Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Xuất bản sách 'PR' cho 'chủ quyền' của Trung Quốc trên biển Đông?

Mi Ly- Phạm Mỹ

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Đạo mộ bút ký do Bách Việt và NXB Thời đại ấn hành đang gây xôn xao dư luận. Bởi, trong cuốn sách dịch từ tiếng Trung có chi tiết các nhân vật là người Trung Quốc đi tìm mộ cổ qua đảo “Tiên Nữ” (trùng với tên đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và “cụm đảo Thất Liên” (tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Đáng chú ý, sách lược “tái tạo hình dung mới” của Trung Quốc về lịch sử nước này ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam qua văn hóa lịch sử, văn hóa PR vừa được cảnh báo trên một diễn đàn học thuật cách đây chưa lâu.  

In tên địa danh mạo nhận của Trung Quốc?

Bản tiếng Việt của Đạo mộ bút ký (tác giả: Nam Phái Tam Thúc) do Bách Việt và NXB Thời đại ấn hành, đến nay đã phát hành được 2 tập do dịch giả Vạn Cơ Thanh Hạ chuyển ngữ. Theo đơn vị thực hiện bản thảo, tập 3 của bộ sách dự định phát hành trong vài tháng tới.

Đạo mộ bút ký là câu chuyện kết nối nhiều thời đại ở Trung Quốc. Nhân vật chính theo chân nhóm đào mộ cổ truy tìm báu vật ở ngôi mộ cổ đặc biệt từ dãy Phiêu Tử của Hồ Nam vòng ra biển, nơi có một cụm đảo (đây chính là chi tiết gây tranh cãi) rồi đến Thất tinh Lỗ vương cung ở Sơn Đông.

Trước khi bản dịch được in sách ở Việt Nam, Đạo mộ bút ký đã được dịch và công bố trên mạng. Người dịch và nhóm độc giả trên blog này đều ý thức được nội dung có thể gây tranh cãi nên đã nhấn mạnh: “Trong Phần 2, Quyển 1 của tác phẩm chứa một số chi tiết liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc... Chi tiết này không quan trọng và gần như không gây ảnh hưởng lớn đến cốt truyện”.

Còn trong Phần 2, Quyển 1, chương 8 trong bản sách của Bách Việt và NXB Thời Đại có đoạn kể về cuộc truy tìm mộ cổ của nhóm đào mộ, nhắc đến rất nhiều tên đảo: “Kế hoạch của bọn họ là bắt đầu tìm kiếm từ khu vực đảo Tiên Nữ ở gần nhất, rồi đến đảo Hà Giải bổ sung vật tư; tiếp đến ba khu vực ở gần cụm đảo Thất Liên… Còn về phương pháp tìm kiếm, nước biển ở (cụm đảo) Tề Ân cực kỳ trong…”.

Trong đó, “đảo Tiên Nữ” và “cụm đảo Thất Liên” trùng với tên các địa danh có thật. “Tiên Nữ” là tên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn “Thất Liên” là tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chủ quyền lãnh thổ phải lên trên hết!

Hôm 20/5, PV báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) liên hệ với NXB Thời đại, đại diện NXB Thời đại cho biết: “Chúng tôi đã biên tập rất kỹ bản thảo của tập 1 bộ sách để không có chi tiết nào liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 21/5, chúng tôi sẽ tiến hành đối chiếu giữa bản thảo do NXB biên tập và bản thảo do đối tác liên kết phát hành”.

Còn công ty Bách Việt, đối tác liên kết xuất bản của NXB Thời đại cho biết: Họ đã liên hệ với biên tập viên của Đạo mộ bút ký và sẽ sớm đưa ra phản hồi về những chi tiết gây tranh cãi trong bộ sách.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng) cho hay: Chưa cần bàn tới cốt truyện và tình tiết trong cuốn sách, riêng việc in tên mạo nhận của Trung Quốc trên các đảo của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa là điều không thể chấp nhận. Với các đơn vị kinh doanh, tôi biết, lợi nhuận là một trong những ưu tiên hàng đầu. Song, nếu bất chấp an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ để chạy theo lợi nhuận là điều hết sức tệ hại”.

Cũng theo TS. Sơn, việc Trung Quốc bịa ra hồ sơ tư liệu về cái gọi là chủ quyền của nước này trên các đảo ở biển Đông là phổ biến. Nên, những cuốn sách hư cấu hay các huyền sử được sáng tác thêm để củng cố cho luận điểm sai trái này để truyền thông nội bộ trong lãnh thổ Trung Quốc là điều có thể hiểu được. Song, việc NXB Việt Nam đem dịch cuốn sách dạng này sang Tiếng Việt để người trẻ Việt đọc là điều cần các cơ quan chức năng phải xem xét thật kỹ.

Trước đó, trong một hội thảo khoa học về biển đảo, TS. Trương Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP. HCM) cũng cảnh báo về sách lược “tái tạo hình dung lịch sử” của Trung Quốc với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Theo TS Vũ,  nghệ thuật lịch sử, nghệ thuật PR (public relations) và tuyên truyền nội bộ trong nước, cũng như phổ quát kiến thức trên bình diện quốc tế là một trong 3 trọng tâm Trung Quốc đang thực hiện để “tái tạo nhận thức” về lịch sử chủ quyền của quốc gia này trên biển Đông.

Điều này Trung Quốc đang cố “chính danh hóa” bằng quyền lực mềm qua việc tác động vào nhận thức nhân dân Trung Quốc để biện hộ những hành động phi pháp của nước này tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.