Phan A biên tập
Theo một nguồn tin thân cận với chính quyền Bắc Kinh, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có những động thái đáng kể đầu tiên chống lại người tiền nhiệm đồng thời là đối thủ chính của ông, Giang Trạch Dân. Nguồn tin này cho biết ông Giang và hai con trai của ông đã bị “quản thúc”, có nghĩa là sự tự do đi lại đã tạm thời bị hạn chế.
Nguồn tin trên đã chia sẻ với ông Lâm Phong, biên tập viên của Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, rằng hành động trên đã được thực hiện vào ngày 15/8. Ông Tăng Khánh Hồng, một thân tín của ông Giang, cũng đã bị hạn chế đi lại, nguồn tin cho hay.
Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh cho rằng nguồn tin này là đáng tin cậy vì danh tính của nguồn và sự tiếp cận thông tin trong đội ngũ lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Ông Lâm Phong tin rằng mục đích của sự tiết lộ tại thời điểm này là để gửi đi một thông điệp tới những người ủng hộ ông Giang trong chính quyền, “để họ chuẩn bị tâm lý khi ông Tập thực sự chính thức bắt giữ ông Giang“.
“Họ cũng đã làm điều tương tự trước khi hạ bệ ông Chu Vĩnh Khang và những người khác, nhằm gia tăng áp lực đối với các quan chức trong chính quyền”, ông Lâm nói. Ông Chu vốn là cựu trùm an ninh của ĐCSTQ. Khi những tin đồn về việc ông Chu sẽ dần dần bị thanh trừng bắt đầu nổi lên ở Trung Quốc, các quan sát viên nước ngoài về tình hình chính trị Trung Quốc ban đầu đã bỏ qua những tin đồn này. Vụ hạ bệ ông Chu được thừa nhận rộng rãi là một trong những cuộc thanh trừng chính trị quan trọng nhất mà mọi người đều biết.
Ông Giang Trạch Dân là người lãnh đạo ĐCSTQ từ năm 1989 đến năm 2002. Ông Giang vẫn tiếp tục đứng đầu trong quân đội thêm 2 năm nữa, và đã không buông bỏ bất cứ vị trí nào trong quân đội suốt một năm sau đó. Trong những năm cầm quyền và ngay cả sau này, ông Giang đã cài cắm một loạt thân tín nắm giữ các vị trí trọng yếu. Một số trong đó đã tạo ra các lãnh địa riêng, nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà lãnh đạo chính thức.
Cơ cấu quyền lực song song này bao trùm bộ máy an ninh, dưới sự cai trị của La Cán và sau đó là Chu Vĩnh Khang. Ông Chu là người đã mở rộng bộ máy khổng lồ với ngân sách hàng năm lên tới 120 tỷ USD, lớn hơn ngân sách dành cho quân đội cũng như các lực lượng quân sự.
Tất cả điều này nhằm đảm bảo tiếp tục duy trì các chính sách của ông Giang, bao gồm cuộc đàn áp nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Ông Quánh Bá Hùng và đặc biệt là ông Từ Tài Hậu, hai cựu Phó chủ tịch của Quân ủy Trung ương, đã “thâu tóm hết thực quyền” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Dương Xuân Thành – cựu phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông.
Phần lớn cuộc thanh trừng nội bộ Đảng trong hai năm rưỡi qua của ông Tập Cận Bình là để nhổ tận gốc mạng lưới chính trị này, loại bỏ hoàn toàn phe cánh và sự ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân. Cuộc thanh trừng luôn được báo chí rò rỉ đưa tin đúng lúc, các báo cáo trêu ngươi cũng như nhận xét của các quan chức về âm mưu chính trị sâu rộng ám chỉ rằng chiến dịch đang vươn tới lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền.
Nhưng thông điệp này vẫn không rõ ràng cho đến khi xuất hiện một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo, một công cụ phát ngôn của ĐCSTQ vào ngày 10/8. Vào hôm đó, tờ báo đã đưa ra lời chỉ trích nặng nề nhắm vào các cựu lãnh đạo, những người đã can thiệp quá mức vào công việc của những người kế vị, ngăn cản lớp lãnh đạo mới “xắn tay áo lên và làm việc táo bạo”.
