Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Trung tướng Hữu Ước: Tại sao phải bám mãi ghế đó?

"Đã đeo vai kẻ sĩ thì phải kẻ sĩ, “quan nhất thời, dân vạn đại”, tại sao cứ phải bám mãi cái ghế đó?".

Trước câu chuyện lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật hiện nay đều hơn 70 tuổi và lãnh đạo Hội đến 3 – 4 nhiệm kỳ, Trung tướng Hữu Ước - Tổng biên tập truyền hình ANTV, Hội viên Hội nhà văn VN đã có những chia sẻ thẳng thắn với Đất Việt.

Nỗi buồn thời bình

PV: - Thưa Trung tướng Hữu Ước, người đã có nhiều đóng góp cho nền văn học - nghệ thuật, ông nhìn nhận ra sao trước việc những khóa lãnh đạo vừa rồi của các Hội: Hội Liên hiệp VHNT, Hội nhà văn, Hội điện ảnh, Hội KTS VN... đều lớn hơn 70 tuổi, thậm chí còn lãnh đạo 3 – 4 nhiệm kỳ liên tiếp?

Trung tướng Hữu Ước: - Văn học - nghệ thuật là một lĩnh vực trong đời sống văn hóa, tinh thần, chính vì vậy, mọi tầng lớp trong XH đều hết sức quan tâm, từ lãnh đạo Đảng, nhà nước cho tới mọi người dân.

Cho nên chúng ta không phủ nhận những thành tựu văn học nghệ thuật đã làm được trong những năm qua, nhưng để tạo sự đột phá và tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc để phục vụ công chúng, xứng tầm thời đại, dân tộc thì tôi khẳng định vẫn chưa đạt tới sự mong muốn.

Còn để cắt nghĩa nguyên nhân thì có rất nhiều lý do, trước hết, do đội ngũ sáng tác trên tất cả các lĩnh vực chưa dồn sức, dồn tài, dồn trí.

Thứ hai, do công tác quản lý và tạo một sân chơi trong sáng tác văn học, nghệ thuật đã cũ và quá già. Tất nhiên, họ đã hoàn thành sứ mệnh theo ý nghĩa mặt trận, nhưng để tạo ra được ngôi nhà thiêng liêng để cho các Hội viên được gửi gắm tâm hồn, tư tưởng, gửi gắm sự chia sẻ để cộng hưởng, thăng hoa thì các Hội trong những nhiệm kỳ qua, tôi thấy chưa làm được vai trò này.

Trong khi, các Hội được Đảng, Nhà nước hết sức ưu ái, nhân dân, những người yêu và làm văn học nghệ thuật hết sức trân trọng. Có lẽ vì vậy mà những người làm VHNT có cảm giác phương hướng sáng tác đang bị bế tắc.

Không chỉ có vậy, chúng ta cứ kêu gọi phát triển Hội theo con đường cách mạng, thế nhưng bản chất cách mạng là phải đổi mới và sáng tạo, nhưng xin hỏi đổi mới ở đâu, sáng tạo ở đâu? Khi ông chủ ngôi nhà, người đứng lên kêu gọi, tập hợp anh em nghệ sĩ, thì không làm được vai trò này mà chỉ giữ sự an toàn, bình lặng.

Rồi phát triển Hội theo đúng nghĩa hội hè, thích thì đến, không thì thôi, chứ không phải là nơi tập hợp, là ngôi nhà thiêng để Hội viên có thể gắn bó, thăng hoa và cống hiến.

PV:- Trong thời gian vừa qua, đã có một số Hội đã bầu BCH mới, điều lê mới, thế nhưng cuối cùng vẫn là đội hình cũ, gương mặt cũ, mà không có lực lượng, nhân tố trẻ tham gia. Chúng ta nên nhìn nhận thực trạng này ra sao, thưa ông?

