Sau gần 20 năm được cố Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh “cởi trói”, các nhà văn Việt Nam tưởng như đã thoát được những gông xiềng mao – ít Đảng đã nhập cảng của tàu từ đầu những năm thập kỷ 1950.
Những “thắt buộc ngặt nghèo” trong “đề cương văn học Diên An” như “văn học phục vụ chính trị”, “ văn học của Đảng”, “tính Đảng, tính giai cấp trong văn học”…một thời đã thành “não trạng” cán bộ lãnh đạo văn học nghệ thuật, đã ăn sâu vào tim óc các nhà văn để sản xuất ra một thứ văn học “phục vụ kịp thời”, liền sau đó bị người đời vứt vào sọt rác...
Quan niệm văn học nặng mùi mao–ít đó những tưởng Đảng đã huỷ bỏ, tha cho văn nghệ sĩ , ngờ đâu , qua báo Tuổi Trẻ, người ta thấy nó vẫn còn sờ sờ ra đó , gây khiếp hãi cho các nhà văn trong nước vốn đã cóm róm, rụt rè như “gà phải cáo” đồng thời bộc lộ chiều hướng bảo thủ, khăng khăng không chịu thoát khỏi “não trạng” xưa cũ .
“ Cánh đồng bất tận” là một truyện ngắn của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư viết về một gia đình chăn vịt trôi nổi trên một con thuyền theo sông nước Cửu long. Ông bố trở nên trầm uất sau khi bị vợ cắm sừng bỏ đi theo trai, đứa con gái lớn và thằng em trai sống cách biệt với làng thôn, trong cuộc rong ruổi theo con nước luôn luôn chạm phải cái ác vốn đầy rẫy hai bên bờ sông. Đứa em trai bỏ đi theo đĩ, cô chị gái bị lưu manh cưỡng hiếp ngay trước mắt ông bố là chấm phá sau chót cho bức tanh của cánh đồng bất tận này.
Vốn khai bút từ những truyện ngắn sặc mùi ca ngợi cách mạng như “ngọn đèn không tắt”, “ diễn viên nghiệp dư”… Nguyễn Ngọc Tư, cây bút trẻ học lực lớp 11, miệt vườn Cà Mau, đại diện xứng đáng cho dòng văn học “Nam kỳ quốc” khởi xướng từ nhà văn Hồ Biểu Chánh. Vài năm nay những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được cả một bộ máy tuyên truyền của miền Nam đặc biệt là báo Tuổi Trẻ kéo lên chót vót, lại được mấy bác nhà văn già như Nguyên Ngọc, Phạm Toàn… cổ võ nên cây bút trẻ này trở thành “hiện tượng”, thành ngọn cờ cho mấy bác “thủ lãnh văn học” phía Nam ra sức giương cao.
Giá như Nguyễn Ngọc Tư cứ ‘ca ngợi truyền thống cách mạng”, viết về mặt đèm đẹp của cuộc sống thì chắc chắn ân sủng của Nhà nước vẫn còn rót xuống dài dài. Tiếc thay, cô cả gan mon men tới những “miền đất lạ” của văn chương, khai thác đề tài “cái ác”, cho dù “cái ác” đó chỉ nằm trong “bể khổ” của cõi nhân sinh, chưa hề dám hé lộ ra cha đẻ của nó chính là cuộc cách mạng do Đảng khởi xướng trên xứ sở này non một thế kỷ nay. Mới chỉ thế thôi, nhưng đòn trừng phạt đã tới tấp giáng xuống.
