Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

“Từ điển Vũ Chất” và những dư vị đắng chát còn lại

Nguyễn Hoa Lư

MTG - Đầu tháng 10, cuốn “Từ điển Vũ Chất” dày đặc các định nghĩa sai sót đến ngớ ngẫn đã gây nên sự giận dữ của hàng loạt tờ báo.  Ngày 17 tháng 10, “Từ điển Vũ Chất” chính thức bị khai tử bởi quyết định thu hồi và tiêu hủy. Cục Xuất bản còn soạn thêm một công văn hỏa tốc đến tất cả các nhà xuất bản (NXB), yêu cầu nghiêm túc rà soát lại toàn bộ số từ điển đã, đang và sắp sửa tung ra thị trường.

“Từ điển Vũ Chất” đã bị ném vào vạc dầu một cách không thương tiếc. Tuy vậy, sự kiện trên dẫn đến vài vấn đề liên quan rất đáng suy nghĩ.

Trong lúc các NXB liên quan đang ngồi “sám hối” và viết bản tường trình, không ai thắc mắc Vũ Chất là ai? Một tác giả có phép tàng hình? Giờ đây, với một cái tên mới, đang tu luyện công lực, chuẩn bị cho một “vụ bê bối” khác của ngành xuất bản? Đây không phải là chuyện vu vơ “lo bò trắng răng” của những kẻ đa sự, rỗi hơi. 

Nghe bà Mai Thị Hương, trưởng phòng Quản lý xuất bản bộ TT-TT bộc bạch về gia cảnh neo đơn của phòng bà đảm trách, ai mà không cám cảnh. Phòng có 10 nhân sự, trong đó có 4 chuyên viên lưu chiểu và nhập dữ liệu, 6 chuyên viên làm văn bản. Hậu kiểm chỉ là một trong vô số đầu việc của phòng. Phòng mời thêm 12 cộng tác viên. Tất cả 22 con người ấy đã hậu kiểm khoảng 30.000 đầu sách mỗi năm. 

Đến như bà Hương, những lúc cao điểm đã thực hiện một kỳ công đáng ghi vào kỉ lục guiness là mỗi ngày thẩm định cả trăm cuốn sách văn học! Công việc khổng lồ vậy nhưng phòng Quản lý xuất bản rất ung dung, vì theo Luật xuất bản thì “chịu trách nhiệm trước pháp luật” là những người liên quan đến cuốn sách sai phạm trừ những người của Cục.Qua bà Hương, công chúng biết đến sự tồn tại đầy màu sắc bi hài của phòng Quản lý xuất bản thuộc bộ TT-TT.

Sau vụ “Từ điển Vũ Chất”, người đọc thấp thỏm chờ đợi sự phản hồi của các “nạn nhân”. Còn nhớ vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 ở Trung Quốc khiến 53 000 trẻ em bị bệnh, nhiều cháu phải cấp cứu vì suy thận. Có người mẹ mất con kể về việc chắt bóp đồng lương ít ỏi cố dành mua cho được những hộp sữa được quảng cáo là “giải pháp bền vững cho sự phát triển chiều cao và trí thông minh của trẻ nhỏ”. Cháu biếng ăn, người mẹ buộc lòng áp dụng biện pháp cứng rắn, bắt con mình uống bằng hết những hộp sữa nhiễm độc ấy.

Có câu chuyện tương tự về “Từ điển Vũ Chất” không? Rằng người mẹ chở con lên phố huyện mua cuốn từ điển, hăm hở bắt con sớm khuya tra cứu mà càng học càng tối tăm, cái sự chán ghét môn văn trở thành nỗi ám ảnh buồn. May sao “cháu” học được bác sĩ, lại có địa vị cao trong bộ y tế. “Cháu” viết các văn bản trình lên bộ trưởng khiến người đứng đầu ngành y tế suýt đứt mạch máu não. Trong sự choáng váng đó, bà bộ trưởng đã bất ngờ đề xuất sáng kiến cần nhanh chóng đưa môn văn vào kỳ thi tuyển sinh của các trường y khiến dư luận lại một phen như bị lên đồng.

Với 7 phiên bản được phát hiện, hàng chục ngàn “Từ điển Vũ Chất” đã “đồng hành” với bao nhiêu học sinh trong suốt 14 năm qua? Một câu hỏi khác được đặt ra ở đây. Ấy là vì sao đội quân âm binh của Vũ Chất ầm ầm tung ra thị trường trong thời gian dài như vậy mà không bị các giáo viên dạy Văn phát hiện? Những người giáo viên hàng ngày dày công dạy dỗ học sinh biết yêu tiếng Việt, viết đúng tiếng Việt đã không hề để mắt đến cuốn từ điển với những định nghĩa “kinh hoàng” kiểu “bồ bịch là bạn bè thân thích” hay “đồn trưởng là trưởng đồn”! Không hàng ngày tra cứu từ điển, những giáo viên văn ấy có cầm đến một cuốn sách văn học nào đó không? Rất khó trả lời câu hỏi này nhưng những dự cảm về “một số lượng không nhỏ” các giáo viên Văn không hề đọc sách văn học là có thật. Trước khả năng tiếng Việt gây sốc cho bà bộ trưởng Y tế, trước những kêu ca về sự xuống cấp của văn hóa đọc, những dự cảm trên thật xót xa, cay đắng.

Một ngày nào đó, công chúng sẽ chứng kiến những công dân thành đạt trong xã hội đứng trước hàng bia ngàn năm tuổi của Quốc tử giám mà thao thao về “bia là tấm đá khắc tên ngày giờ người chết trước mả”. Đích thị đó là di hại của loại chất độc mang tên Vũ Chất và cả lỗi của những giáo viên dạy Văn đã không đọc… “Từ điển Vũ Chất” vậy!