Một video clip dài 40 giây, quay cảnh đại biểu Quốc hội (QH) Đỗ văn Đương trước đám đông người biểu tình phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Đám đông chỉ cỡ vài chục người, đa phần là phụ nữ trung tuổi. Họ không có thái độ giận giữ, mà rất ôn hòa. Cách đặt câu hỏi của họ cũng không tỏ ra quá khích. Nghĩa là ông nghị Đương khi đó không hề đối diện với sự mất an ninh bản thân.
Tuy nhiên, ông nghị này đã vội chui vào xe, đóng cửa xe, và… chuồn. Trên khuôn mặt ông ta là nụ cười. Tuy nhiên, đó là nụ cười gượng gạo, có phần ngô nghê!
Trong số gần 500 đại biểu, mỗi kỳ họp QH, người ta chỉ thấy một số rất ít trong số 500 đại biểu trên có phát biểu, còn hầu như ngồi nghe. Số đại biểu phát biểu đã ít, nhưng nội dung phát biểu thực sự có giá trị lại càng ít hơn. Ông Đương là người khá chịu khó phát biểu. Nhưng đáng tiếc, người ta khó tìm thấy “ý đẹp lời hay” trong những phát biểu của ông, nếu không muốn nói, trong những phát biểu của ông đã đem đến cho cử tri sự thất vọng trong suy tư “không biết dựa cột mà nghe”. Người “không biết” chưa hẳn là người ngu, nếu “biết dựa cột mà nghe”.
“Ông nghị rau muống” là biệt danh mà dân chúng đặt cho ông từ một phiên QH. Sự so sánh luôn khập khiễng. Ông Đương đã làm cho so sánh khập khiễng hơn bao giờ hết, khi ông lấy giá một đĩa rau muống tại VN so với giá của cùng loại sản phẩm ấy trên cùng một đơn vị tính, ở một nơi khác, mà quên đi sự trưng dẫn mức thu nhập (income) của những nơi ông làm sự so sánh…
Tưởng sau “vụ” so sánh về hai đĩa rau muống ở hai quốc gia, ông đã kịp “suy ngẫm” lại mà rút kinh nghiệm cho những phát biểu lần sau. Thế nhưng trong phiên gần đây nhất của QH, ông vẫn “chứng nào tật ấy”, không chịu “dựa cột mà nghe”. QH thảo luận về luật được quyền im lặng của nghi can khi nghi can đang trong quá trình bị điều tra. Không cần có nhiều sự hiểu biết cho lắm, người ta cũng nhận thấy rằng, đó là điều cần thiết nên bàn, và nên “biểu quyết”. Nó có lẽ được bàn thảo bởi gần đây có khá nhiều những vụ án oan khiên được phanh phui, mà nguyên nhân chính dẫn đến sự oan sai là do trong quá trình điều tra, nghi can bị ép cung, thậm chí bị tra tấn. Không có luật sư giám sát cuộc thẩm vấn. Cũng không có quyền im lặng, nên bị can vướng vào oan sai là điều dễ hiểu. Hơn nữa, trong thế giới văn minh, người ta đã trao cho nghi can cái quyền này từ lâu lắm. Không những chống, ông nghị Đương thậm chí còn quàng cho nó (quyền im lặng) có sự dính líu tới cái gọi là “diễn biến hòa bình”. Với một người bình dân có những suy nghĩ hay phát biểu như trên còn có thể hiểu được; đằng này ông lại là đại biểu QH, hơn nữa, có “chân” trong UBPL của QH…
“Nhờ” phát ngôn này mà ông đã nhận được rất nhiều “đá” từ các “fan” (cử tri) – những người trót đầu phiếu cho ông!
Trở lại hình ảnh ông nghị Đương trong clip nói trên. Ông Đương ngọng nghịu như ngậm hột thị khi bị chất vấn, cho dù những chất vấn có hơi “xóc”. Quả thật, bất kỳ một câu hỏi nào liên quan tới chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình đều không dễ trả lời. Nóng nhất là về Biển Đông. Nóng không kém, là về quan hệ thương mại bất bình đẳng. Về “Đại cục” – vấn đề chính trị còn bất bình đẳng hơn. “Sự tin cậy chính trị”…ôi, diễn giải ra lê thê và lôi thôi lắm. Nó là “mê hồn trận” thật sự! Mỗi phiên họp, đại biểu Đương có mênh mông thời gian chuẩn bị cho phát biểu trước QH, vậy mà ông vẫn có những phát biểu như đã nêu ở trên; huống hồ đám đông xuất hiện trước ông (hay ông xuất hiện trước đám đông), kèm theo đó là những câu chất vấn tuy không quá “hóc búa”, nhưng rơi vào “chủ đề” trên cả hóc búa… Do vậy, việc ông Đương vội chui vào xe không hề do an ninh bị thách thức, chỉ có thể được lý giải do cái “tầm” của ông chỉ đến thế là cùng!?
Tuy nhiên, cái đáng trách ở đây là kỹ năng ứng xử…
Ông chui vội vào xe, rồi chuồn, là “động thái” rất phản cảm.
Lẽ ra, ông nên nở nụ cười cảm thông (thật lòng) với bà con (gọi thế cho dân dã thay vì gọi là đồng bào nghe hơi trịnh trọng). Ông có thể nói với người dân khi đó rằng, yêu ghét ai là quyền của mỗi con người. Không ai có quyền ngăn cấm hay cướp đi cái quyền sơ đẳng đó. Chỉ mong bà con biểu lộ thái độ của mình, dù kiên quyết, dù mạnh mẽ, cũng không nên quá khích, hay dẫn tới bạo động… Hy vọng bà con là những công dân có trách nhiệm với đất nước…
Biết đâu, ông Đương có thể nói hay hơn thế. Thế thì sao lại không nói.
Hay ông coi khinh người dân – cái bệnh mà hầu như toàn bộ quan lại cộng sản, từ cấp huyện thị tới trung ương đều mắc phải!?
Hy vọng QH khóa sau, nếu ông Đương còn được tín nhiệm, thì không nên phụ lòng tin của cử tri bằng sự lặp lại những phát ngôn vốn có. Cũng hy vọng ông sẽ có những ứng xử gần gũi, thấu hiểu dân hơn.