Đó là một cuốn tiểu thuyết hay tự truyện gì đấy, vì chưa đọc nên tôi cũng không rõ. Nhưng nó đang gây dư luận xôn xao khắp đó đây, không phải vì người ta đề cử giải Nô–ben cho nó. Dĩ nhiên bây giờ “Đèn Cù” đã là một từ khóa được tra tìm rất nhiều trên Google, song tôi lại nghe về nó từ trước qua miệng những người của “Bên Thắng Cuộc” trong lúc không phải “trà dư tửu hậu”, người ta có những khi háo hức gặp nhau vì sự nóng sốt của “Đèn Cù”. Chẳng là gần đây tôi có công việc mới: Chạy bàn cà phê. Công việc này làm cho thời gian đọc của tôi ít hơn, nhưng tôi lại nghe nhiều hơn.
Tôi cũng chưa đọc “Bên Thắng Cuộc”, dù blog của tôi có đường link dẫn tới nó. Trong email của tôi đã có một bản “Đèn Cù” năm trăm chín mươi chín trang, không rõ số chữ mỗi trang là bao nhiêu. Không những thế, tay tôi từng được cầm đến bản in sách giấy photocopy của “Đèn Cù”. Nghe nói tác giả đã đồng ý cho phát tán tác phẩm này mà không đặt nặng vấn đề bản quyền, lý do là “Đèn Cù” được xuất bản ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Ở Việt Nam, có thể “Đèn Cù” sẽ bị cấm phát hành giống như số phận của nhiều tác phẩm khác. Như vậy là tôi có đầy đủ điều kiện để đọc “Đèn Cù” cùng lúc nghe những tin đồn giật gân về nó, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa đọc.
Tôi không đói khát thông tin trong thế giới này, trong khi phải “bắt sóng” với nhiều thế giới khác nhau thì một cây đèn cù không đủ sức hâm nóng tôi được. Nhưng nhiều người quanh tôi thì đang nóng, đang lạnh, hoặc sững sờ, hoặc bức xúc và có nhu cầu tìm gặp những người bạn để giải tỏa. Cái “Đèn Cù” đó có bí mật gì ghê gớm vậy? Ồ không! Không phải chuyện ghê gớm. Họ bảo tác giả của “Đèn Cù” vốn là người chuyên viết hồi ký, tự truyện cho các chính trị gia Việt Nam, trong số các chính trị gia đó có ông Hồ Chí Minh. Rồi không hiểu có phải tình cờ không, trong bầu không khí hoang mang ấy, bỗng nhiên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản tổ chức triển lãm về cuộc cải cách ruộng đất cách đây hơn nửa thế kỷ, mà cuộc triển lãm này không rõ tổ chức ra sao và trưng bày những gì mà khắp các trang mạng “lề trái” cũng như nhiều blog cá nhân dày đặc những bài viết thể hiện sự giận dữ. Trong lúc lang thang lướt mạng “sưu tập tin đồn” để chế biến thứ “cà phê” riêng cho blog này, tôi đã hít phải bầu khí nóng của tầng “khí quyển” đó.
Vấn đề không phải ở “Đèn Cù” hay ở cuộc cải cách ruộng đất, vì đó là những chuyện xưa rồi. Mà là chuyện bỗng dưng người ta có cách nhìn mới khác cách nhìn trước kia về những người xưa cũ, những người đi đầu xây dựng nền móng chế độ của nước Việt Nam hiện nay. Vài lần tôi nhìn thấy gương mặt thẫn thờ của chủ nhà nơi tôi tá túc, ấy là mỗi khi ông đọc xong một đoạn của “Đèn Cù”. Ông ngang tuổi cha tôi, thật thà và tốt bụng. Thời còn trẻ ông hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Ông nói trong cuốn sách ông đang đọc có những chuyện “thâm cung bí sử” mà ông chưa từng biết đến. Nếu tôi ở vào địa vị như ông, chắc cuốn sách ấy cũng làm tôi xáo động và khó có thể trì hoãn việc đọc nó. Nhưng tôi ở không gian tâm linh khác và sự ảnh hưởng của những “thần tượng” chỉ còn rất mờ nhạt đối với tôi, cho nên việc một cuốn sách viết ra những chuyện không phù hợp với hình ảnh thần tượng dân tộc một thời không làm tôi ngạc nhiên. “Thần tượng” tức là giả, không thật. Nếu người ta kể ra chuyện thật thì đương nhiên chuyện ấy không thể giống “thần tượng”.
Tôi chưa đọc “Đèn Cù”, nhưng tôi đã đọc thấy sự thất vọng và đổ vỡ trong những độc giả của nó. Họ đọc cuốn sách ấy không phải để thưởng thức văn chương mà là để đọc những câu chuyện về cuộc đời họ, hoặc liên quan đến cuộc đời họ do một nhân chứng sống kể lại. Mà cuộc đời họ thì in dấu ấn lên thế hệ chúng tôi.
