Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Chuột!

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Bổn

A sống trong một xóm nghèo thành phố. Ở đó có những căn nhà lụp xụp, những bãi rác tiếp cận với một dòng kinh nước đen, hai bên dòng kinh có nhiều cống rảnh và nơi đó sinh sôi nảy nở hàng hàng lớp lớp loài gặm nhấm mà A rất ghét: loài chuột.

A tìm mọi cách trừ khử. Anh, nuôi mèo, đặt bẫy, đánh bả… nhưng không cách gì giết hết bọn chúng. Chúng quá đông và chúng đâm nhờn với cả con người. Đôi khi đang ngồi đọc sách, có những con chuột cống to như con chó con chạy ra, tung tăng cách A chừng ba mét, ngước nhìn anh như giễu cợt. Loại này đến mèo còn sợ. Khi A vung tay ném vào nó cái gì đó, nó mới chuồn êm vào ngách tường. Hết cách này đến cách khác, chuột vẫn cứ sinh sôi, đến nổi đã có lúc A muốn dọn nhà đi bởi nghĩ việc chống lại bọn chúng là vô ích.

Một đêm, ngủ gục bên bàn làm việc, A mơ thấy mình và đứa con gái bé nhỏ của mình đi đến một vùng quê cằn cỗi. Hai cha con đều khát khô cổ. Rồi anh nhìn thấy một căn nhà không đóng cổng. Anh dắt con đi vào đó, dự định xin gáo nước. Bất ngờ có một con chó vàng xồ ra, tấn công hai cha con bằng những cú đớp. A đẩy đứa con gái ra sau lưng, chống cự với con chó để bảo vệ con. Nó lao đến, gặm được vào bắp chân A. Bằng tất cả sức lực của mình, A nắm cổ con chó, quăng nó ra xa, bắp chân anh có ba vết răng chó, rướm máu, nhưng cách A chừng hai mươi mét, con chó chết nhăn răng. Một bầy chuột chạy ra, hè nhau ăn thịt con chó vàng. Cũng ngay khi A mơ giấc mơ lạ lùng đó, có một con chuột đã bò vào, và gặm chân A. Không biết vì anh quá mệt mỏi và ngủ mê, chỉ choàng tỉnh khi cảm thấy đau, con chuột phóng mình bỏ chạy, ngón chân cái của A bị gặm tơi cả da và thịt, nó rướm máu và đau rát…

Chiều hôm đó, cứ ngẫm ngợi về giấc mơ, A rời nhà đi lang thang dọc theo dòng kinh đến cái đoạn mà chính quyền đang cải tạo nó. Những căn nhà bị giải tỏa đã rời đi, để lại những khoảng đất trống nham nhở mọc đầy cỏ dại và rác. Do giải tỏa, ngôi chùa cổ có kiến trúc theo kiểu Khơ me cũng bị đập tường và lộ ra. A từng đến ngôi chùa này, người địa phương gọi là chùa Miên, nơi đó tất cả sư sải đều là người dân tộc Khơ me. Có nhiều vị sư già, người Khơ me gọi là À cha hay sư cả. Trước mắt A, một sư cả đang ngồi trên nền đất, và anh cực kỳ kinh ngạc, khi vây quanh vị sư già có rất nhiều chuột, bởi ông đang cho chúng ăn.

Vị sư đó A đã vài lần tiếp chuyện. Ông tu theo Phật giáo nguyên thủy, một vị chân tu thông hiểu Đạo Pháp. Ổng chỉ sống bằng khất thực và thu nhận cúng dường từ đồng bào mình. A đến trước ông, chắp tay chào.

