Thật không may cho anh Tấn trong buổi tối định mệnh đó. Khi tất cả mọi thứ cùng quẩn đổ xuống đầu anh. Mẹ già và con bệnh đang nằm bệnh viện. Trong tay không còn gì để nghĩ đến ngày mai, anh Tấn đã cầm dao chạy ra lề đường và chận 2 người đi đường dừng lại để doạ cướp. Một người bị cướp 20.000 đồng và một người khác bị cướp 30.000 đồng. Anh Tấn muốn dùng số tiền đó để mua đồ đi thăm bệnh cho con vào sáng ngày mai. Thế nhưng chiều hôm sau, anh Tấn bị bắt và bị Toà án xử 7 năm tù vì tội “cướp tài sản”.
Đây là một câu chuyện có thật chứ không phải viết ra từ tiểu thuyết. Thậm chí đó cũng không phải là chủ đề của một cuốn tiểu thuyết về một hoàn cảnh rất xa xưa như của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Người bị xử 7 năm tù là anh Nguyễn Văn Tấn, 25 tuổi ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Sự việc này đã được báo chí đưa tin, nhưng có lẽ đã không có nhiều người biết. Đơn giản vì giữa những câu chuyện đáng hoảng sợ hàng ngày tại Việt Nam như việc chết người do nước dâng ngập đường, công an phát tờ rơi dặn dò người dân từ nay hãy tự lo an nguy của mình, trẻ sơ sinh chết do chích nhầm… thì chuyện một người ăn cướp và bảy năm tù, nghe chừng như cũng còn quá tầm thường và may mắn.
Nhưng hãy thử dừng lại trong ít phút giây, và nghĩ xem, ở sự cùng quẩn nào trong cuộc sống hôm nay, mà khiến một thanh niên chỉ vỉ 50.000 đồng phải chịu hơn 2000 ngày trong ngục tối, thậm chí giờ đây sẽ không biết mẹ già con bệnh rồi sẽ ra sao?
Một người bạn trên mạng internet, có tên là Người Buôn Gió, nhắc tôi rằng nếu như Việt Nam có một Victor Hugo chắc cũng khó có thể viết xuể những điều đau thương hôm nay chúng ta đang chứng kiến. Có cái gì đó rất gần giữa một người đàn ông Việt Nam 2014 vì muốn có chút tiền cho đứa con bệnh đang nằm viện, phải chịu mức án 7 năm tù giam với một người đàn ông tên Jean Valjean, được khai sinh trong văn học vào năm 1862, chỉ vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho người thân đang đói mà phải chịu tù khổ sai trong suốt 19 năm tù. Chỉ là một cái chớp mắt để bay qua thời gian với tốc độ ánh sáng, người ta có thể nhìn thấy những số phận của họ giống nhau. Chỉ có sự khác biệt là một người sống ở chế độ phong kiến thối nát và một ngươi sống ở nền tảng căn bản trên lý thuyết là tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa.
Cùng quẩn là những điều mà chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày, trên các bản tin, nhưng dồn dập đến mức trái tim mỗi người lạnh đi. Máu đã không còn đủ nóng để làm ý thức công dân giật mình về những gì đang có chung quanh mình. Câu chuyện về người mẹ nghèo đến mức tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho con sinh sống, về bữa ăn không đủ khiến bé gái kiệt sức ngã xuống sông mà chết…v.v Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tấn chỉ là một trong 1001 câu chuyện kể Việt Nam, nhưng được kể sơ sài bằng phần đáp trả của luật pháp. Rất nhiều phần khác của ý nghĩa nhân đạo và trách nhiệm vẫn bỏ ngỏ. Nếu sau 7 năm ngồi tù, quay trở ra với hoàn cảnh nghèo khổ như hiện nay, hoặc hơn, không có gì có thể ngăn cản anh Tấn lại tiếp tục cầm dao để xuống đường ăn cướp, nếu anh lại lâm vào điểm cùng quẩn như vậy.