Ngày thứ bảy 8 tháng 4 - 2005, báo Tuổi Trẻ – người bảo trợ chính cho Nguyễn Ngọc Tư loan tin “cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã yêu cầu kiểm điểm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về những nội dung trong tác phẩm này.” Và ý kiến trả lời phỏng vấn của hai ông Trưởng, Phó ban tuyên giáo tỉnh uỷ Cà Mâu, thay mặt Đảng chỉ đạo văn nghệ làm nhiều người sững sờ. Ong Trưởng ban Dương Việt Thắng sử dụng mẹo cũ lấy “dư luận quần chúng” để kết tội:
“Có độc giả Việt kiều và cả các nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng đây là thứ văn chương phản động, thậm chí là chống cộng; tục tĩu dâm ô; chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước…..Chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Hội VHNT, sau khi xem xét những vấn đề dư luận phản ánh, chúng tôi đã đề nghị có ý kiến về các mặt tích cực, hạn chế và đề nghị Hội VHNT kiểm điểm tác giả…Nhà văn NNT nằm trong biên chế của hội nên phải gặp thủ trưởng của nhà văn mới làm việc được. Ngày 24-3- 2006 chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Hội VHNT gồm các đồng chí Mười Thanh (chủ tịch hội) và hai phó chủ tịch hội Lê Đình Trường, Hoàng Thêm. Đã nhận xét những ý kiến khen chê…”
Ghê gớm chưa, cái mũ cối ông Trưởng ban tuyên giáo úp xuống đầu cô nhà văn miệt Cà Mâu to tổ bố không thua gì thứ ngày xưa mấy ông Trường Chinh , Tố Hữu úp lên mấy bác Nhân Văn- Giai phẩm.
Xua bộ máy “quản lý” xúm vào “đánh hội đồng” , ông Trưởng ban còn lên giọng dậy dỗ nhà văn:
“Tôi thấy nói cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ..., kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu. Quan điểm chúng tôi không phải không cho nói cái xấu, nói không biện chứng.
Tốt xấu bao giờ cũng có cả hai, tỉ lệ phải như thế nào đó. Nói xấu trong tác phẩm này có nhiều tình tiết đã nói quá hiện thực. Không đúng!”
Nhà văn viết không đúng ở chỗ nào ? Ta hãy nghe ông Trưởng ban bắt bẻ:
“Ví dụ như miêu tả gái điếm mà NNT dùng từ “dập dìu trên bờ đê” thì làm gì có. Hay như đoạn viết có nội dung: sau đợt dập dịch cúm gia cầm xong thì một phụ nữ đã buồn tiếc của mà uống thuốc tự vẫn.Thực tế trong cả nước đến nay vẫn chưa có người tự vận như vậy mà chỉ có thể buồn chán thôi. Người nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ đều được bồi thường tiền. Hoặc như chi tiết: ông già chơi đĩ xong đã trả tiền cho đĩ ngay trước mặt con là không có.Từ những chi tiết như thế, chúng tôi cho rằng tác phẩm này không có tác dụng giáo dục xã hội, giáo dục con người. Tôi không viết văn nhưng tôi biết chức năng của văn học là chức năng giáo dục và định hướng.
Mặc dù mặt trái của kinh tế thị trường có cái xấu, cái xuống cấp nhưng đa số vẫn tốt.”
Vậy là ông Trưởng ban nêu lại nguyên xi những yêu cầu của Đảng đối với nhà văn y như thời “văn nghệ Diên An “ : viết văn để giáo dục, để định hướng xã hội chủ nghĩa, viết cái xấu phải có liều lượng để cái tốt vẫn chiếm ưu thế.
Và Ban tuyên giáo ra hẳn một nghị quyết:
“ - Hội Văn học nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển. Tất nhiên, cần phê phán cái chưa tốt, nhưng phải đúng hiện thực và có định hướng cho con người đến cái chân - thiện - mỹ.
- Hội Văn học nghệ thuật nên thường xuyên có định hướng cho người viết, sáng tác nên những tác phẩm hay, có phê phán nhưng phải thận trọng tránh gây nên một phản ứng xã hội gay gắt đối với tác phẩm.
- Thường xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hội viên ở các lĩnh vực (có Nguyễn Ngọc Tư) được tham gia học tập lý luận chính trị, trau dồi đạo đức phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Riêng nội dung trả lời phỏng vấn với một số báo thiếu trách nhiệm, đề nghị Đảng, Đoàn nơi Nguyễn Ngọc Tư sinh hoạt giáo dục và kiểm điểm.”
