Thật ra luận văn “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” của tác giả Nguyễn Phú Trọng (đương kim Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Văn khóa 1964 -1967 cũng bình thường như luận văn của các sinh viên khác trong Khoa. Trong đó có nhiều sinh viên xuất sắc như : Thái Ninh (sau này là Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1991 - 1992), Phan Cung Việt (nhà thơ –nguyên phóng viên báo Tiền Phong), Nguyễn Ngọc Thiện (nhà văn – Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam), Ngôn Vĩnh (nhà văn – nguyên Tổng biên tập báo Công an nhân dân)…
Khóa học có rất nhiều người tài, và có một người duy nhất làm nông dân thứ thiệt. Tôi đã viết bài về khóa học này in trên báo Giáo dục & thời đại cách đây độ hơn mười năm.
Tố Hữu là nhà thơ lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều đó không ai bàn cãi. Các nhà thơ, nhà văn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Trần Dần, Nguyễn Đình Thi…đã viết nhiều bài hay và đúng về thơ Tố Hữu. Xuân Diệu – Tình thương mến trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên – Tố Hữu con chim vụ đường bay nhưng bộ lông cánh rất đẹp…
Bài luận văn của tác giả Nguyễn Phú Trọng không có phát hiện gì mới về thơ Tố Hữu.
Bên cạnh sự thành công học tập ca dao, dân ca làm cho thơ Tố Hữu thẩm đầy phong vị ca dao, dân ca, được đại đa số người đọc nằm lòng thuộc thơ ông thì cũng nên chỉ ra những hạn chế khi Tố Hữu sử dụng ca dao, dân ca chưa nhuần nhụy, nhiều chỗ không chính xác hoặc à ơi, vần vè, chung chung…
“Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…”
Sao lại nhớ thầm? Chỉ có trai gái yêu nhau mới thầm thương, trộm nhớ. Đây là nhớ mẹ kia mà? Ngay cả nhớ vợ, người ta cũng không nhớ thầm, người ta công khai:
“Tôi nhớ vợ tôi quá
Cho tôi về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốm
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn trúng Tây
Vì tay có hơi vợ…"
(Cầm Vĩnh Uy)
Bài thơ Việt Bắc là bài thơ nói tới cái nhớ thương chung chung.
Nhớ thương rất nhiều, nhưng nhớ toàn nhớ trời, nhớ đất, lãnh tụ, nhớ rừng, nhớ cây đâu đâu, chứ không có nỗi nhớ nỗi thương cụ thể nào. Cũng như nhiều kẻ nói thương cả trái đất, tinh cầu, nhưng thật ra chẳng thương ai cả!
Bài thơ Việt Bắc đã có nhà phê bình nói rằng: “ Người ta chỉ cần cốc sữa chứ không cần một chum nước pha cốc sữa vào. Ngửi đâu cũng nghe mang mang mùi sữa nhưng không có sữa thật!” (Đông Hồ)
Luận văn đã không có phát hiện gì mới mà tác giả lại không chỉ ra mấy câu thơ ca ngợi Stalin của Tố Hữu là không đúng với tình cảm của người Việt của con người. Tác giả còn nâng lên tư tưởng cách mạng dễ hóa ra một nếp nghĩ hồn nhiên, thương mình thương một, thương ông thương mười.
Ca dao người Việt nói:
“Thương người như thể thương thân
Thấy người hoạn nạn thì thương”
Thế đã nhân ái lắm, bao dung lắm. Nhân ái và bao dung tột đỉnh. Không có gì hơn.
Vì lý do chính trị, vì nhiều lý do, nhà thơ Tố Hữu quá ca tụng lãnh tụ Stalin:
“...Hôm qua tiếng gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao!
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao ông đã làm sao, mất rồi
Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi ông mất đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười!...”
(Đời đời nhớ ông –Tố Hữu)
Thơ này các cháu mẫu giáo bé cũng biết phân tích đúng sai!
Thế mà tác giả Nguyễn Phú Trọng viết trong luận văn:
“Hình thức hát ru làm cho nội dung trở thành tất yếu phải có gắn bó mật thiết với đời sống tình cảm của nhân dân. Nó như những chuyện thường tình – chuyện “cày cấy”, ra chợ bán chè, bán rau, chuyện thương cha, thương mẹ , thương chồng” – từ đời nảo, đời nào trong đời sống và tình cảm của cha ông chúng ta. Nó đã thành máu thịt trong con người chúng ta. Cái cao xa đang trở thành gần gủi, cái mới lạ đang trở thành quen thuộc. Tình cảm gia đinh quyện với tình cảm xã hội, cái riêng hòa vào cái chung, tư tưởng cách mạng dễ hóa ra một nếp nghĩ hồn nhiên:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình , thương một, thương ông thương mười
Yêu con, yêu nước, yêu đời
Yêu bao nhiêu lại thương người bấy nhiêu…”
Dù ông Phật đi nữa thì cũng thương không thể thương mười như thế được!
Nếu luận văn của tác giả Nguyễn Phú Trọng chỉ ra những hạn chế trong thơ Tố Hữu thì chất lượng của luân văn này sẽ nâng cao hơn!
Còn luận bàn về Stalin thì cách đây hơn 30 năm tờ MOLODOI – Tuổi trẻ của Nga đã trưng cầu độc giả là ai ác nhất thế kỷ XX, người ta đã bình Stalin đứng đầu, Hítle đứng thứ hai!
Nhà thơ Tố Hữu làm chính trị chọn lãnh tụ để ca ngợi, Nguyễn Phú Trọng làm chính trị chọn Tố Hữu làm luận văn. Sao không chọn Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu…?
Và tác giả Nguyễn Phú Trọng đã thành công khi từ bỏ văn chương nghiên cưú để trở thành nhà chính trị!
Đại học Tổng hợp Văn là nơi đào tạo ra người nghiên cứu văn học, chứ không đào tạo nhà chính trị. Nhưng khoa văn Đại học Tống hợp lại có nhiều nhà chính trị hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Thái Ninh…
Cũng hay là ông Nguyễn Phú Trọng bỏ văn chương để làm chính trị. Nếu theo văn chương nghiên cứu, may mắn lắm ông kế cận được thầy dạy mình là Hà Minh Đức hoặc Phạn Cự Đệ (Phan Cự Đệ đã từng lùng bắt và trói Giáo sư Trương Tửu thầy dạy mình nộp cho Công an). Nhưng hai thầy giáo và hai nhà phê bình này và các ông Hồ Sỹ Vịnh, Trần Đình Sử, Phong Lê…là những nhà phê bình Mậu dịch quốc doanh tem phiếu thứ thiệt!
Luận văn đại học của sinh viên dù kém, dù giỏi gì thì cũng chỉ ở trong phạm vi nhà trường để xét tốt nghiệp, chẳng ai bắt bẻ việc này. Đáng phê phán là phê phán Tạp chí Thơ đã in luận văn này và còn viết rất ẩu:
“Tiểu luận này đã được tác giả Nguyễn Phú Trọng viết từ hơn bốn mươi năm trước, song có lẽ giờ đây vẫn còn mang ý nghĩa sâu sâu sắc với chúng ta trong tiến trình phát triển và định hướng thơ hôm nay!”
Đúng là “ Nịnh vua lại hại hơn mười phụ vua!”
Hà Nội, ngày 5 tháng 9 năm 2014
Đ–H (Văn Nghệ Cuộc Sống)