Hồi còn nhỏ, tôi rất yêu quý hình tượng Bác Hồ. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những ảnh hưởng tích cực của hình ảnh ấy đến tôi và không hề bực mình về bài hát “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, dù bài hát này ngày nay trong dư luận có nhiều người phê phán chỉ vì bất đồng chính trị. Một đứa trẻ rất khó có thể có định kiến về một bài hát trong đó có tên của một người mà mình chưa hề gặp, song đồng thời cũng hiểu rằng bài hát là chuyện “văn nghệ”. Chưa từng có ai được nghe tôi bày tỏ tình yêu của tôi với nhân vật Bác Hồ, ngoại trừ con mèo của tôi. Lúc ấy tôi khoảng mười tuổi, tôi có một con mèo mướp bé nhỏ khôn ngoan và giỏi làm nũng, tôi không bao giờ chán khi chơi với nó. Một lần nó nằm ngủ trong lòng tôi, tôi cảm nhận rõ thân mình nó rất mềm rất ấm, và nhận ra tôi quyến luyến nó vô cùng. Tôi thủ thỉ với nó thành lời: “Mày biết không, sau Bác Hồ thì tao yêu mày nhất”. Không hiểu sao tôi lại rất nhớ câu chuyện trẻ con đó, có thể vì tôi chưa bao giờ phân tích nổi logic tình cảm của đứa trẻ, cho dù tôi từng là đứa trẻ ấy. Nếu ông Hồ Chí Minh còn sống mà nghe thấy lời nói trẻ con như vậy, dù không tự hào thì ông ấy cũng không thiệt hại gì, còn loài mèo thì tất nhiên không kiện tụng tôi.
Từ nhiều năm nay tôi không còn là đứa trẻ nữa. Tôi đã biết phân biệt giữa hình tượng và con người thực tế. Con người thực rất nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ. Một người có thể điều khiển thế giới, nhưng chỉ là thế giới nhỏ bé hữu hạn mà tạo hóa dành riêng cho từng người, chứ không thể điều khiển thế giới của cả nhân loại hay đại vũ trụ. Để bù đắp cho sự yếu đuối của mình, con người thích tin vào những thần tượng và muốn những thần tượng đó có thật để dẫn dắt và che chở cho họ. Nhưng một con người thật còn phải loay hoay với rất nhiều tình tiết trong đời sống của họ, làm sao có thể sống như một hình mẫu mà người khác mong muốn, cho dù chỉ là mong muốn của một người chứ chưa nói đến muôn người. Điều đó là không thể. Thật dễ khi ở ngoài cuộc và bình luận rằng một người phải hành động thế này và không được phép hành động thế kia. Nhưng nhìn vào sự thật cuộc đời chúng ta thì hành động đúng liệu có dễ không?
…
Nhiều người Việt Nam yêu thần tượng Hồ Chí Minh của dân tộc, tình yêu của họ hẳn là ít ngây thơ hơn tình yêu của tôi khi còn là đứa trẻ. Nhưng giờ đây tôi vẫn được chứng kiến sự đổ vỡ trong tâm hồn họ khi sự kết nối giữa hình ảnh thần tượng và hình ảnh con người trong đời thực bị lung lay. Họ có đủ sức hình dung ra việc ông Hồ Chí Minh, một con người bình thường như mọi người, phải sống cuộc sống khác thường để không làm hỏng sức mạnh của thần tượng?
Tôi không biết các nhà lãnh đạo của nước Việt Nam có ngây thơ thật không khi họ muốn toàn dân phải học hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh. Bất kể tư tưởng của ông Hồ Chí Minh có tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là tư tưởng của một cá nhân, làm sao có thể áp đặt nó cho cả một dân tộc? Ấy là chưa nói đến chuyện người ta có khả năng biết được chính xác tư tưởng của ông Hồ Chí Minh hay không mà học hỏi? Nếu một người đủ sức hiểu được tư tưởng của ông Hồ Chí Minh rồi thì chắc gì họ cần phải học nữa, còn nếu không hiểu thì họ làm sao mà học? Chả nhẽ ngoài ông Hồ Chí Minh ra thì nhân loại không còn ai xứng đáng để người dân Việt Nam học hỏi hay sao?
Có phải các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn biến ông Hồ Chí Minh thành hình tượng của một tôn giáo – “tôn giáo cộng sản”? Nếu quả thật họ muốn thế thì họ không thể thành công, đơn giản vì đó là bài học đã lỗi thời. Ngay bản thân các tôn giáo còn muốn đổi mới cho phù hợp thời đại, lẽ nào “chủ nghĩa xã hội khoa học” dùng lại bài cũ của tôn giáo? Cách đây mấy ngày, Đạt Lại Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, tuyên bố ông muốn là nhà lãnh đạo tâm linh cuối cùng của định chế Lạt Ma hóa thân. Hành động này chứng tỏ ông là người thật sự muốn mang lại tiến bộ cho dân tộc.
...
Tôi chưa đọc cuốn sách của tác giả Trần Đĩnh nhưng có ấn tượng với tên truyện. Người dân Việt Nam có thể đổi mới thật sự để xây dựng một xã hội tiến bộ hơn hay không? Nếu con người không đổi mới, dù có thay đổi mô hình xã hội bao nhiêu lần thì chỉ là những hình ảnh thay nhau chạy vòng quanh như các hình vẽ trên chiếc đèn cù mà thôi.
Nguồn: Hơi thở của vụ trụ