VOV.VN - Đi sâu vào cuốn sách, mới vỡ nhẽ vậy mà không phải vậy. Đâu chỉ chuyện vặt ấy. Đến đại sự quốc gia, quốc tế cũng y chang.
Ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua, tôi nhận được cuốn sách in đẹp chỉn chu của nhà báo Phạm Quốc Toàn gửi biếu qua đường bưu điện - thật khó có món quà nào tao nhã hơn nhân dịp vui này. Tên sách nghe ngồ ngộ: Tôi nói bằng mồm tôi. Tác giả viết những gì trong này nhỉ. Trong khoảnh khắc ba năm, anh cho in bốn cuốn sách. Chuyện nghề, chuyện đời, chuyện tình nghĩa bạn bè đều có nói cả. “Tôi nói bằng mồm tôi”. Nhìn qua bìa sách, tôi nghĩ chắc lại đề cập chuyện nghề thôi, bởi liên tưởng ngay đến một số đồng nghiệp thân thiết của tôi, không ít người nói bằng miệng mình nhưng ý tưởng, nội dung toàn mượn tạm của người khác.
Vội lật mấy trang mục lục - với những 125 tên bài - tìm bài có đúng cái tít được đưa làm tên sách. Thì ra chuyện quá bình thường: Tại một bệnh viện an dưỡng nọ, các bác sĩ, y tá, nhân viên kháo chuyện ồn ào trong giờ làm việc y như ngoài chợ, đến nỗi có bệnh nhân không sao chịu nổi, lựa lời góp ý. Vậy là bà bác sĩ tung luôn một câu: “Chúng tôi nói bằng mồm chúng tôi. Chúng tôi làm bằng tay, nói bằng mồm, mắc mớ gì đến ông?”.
Vâng, quá bình thường, chẳng mấy khác “chuyện thường ngày ở huyện” thời Liên Xô ngày trước hay “ra ngõ gặp phiền hà” ở nước ta ngày nay, nói cả đời không hết. Thì chẳng phải đã lâu lắm, từ diễn đàn Quốc hội, phiên họp Chính phủ đến các báo chí, truyền thông vẫn bàn dài dài chuyện văn hóa bệnh viện, văn hóa trường học, văn hóa cửa công đó sao?
Đi sâu vào cuốn sách, mới vỡ nhẽ vậy mà không phải vậy. Đâu chỉ chuyện vặt ấy. Đến đại sự quốc gia, quốc tế cũng y chang. Có một vị tướng chóp bu nọ, ngang nhiên đối đáp với người đồng cấp nhân dịp ông mang chuông đi đấm nước ngoài, khi bị cật vấn về mưu đồ của Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan trái phép tại Biển Đông, ông tướng đã lớn tiếng tuyên ngôn: “Chúng tôi nói bằng mồm chúng tôi, chuyện của chúng tôi, can hệ chi mà các vị chõ vào?”.
Bàn tới đây, Phạm Quốc Toàn hạ bút: Hết nói! Tác giả đã bảo vậy thì độc giả đành vâng, tuy nhiên, nó vẫn không làm sao ngăn tôi không nhớ đến một kỷ niệm thời thơ ấu. Mấy tháng nghỉ hè, tôi hay theo chị gái la cà ra xem chợ làng quê năm ngày mới họp một phiên đông vui lắm. Và lần nào tôi cũng giật thót người, tim như thắt lại khi nghe bà hàng cá sa sả mắng người đồng cấp - tức là các bà vẫn ngồi dàn hàng một dãy bán cá, bán lươn cạnh nhau: “Tao nói bằng mồm của tao, căn cứ chi mà mi chõ cái mõm thối của mi vô!”. Quả đúng như lời cô giáo giảng ở lớp, con người là loại sinh vật dù sinh ra ở đâu vẫn có những nét tương đồng.
Tác giả gọi các bài viết của anh là tiểu phẩm, đúng kinh sách. Tuy nhiên đọc anh, tôi những muốn gọi các bài in trong tập ấy bằng nhiều tên khác nữa: tạp bút, ngẫu hứng, ghi nhanh, thời luận, phiếm luận..., và tại sao không, thông tin thời sự. Mách có chứng cứ hẳn hoi. Này nhé. Vẫn bài vừa đề cập ở trên, đáp ứng đầy đủ yêu cầu 5 chữ W của báo chí hiện đại.
Who - Tướng X. (Họ tên đầy đủ kèm cấp bậc, chức vụ hoành tráng).
When - Ngày 15-5-2014.
Where - Washington D.C., Hòa Kỳ.
Why - Trả lời một chính khách Mỹ chất vấn.
What - Về mưu đồ của Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà.
Who, Which... đủ cả. Vậy chẳng phải thông tin thời sự là gì? Hơn nữa, viết tiểu phẩm, phiếm luận người ta thường phiếm chỉ, phiếm danh, không ít bài trong cuốn sách của Phạm Quốc Toàn bàn chuyện vĩ mô hay vi mô vẫn có người, sự kiện, thời gian, không gian rành rọt.