Tất nhiên đây còn là một dịp may hiếm có cho các ông muốn nhảy ra ‘đánh hôi” lập công dâng Đảng. Người nhảy ra trước tiên là ông Thạc sĩ VƯU NGHỊ LỰC phó giám đốc Sở VH-TT Cà Mau. Ông hô hoán:
“ Chẳng lẽ khi đặt tên cho tác phẩm của mình là Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư lại không biết rằng đối với người Việt, cánh đồng là một biểu tượng văn hoá nhạy cảm?… Vậy hà cớ gì lần này cô phỉ nhổ vào cái cánh đồng ấy tàn tệ đến thế?”
Ông “vạch mặt” nhà văn:
“Cây bút nữ xứ Cà Mau ơi... Những chuyện mà cô kể không còn là chuyện của cánh đồng nữa; tôi nghĩ đó là “vũng lầy bất tận” thì đúng hơn... Mọi thứ do nhân xưng “tôi” cố ý xuyên tạc bằng trí tưởng tượng nhồi nhét, bằng thao tác lượm lặt và một mặc cảm về tính giao bệnh hoạn. Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư tất cả đều dâm ô hết. Hình ảnh nông dân Chí Phèo - Thị Nở trở nên lưu manh hoá bởi giai đoạn xã hội thối nát. Còn những hình ảnh nông dân của Ngọc Tư trở nên dâm ô hoá, ngay hôm nay bởi cái gì, vì ai mà con người chỉ còn quan hệ tính loài? Cô chửi vào họ một cách không thương tiếc: thất học, hung hãn; nghèo đói, dốt nát tăm tối; những đứa tên Hận, tên Thù nhàu úa, cộc cằn, chửi thề là tươi rói... Cánh đồng VN sau 30 năm giải phóng phận người mà như thế?... Cánh đồng của Ngọc Tư là ở đâu vậy; một cánh đồng bệnh hoạn về nhân cách, tồn tại không kỷ, không cương, không pháp luật. Có một thứ cánh đồng của ngày hôm nay như thế sao? “”
Đọc những lời kết tội của ông Phó Giám đốc Sở văn hoá-thông tin, người ta thấy sống lại cả một thời đấu tố “cải cách ruộng đất”. Và đi xa hơn nữa, ông kết cho nhà văn cái tội “phản động” tầy đình:
“Thông điệp của Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận là gì, hiện thực của hôm nay mà như thế thì cô biểu mọi người phải làm sao đây hả Ngọc Tư? Có nhà giáo dạy văn học gửi thư cho các cơ quan lãnh đạo tỉnh Cà Mau cực lực lên án Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, nói rằng cô quá phản động là rất có lý!“
Vùi dập nhà văn chưa đủ, ông Phó Sở này còn lên tiếng doạ nạt cả những người ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư:
“… những người ủng hộ Cánh đồng bất tận hãy lưu ý đất nước mình còn 80% dân số tiếp tục gắn cuộc đời trên những cánh đồng. Đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, thẩm thấu trong đó là văn hoá cánh đồng. Nếu các bạn vẫn bảo lưu đứa con bệnh hoạn này, còn định làm thành phim nữa chứ, thì tôi xin thay mặt 80% nông dân lam lũ mà trong đó có cha mẹ ông bà tôi, cha mẹ ông bà của các bạn hãy vị tình mà bỏ hai chữ “cánh đồng” đi. Nên thay vào đó là “Vũng lầy bất tận”, vì với các bạn thì “cánh đồng đã tận” rồi.”
Sự nổi đoá và những lời đao to búa lớn của quan chức văn hoá tư tưởng tỉnh Cà Mâu giáng xuống đầu Nguyễn Ngọc Tư thực ra chẳng còn gây nên nỗi sợ hãi ghê gớm cho các nhà văn như ngày xưa nữa. Báo Tuổi Trẻ – cơ quan bảo trợ nhà văn này đã lập tức dấy lên một dư luận bảo vệ Nguyễn Ngọc Tư. Và cái sự kiện này chỉ còn mỗi ý nghĩa lớn nhất là bộc lộ não trạng của hàng ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo văn hoá văn nghệ hiện nay vẫn còn hết sức ù lì, mao –ít, nặng mùi trấn áp theo kiểu “văn học Diên An” ngày xưa.