Tìm lại trong các báo cáo thành tích của tỉnh Đồng Tháp, quê quán của anh Nguyễn Văn Tấn, tỉnh này tuyên bố rằng họ thành công rực rỡ trong tiến trình xoá đói giảm nghèo từ hơn 10 năm trước. Tỉnh Đồng Tháp có báo cáo gửi lên chính phủ trung ương là từ năm 2004 đã xây dựng mô hình điểm xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lũ với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sắp xếp lại cụm, tuyến dân cư, tổng vốn đầu tư 15,985 tỷ đồng. Mới đây, tháng 9/2014, Đồng Tháp còn được công nhận là 6 tỉnh hàng đầu của Đồng Bằng Công Cửu Long thành công và được tuyên dương vì giảm nghèo cho hàng ngàn người.
Nhưng giờ đây, thì chúng ta chứng kiến một mảnh đời nghèo khó đến bạo động, như một vết ố trên tấm bằng khen mà rất nhiều người nhận nó, muốn tẩy đi để có trọn vẹn sự hoàn hảo.
Một người bạn ở Nhật, dẫn trên facebook câu chuyện có thật về một người Việt sang Nhật du học, bị cảnh sát ắt vì tham gia đường dây ăn cắp những chai rượu giá 2000 yên Nhật (400.000 đồng). Người sinh viên Việt này không bị ngồi tù, nhưng đã khóc vì được viên cảnh sát người Nhật lớn tuổi nói chuyện về tư cách và lòng nhân ái giữa con người với nhau. Ở một quốc gia coi hành động trộm cắp như tội ác, nhưng với trái tim nhân hậu ấm áp và nền tảng văn minh, người ta vẫn tìm ra cách ứng xử để nâng dậy người đã ngã. Khác với án 7 năm tù cho một thanh niên đã không còn làm chủ được hành vi vì hoàn cảnh gia đình, Kết cục của câu chuyện như một nấm mồ của số phận.
7 năm tù cho 50.000 đồng có đắt quá hay không? Những người đã ngồi ở phòng xét xử trường hợp anh Nguyễn Văn Tấn đã có ai từng ngồi ở phòng xét xử các bị cáo quan chức tham nhũng với các con số hàng trăm triệu, hàng trăm tỉ đồng… rồi sau đó chỉ là án treo vì được coi là có dấu hiệu tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình? Có thể đó là một tập thể điên khi cuồng dại ngấu nghiến tiền của và tài nguyên quốc gia, nhưng chắc chắc họ không hề cùng quẩn. Chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Nguyễn Văn Hiện từng đặt câu hỏi rằng: “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?”. Các báo cáo của Quốc Hội cho biết tham nhũng trong năm 2013 gây thiệt hại là 6.000 tỷ đồng, nhưng chỉ có 10% được thu hồi, còn 90% là mất vì các bị cáo thường là khai tâm thần, không làm chủ được hành vi.
Nhà tranh đấu lừng danh Mahatma Gandhi có câu nói nổi tiếng. “I will not let anyone walk through my mind with their dirty feet.” (tạm dịch: Tôi không để cho bất cứ ai bước qua mình bằng đôi chân dơ bẩn của họ). Anh Nguyễn Văn Tấn không bước vào toà bằng đôi chân bẩn. Đó chỉ là đôi chân run rẩy của định mệnh cùng quẩn xô đẩy anh. Thế nhưng đã có biết bao đôi chân dơ bẩn như vậy đã dẫm đạp trên đất nước này, dẫm đạp lên luật pháp chưa bao giờ biết tù tội là gì?
Nói về bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của mình, nhà văn Victor Hugo viết rằng “Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích”. Thêm một câu chuyện khốn khổ nữa trên đất nước này, liệu đã đủ dày cho bộ trường thiên về những số phận nhỏ nhoi chưa, hay tất cả những số phận đó chỉ thoảng qua, như gió bay đi?