Vị sư nhận ra A, ông khẽ mỉm miệng cười, và cũng chắp tay chào lại. Đàn chuột thấy người lạ, bỏ chạy tán loạn, nhưng rồi lại mon men trở lại, giành nhau chí chóe những chiếc bánh mì, thau sữa, và cả một chiếc nia đựng cơm…

A ngồi xổm xuống gần ông, quan sát đàn chuột, thứ mà anh từng khinh ghét. Trong sự che chở của nhà sư, tuy chúng vẫn tranh ăn cùng nhau nhưng nhìn chúng không gian giảo như khi chúng đột nhập vào nhà anh, dù vậy chúng vẫn bốc ra một mùi hôi tởm lợm.

A hỏi: “Bạch thầy, lòng từ bi của thầy quả là vô lượng. Nhưng với con, con chỉ muốn cho cái đám dơ bẩn này biến khỏi thế gian”

Sư cả cười móm mém vì không còn chiếc răng nào: “Mọi hữu tình đều cần xót thương, những của bố thí này là của nhân gian, các sư trong chùa dùng không hết nên phải chia đều cho chúng sinh”.

Nhìn thấy A cố ghìm cơn mửa vì mùi chuột, sư phủi tay đứng dậy dẫn A lùi vào bên trong, nơi có một chiếc ghế đá. Ông nói: “Nhìn ánh mắt thí chủ, có thể biết thí chủ căm ghét loài chuột như kẻ thù. Nhưng người tu hành như sư thì không có kẻ thù”.

A nói: “Con đã giết nhiều chuột, dĩ nhiên theo cách nhìn của thầy là đã phạm giới sát sinh, nhưng quả là không thể giết hết bọn chúng và cũng không thể sống cùng bọn nó”

Sư cả nói: “Nhân quả vốn dĩ khó phân”

“Như vậy thầy cho rằng việc làm của con là vô ích?”

Sư cụ mỉm cười: “Không có bất kỳ việc làm nào trên đời này là không tạo quả. Nhưng nó có ích hay vô ích là từ tâm mà suy luận”

Rồi ông nhìn vào đám chuột đang say sưa ăn uống. Chúng có vẻ đã no nê nên không còn cắn nhau nữa. Ông nói: “Dù thí chủ giết hay không giết chuột, nhưng những chúng sinh tội nghiệp này có thể đang ăn bữa ăn cuối cùng của chúng”

“Thầy nói vậy nghĩa là sao?”.

Sư cả ngước nhìn bầu trời, rồi nhìn A: “Chuột không thể chết hết với những cách thông thường như của thí chủ. Chúng thường chết nhiều, có khi gần hết khi một cơn lũ lớn về đây. Lũ làm ngập tất cả ống cống trong khu vực, và chúng chết ngạt. Có hôm, sư mang sữa, bánh mì, cơm nguội ra đây nhưng không có con chuột nào đến ăn”

A ngẫm nghĩ lời sư, anh thấy ông nói rất đúng. Anh buột miệng: “Vậy chừng nào thì lũ đến?”. Cảm thấy  mình vừa thất lễ, anh sửa lại: “Bạch thầy, chừng nào cơn lũ sẽ đến?”

Sư cả nhìn anh, hiền từ, ông xoay người, đưa tay chỉ: “Giọng thí chủ đầy sát khí, nhưng thí chủ cứ nhìn lên bầu trời hôm nay, nó có vẻ rất bình yên, nhưng hãy hướng tầm mắt thấp xuống, ở phía kia, mây đen đang tụ, một cơn bão lũ đang đến, đúng, có thể đây là bữa ăn cuối cùng của chúng”.

A nhìn theo tay chỉ của sư cả. Anh chỉ nhìn thấy một chân trời mây xám. Sư nói: “Thí chủ rảnh chân xin mời vào trong chùa uống trà, sắc mặt thí chủ không tốt, gió chiều e có độc”.

Nhưng A cám ơn ông, xin lỗi vì đã quấy rầy rồi trở ra. Những con chuột no nê đã rời đi hết về phía miệng cống. Anh lại đi dọc bờ kinh, đến cái rào chắn rồi quay ngược về. Phía sau lưng A chân trời vẫn u ám nhưng tĩnh lặng.