Vĩ mô, đại thể như chuyện vị lãnh đạo bộ nọ điều trần trước phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rằng Đề án đổi mới sách giáo khoa tốn phí đến 34.725 tỉ đồng. Nhiều người ngỡ ngàng: ngân sách Nhà nước đang thời kinh tế khó khăn, liệu có kham nổi. May quá, chỉ mấy hôm sau, đích thân ngài bộ trưởng bộ ấy giải trình trước quốc dân đồng bào qua màn ảnh truyền hình quốc gia rằng, bộ tôi chưa bàn kỹ và chưa bao giờ trình Chính phủ khoản chi tiêu 34.725 tỉ đồng đó. Hay là chuyện một vị lãnh đạo bộ khác thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, ASIAD-18 (Đại hội thể thao châu Á) bốn năm mới có một lần, mà nước ta lần này trúng đăng cai, là tạo được cơ hội vàng cho Việt Nam tỏa sáng trước bạn bè quốc tế,... Và do ý thức được nước ta còn nghèo, cho nên bộ dự kiến kinh phí chỉ vào khoảng 150 triệu USD, trong đó ngân sách Nhà nước bỏ ra 28%, còn lại bao nhiêu là từ nguồn xã hội hóa. Nhiều ý kiến phản biện: Từ trước tới nay chưa một quốc gia nào chi cho một kỳ ASIAD dưới 2 tỉ USD, gần đây nhất là ASIAD-17 tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc đã tiêu tốn đến 27 tỉ USD. Vậy là người đọc có thể hiểu, con số 150 triệu USD mới là dự toán sơ sơ, hãy hăng hái bắt tay vào việc đi, đã ngồi lên lưng hổ rồi, ra thực địa cần đến đâu chi đến đó.
Chuyện vi mô thì làm sao có thể dẫn hết trong một bài. Từ việc đào đường, phí gửi xe máy, thủ tục một cửa, lương bổng lộc… đến cái phong bao quen thuộc với cuộc sống đương đại nay đã phát triển thành chiếc va ly, mà tiền đô la Mỹ lại vốn nặng cân cho nên phải kéo chứ làm sao xách - trích lời của bị can Dương Chí Dũng khai trước tòa.
Từ những cảm nhận về chủ đề, tính cách, hình thức các bài viết, tôi muốn kiến nghị tác giả gọi tác phẩm “còn thơm tươi mùi mực” của anh, tiếp sau chuyện nghề, chuyện đời, chuyện nghĩa tình, là “chuyện thế gian”. Chuyện thế gian vô biên, gì chẳng bao gồm trong đó, và “thế sự du du”, biết đâu rồi đây sẽ chẳng có chuyện tồn tại dài lâu như... ngàn năm bia miệng.
Đọc cuốn Tôi nói bằng mồm tôi, nhiều lần tôi cảm thấy mặt mình rần rần. Chắc chắn không phải hội chứng tăng huyết áp, cho nên chẳng phải vội vàng buông sách nuốt một viên thuốc định thần, an thần chi đó theo đúng lời dặn của mẹ hiền. Chẳng qua một thoáng ngượng ngùng. Nhiều thói tật Phạm Quốc Toàn đề cập với cái giọng tỉnh bơ mà chua cay đáo để của anh, sao hình như thấp thoáng có mình trong đó. Hay là ông bạn định chơi xỏ nhau?
Mặc cảm buộc tôi thay đổi ý định. Thú thật, khi mới nhận được cuốn sách, tôi định bụng chuyến này ta sẽ không viết bài điểm sách, cho dù thú vị đến đâu. Mấy cuốn trước của bạn, ta đều có đôi điều cảm nhận. Có bao suy nghĩ đều đã nói ra rồi, nay còn gì trong đầu nữa mà điểm mà bình. Hơn nữa, biết đâu thế gian chẳng có người bảo hai ông bạn này đánh bóng nhau. Mà thời này việc ấy dễ ợt. Chỉ cần phun một lớp sơn công nghiệp, nếu cần nữa thì cho con chuột chạy qua photoshop một vòng, tung lên mạng, vậy là đủ cho thiên hạ chiêm ngưỡng đồng bóng chân dung ông bạn vàng.
Khốn nỗi, đọc sách tôi lại thấy có hình mình hiển hiện. Nếu lần này ta không viết thì có khác chi lạy ông tôi ở bụi này. Rồi sẽ có ai đó bỉu môi: lão già bị chạm nọc cho nên miệng câm như hến. Vậy là ngồi luôn xuống bàn viết. Hơn nữa, và đây mới là thực chất: đọc đến trang cuối, thâm tâm tôi cảm thấy vừa nảy ra bao ý mới toanh muốn sẻ chia luôn với người khác. Thôi thì coi như ta tập phiếm luận về một tập phiếm luận chuyện thế gian, hay là xếp một tiểu phẩm qua quýt cạnh mớ tiểu phẩm thâm trầm của Phạm Quốc Toàn./.