư thành uỷ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành khác, việc bầu bán ai điều hành bộ máy hành chính địa phương theo hiến pháp và luật pháp trở nên hình thức và hiển nhiên không còn quan trọng. Nói cách khác, ý dân chỉ là thứ yếu, xếp sau ý đảng”.
Ông Định viết tiếp: “Đọc hết các bản hiến pháp hiện đại của Việt Nam (XHCN) từ 1946 đến nay, đố ai tìm được ba chữ "Bộ chính trị", thế nhưng quyền uy của nó từ lâu vẫn khuynh loát toàn bộ xã hội chúng ta đang sống. Vậy cơ sở pháp lý của quyền uy đó ở đâu? Điều 4 hiến pháp chăng? Xin thưa rằng không. Xin hãy đọc Điều 4, ta sẽ thấy không một nội dung nào của điều luật ấy, dù công nhiên hay mặc nhiên, trao cho định chế "Bộ chính trị" quyền quyết định nhân sự như vậy. Dưới góc nhìn của một luật gia, quyền uy đó được xem là "above the law", tức đứng trên luật pháp”.
Trong khi đó, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung nêu ví dụ tân thủ tướng Canada, Justin Trudeau.
Kỹ sư công nghệ thông tin này nói rằng ông Trudeau “cũng là một "con ông cháu cha" lại không gây bão dư luận như ở Việt Nam, đơn giản vì ông Justin Trudeau do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng”.