Trung tướng Hữu Ước: - Theo tôi, việc gì cũng sẽ được quyết định bởi con người, lĩnh vực nào cũng cần thủ lĩnh, mà thủ lĩnh không thay đổi thì mọi việc cũng chỉ thế thôi, không thể đổi mới, sáng tạo được.

Tôi không đánh giá năng lực của ai, nhưng đã là cánh chim đầu đàn thì phải có vai trò tìm ra con đường để sáng tạo, đổi mới cho Hội, đã là người nghệ sĩ thì phải có lửa.

Ở đây không ai chống được tuổi tác, không ai đổi mới, tân quang cho chính sách được mãi. Khi mới nhậm chức sẽ dễ dàng đưa ra sự đổi mới, nhưng sang khóa thứ 2 sự đổi mới, sáng tạo sẽ bắt đầu khác đi, chưa nói tuổi tác kéo theo sự mệt mỏi, trước hết là chất xám, con người chất xám không phải năng lượng vô tận.

Đặc biệt, đừng bắt các Hội viên phải ăn 1 món ăn trong mấy nhiệm kỳ liên tiếp mà không được đổi.

Bản thân tôi, trong những năm qua không muốn vào BCH Hội nhà văn VN là vì tôi biết vào cũng không giải quyết được gì, vì mọi chuyện vẫn cũ như thế, cũ như Trái Đất vậy!

Chuyện vào BCH ở đây chỉ là để giải quyết khâu oai, lấy cái chức danh, mà vào để gật, thì vào để làm gì. Thậm chí, có một số đồng chí vào BCH mà tôi cũng không biết tên là gì, trong khi tác phẩm không có, tài cũng không thấy đâu, từ đó có thể thấy, Hội sinh ra vốn cũng chỉ là Hội gật.

Trong khi, đường lối của Đảng rất rõ ràng, phải có đầy đủ các đội hình: đội hình già, đồi hình trung, đội hình trẻ, hiện tại, các Hội toàn thấy đội hình già mà không thấy đội hình trẻ đâu. Nói thì đắng cay nhưng người trẻ nhất gần 60 tuổi, thì trẻ làm sao được.

Đặc biệt, chưa kể, trong thời kỳ hội nhập đổi mới hiện nay, làm chủ tịch Hội cũng phải biết ngoại ngữ để còn đi giao lưu học hỏi, nhưng hiện nay thì đã có chủ tịch Hội nào đáp ứng được chưa. Đây là một nỗi buồn, không phải nỗi buồn chiến tranh mà là nỗi buồn thời bình.

"Quan nhất thời, dân vạn đại"

PV:- Hiện nay, theo quy định về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của Ban bí thư số 284-QĐ/TW, cụ thể tại Điều 6 - Tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo hội văn hóa, văn học, nghệ thuật có quy định rõ: Độ tuổi để bầu làm lãnh đạo hội nói chung không quá 65 tuổi; trường hợp đặc biệt có thể đến 70 tuổi và chỉ áp dụng cho người đứng đầu hội có năng lực lãnh đạo, uy tín cao và còn đủ sức khỏe để làm việc.

Thế nhưng, các Hội lại đang đi ngược lại với quy định, theo ông tại sao lại xảy ra thực trạng này? Vì sao ạ?

Trung tướng Hữu Ước: - Theo quy định của Ban Bí thư thì không được làm quá 2 nhiệm kỳ, điều này cũng có căn nguyên của nó, vì nếu làm 2 khóa thì sự tinh túy chất xám , máu lửa đã hết, thì sẽ không thể có những chủ trương, chính sách sáng suốt. Điều lệ của Đảng cũng không cho phép 1 người cùng 1 lúc làm 2 Bí thư Đảng đoàn, 1 người làm chủ 5 - 6 con dấu, điều này là không được.

Cho nên tại tất cả các cuộc họp chủ chốt trong các chi hội lãnh đạo Hội nhà văn, tôi luôn phản ánh với cơ quan quản lý về vấn đề này.