Bài báo cũng phàn nàn rằng các cựu lãnh đạo đã “không vui vẻ về hưu… mà lại làm mọi việc có thể để tăng cường quyền lực chính trị”
Các nhà bình luận chính trị ngay lập tức xác định rằng bài báo là một động thái tấn công trực tiếp vào ông Giang. “Những người có mắt sẽ thấy, rõ ràng bài báo này là một sự chỉ trích nhắm vào ông Giang Trạch Dân, dù không dẫn tên ông này”, Hồ Bình, một nhà phân tích chính trị đang sống lưu vong ở New York viết trong một bài bình luận cho trang web của Đài phát thanh Á Châu Tự do (Radio Free Asia).
Chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên, nguồn tin cho biết: “Ban đầu, ông Tập muốn bắt ông Giang vào mùa xuân năm tới, thời gian còn lại của năm nay ông Tập sẽ tập trung vào nền kinh tế… Ông Tập ban đầu đã không muốn làm điều đó sớm đến thế”.
Ông Lâm Phong nói rằng ông không chắc liệu điều này có đồng nghĩa với việc ông Giang sẽ biến mất khỏi tầm quan sát của công chúng hay không, bởi vì trong một số vụ việc các quan chức cấp cao khác bị hạ bệ, họ vẫn được phép xuất hiện đôi chút trước công chúng theo cách này hay cách khác, ngay cả sau khi có tin tức rằng họ bị tiến hành điều tra, hoặc thậm chí bị tiến hành kỷ luật trong nội bộ Đảng. Các trường hợp này gồm có ông Quách Bá Hùng, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, và ông Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.
Phe cánh Giang Trạch Dân đứng sau vụ nổ Thiên Tân?
Nguồn tin cho biết thêm: “Sau khi xảy ra vụ việc Thiên Tân, ông Tập Cận Bình không thể ngủ được trong hai đêm liền.” Nguồn tin này ám chỉ rằng ông Tập tin chắc ông Giang Trạch Dân là người đứng sau hai vụ nổ trên. Theo các nhà chức trách, các vụ nổ này tương đương với 21 tấn thuốc nổ TNT, đã phá nát một kho hàng ở thành phố duyên hải Thiên Tân vào ngày 12/8.
Hiện chưa rõ nguyên nhân của các vụ nổ khủng khiếp này, theo các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Vụ nổ đã để lại một cái hố khổng lồ có kích thước của vài khu phố, còn quả cầu lửa mà vụ nổ gây ra đã khiến hàng nghìn chiếc ô tô bị cháy đen, các trục bánh xe thì biến thành tro. Sức công phá của vụ nổ cũng khiến cửa sổ của các tòa nhà nằm trong phạm vi 1,6 km bị vỡ tan tành.
Một tuần sau khi xảy ra vụ nổ, số người chết chính thức được công bố là 116, người dân địa phương cho biết có các cơn mưa chứa hóa chất độc hại và cá chết trắng dọc bờ sông Hải Hà của thành phố Thiên Tân. Các quan chức cho biết có 770 tấn natri xyanua, một loại chất độc chết người, được chứa ở trong nhà kho đã bị phát nổ.
Trang tin Bác Tấn (Boxun) đã trích dẫn một nguồn tin độc quyền cho biết “các vụ nổ đã được kích hoạt bởi một chiếc xe chứa đầy thuốc nổ … chiếc xe tải này được đậu rất cẩn thận bên cạnh nhà kho, ở vị trí gần nhất với các vật liệu dễ cháy. Những người trên chiếc xe đó nhanh chóng rời đi, và khoảng 15 phút sau vụ nổ diễn ra, kích hoạt chuỗi các vụ nổ”.
Các bài viết trên trang Bác Tấn và trên một số hãng truyền thông ở Hồng Kông đã chỉ ra mối liên kết của các vụ nổ này với ông Giang Trạch Dân.
Theo ông Lâm Phong, biên tập viên Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, người của ông Giang chuyên cung cấp các thông tin và tin đồn cho các ấn phẩm truyền thông ở nước ngoài, và nếu ông Giang đứng đằng sau các vụ nổ, ông này sẽ muốn việc đó được công bố.
“Thông điệp này có vẻ như là “Chúng tôi có thể gây ra hỗn loạn””, ông Lâm nói.
Bất ổn xã hội sẽ khiến giới lãnh đạo bị trách cứ, và sẽ gây khó khăn nhằm hạn chế quyền lực của ông Tập Cận Bình trong Đảng – vốn đã có sự bất bình đáng kể do chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của ông Tập gây ra.