Hội nhà văn hiện tại vẫn đang hoạt động như 1 Bộ, bao gồm đủ các lĩnh vực: báo, xưởng phim, nhà xuất bản, bảo tàng, sáng tác, đối nội, đối ngoại. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật cũng như 1 Bộ, nên không ai có thể 1 lúc làm 2 Bộ trưởng, làm 2 Bí thư Đảng đoàn, không những vậy còn vi phạm điều lệ Đảng. Điều lệ của Đảng và pháp luật thì phải được thượng tôn.

Tổ chức của Đảng thì phải làm theo điều lệ và nguyên tắc Đảng và đất nước đổi mới dân chủ thì phải làm theo luật pháp không ai vượt qua được nguyên tắc đó về mặt lý, còn về mặt tình thì sức khỏe đâu mà đảm nhận được , như vậy thì làm sao giao lưu, học hỏi được, những điều này sẽ chỉ làm cho hình ảnh đất nước ta ngày càng kém cỏi hơn.

PV:- Liệu đây có phải là lý do khiến cho Họa sĩ Thành Chương và Nhà điêu khắc Đào Châu Hải xin rút khỏi BCH Hội mỹ thuật VN ngay sau khi kết thúc Đại hội hay không, thưa ông?

Trung tướng Hữu Ước: - Tại sao Hội mỹ thuật một vài người lại xin rút, đơn giản chỉ là bởi vì những thành viên đó, nhìn thấy THÌ TƯƠNG LAI, sẽ không có gì khác, vẫn những bài cũ, bình cũ rượu cũ, thì sẽ có đổi mới gì ở đây.

Trong khi, đường lối của Đảng nói rõ trong cơ cấu tổ chức phải đủ 3 thế hệ, thế hệ già để có trụ vững chắc, thế hệ trung và thế hệ trẻ. Chúng ta, cứ nói sợ thế hệ trẻ tư tưởng dễ lung lay, tôi khẳng định không thể lung lay, bởi vẫn luôn có cơ chế, có sự ràng buộc của tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy nhà nước, đừng mất lòng tin vào thế hệ trẻ.

Trước hết, Hội hãy hoàn thành chức năng của mình là ngôi nhà thiêng, tập hợp, khích lệ sự lao động, sáng tác của những nhà hoạt động văn học nghệ thuật; là nơi hun đúc, nơi thổi lửa cho người lao động sáng tác, tạo điều kiện sáng tác một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, làm sao đẩy được các hoạt động sáng tác trong mọi lĩnh vực ngang tầm hòa nhập thế giới, chứ không phải đánh trống ghi tên vào Hội thế là oai.

PV: - Để thay đổi được thực trạng này, theo ông, việc cần làm hiện nay là gì?

Trung tướng Hữu Ước: - Trước hết, phải có định hướng của Chủ tịch Hội, Đảng đoàn, phải xóa bỏ được tư tưởng “cha chung không ai khóc”, ai cũng bảo rất quan tâm nhưng quan tâm thế nào mới là vấn đề trách nhiệm.

Bây giờ những nghệ sĩ, Chủ tịch, Phó chủ tịch lớn tuổi, nhất định không nghỉ thì làm sao thế hệ trẻ tham gia vào Hội được. Rồi lúc nào cũng nói đổi mới, nhưng rượu cũ bình cũ thì làm sao đổi mới được.

Không những thế còn lờ đi quy định của Ban Bí thư về quy định lãnh đạo Hội, để thấy ở đây điều quan trọng nhất đó là sự tự giác, lòng tự trọng của những người làm công tác lãnh đạo, ở đây chính là tư tưởng tham quyền cố vị.

Trách nhiệm của các Đảng đoàn, của các Hội thì phải gương mẫu, đã đeo vai kẻ sĩ thì phải kẻ sĩ, “quan nhất thời, dân vạn đại”, tại sao cứ phải bám mãi cái ghế đó?

- Xin cảm ơn Trung tướng!

Theo Đất Việt