Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Lý tưởng xã hội và người viết trẻ

Hồ Sĩ Vịnh, Văn Hiến Việt Nam

Trong xã hội ta hôm nay, thường có một thiên kiến dai dẳng: Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự non dại, non dại đến độ vấp ngã. Một bộ phận cha anh thường nhìn họ với cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật, dù nghiệt ngã. Thế mà trong văn học, tình hình lại khác. Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn bậc thầy đều được sáng tạo ở tuổi 25-35. Ma lực sáng tạo, điện năng văn chương của họ hình như được tích tụ và phát sáng ở thập niên đầu tiên của nghề cầm bút ở nước ta cũng có tình hình tương tự. Các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn, Thơ mới đều là những nhà sáng tạo ở tuổi đôi mươi. Những bạn cầm bút trẻ măng đi vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc về sau trở thành nhà văn nổi tiếng để lại không ít những trang viết tài hoa, rõ rệt nhất là các nhà văn – chiến sĩ- liệt sĩ- Nam Cao, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi và nhiều tên tuổi khác. Có nhiều chuyện để nói về nghề văn và người viết trẻ….

Nghề văn là nghề sáng tạo, muốn có sức sáng tạo dồi dào trước hết phải có tài đã đành nhưng trước đó nữa, người viết phải có một lý tưởng xã hội. Lâu nay, nói đến lý tưởng xã hội người ta có thói quen đặt phạm trù này trùng khít với ý thức hệ, cho nên nó vừa hẹp, vừa khiên cưỡng. Làm như lý tưởng xã hội là một cái gì khác bên ngoài, do áp lực bên trên áp đặt cho nhà văn. Điều đó dễ làm cho người viết trẻ lo ngại. Thật ra, lý tưởng xã hội là cái nằm trong bầu máu nóng của chúng ta, là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của đời sống con người. Ở đây ở nhà văn trẻ, là viết cho ai? Viết để làm gì? Hai câu hỏi giản dị đó nhưng chưa bao giờ có câu trả lời suôn sẻ của một đời văn, cả đối với những nhà văn ở chặng đường đầu cũng như đối với những nhà văn lão thành. Bởi vì đã dấn thân vào nghề văn mà chỉ coi văn học là nghề kiếm tiền hoặc là phương tiện tiến thân trên con đường chính trị là nhà văn hỏng ngay từ đầu và sa sút uy tín lúc nào không biết. Nghề văn cũng như nghề làm việc thiện, vì nó có thể cứu rỗi tâm hồn nhiều người, có khi hàng triệu người. Các nhà kinh điển gọi nhà văn là Kỹ sư tâm hồn là vì vậy. Đối với người viết trẻ, lý tưởng xã hội nay là góp sức cùng nhân dân xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, mà trước hết là có lý tưởng nghề nghiệp. Trau dồi lý tưởng nghề nghiệp là một biểu hiện thực tế của lý tưởng chính trị. Để hình thành lý tưởng nghề nghiệp thì trong ba điều bất hủ của một đời văn, lập đức được coi là hàng đầu, rồi mới đến lập công và lập ngôn. Không phải vô cớ mà các cụ ta ngày trước thường coi văn chương là sự nghiệp nghìn đời (văn chương thiên cổ sử) trong văn phải có đạo, đạo ở đây nên hiểu là nội dung, cái ý để nói với đời, để khuyên điều hay, răn điều dữ. Về sau, Bác Hồ nói chính tâm và thân dân của người tri thức, trong đó có văn nghệ sĩ đối với nhân dân mình cũng có ý nghĩa của chữ đạo. Không phải vì đạo mà làm nghèo văn chương như một số người nghĩ. Có đạo, có nội dung thì văn chương thịnh, phát đạt, ngược lại thì văn chương suy, hỗn loạn. Trong triết học phương Đông, trong bốn điều dạy của Khổng Tử thì đức hạnh là hàng đầu rồi mới đến ngôn ngữ, chính sử và văn học. Đời nhà Đường giai cấp thống trị khi dùng kẻ sĩ cũng coi đức hạnh trước, văn nghệ sau.

Để đạt tới lý tưởng xã hội tiên tiến mà nhà văn ấp ủ cần có sự thôi thúc con tim, sự sưởi ấm ngọn lửa bên trong được là động lực của sáng tạo. Cũng như mọi người sản xuất hàng hoá khác, người sáng tạo văn chương cần viết cái mà xã hội cần, chứ không chỉ viết cái mình có. Muốn vậy cần nuôi dưỡng tình yêu nồng cháy đối với cái Đẹp, cái Thiện, lòng căm thù sâu sắc đối với những hiện tượng suy thoái trong xã hội, trước tệ nạn quan liêu, nạn tham nhũng đang là quốc nạn. Tất cả điều vừa nói là tính Đảng của người viết. Nhiều người sợ nói tính đảng có thu hẹp sách lược cách mạng? Có làm phương hại đặc trưng nghệ thuật? Tôi nghĩ khác, trước đây ta thường coi tính đảng với nội dung tư tưởng của tác phẩm là một, đặt tính đảng chồng khít với ý thức hệ. Trong quá trình truyền bá, giáo dục ở nhà trường cho tới cả diễn đàn, trên sách báo, tính Đảng được coi như một nguyên tắc bất di bất dịch, áp đặt từ trên đối với nhà văn, nhà báo. Hiểu tính Đảng như vậy là trái với tinh thần của V.I.Lênin. Chúng ta biết rằng, chính Lênin là người dùng tính Đảng tư sản và khen ngợi những nhà văn bạch vệ, những nhà triết học tư sản đã miêu tả một cách trung thực thực tế tư bản chủ nghĩa, những mâu thuẫn trong nội bộ phe nhóm của họ, về khách quan là có lợi cho giai cấp công nhân. Vả lại, tính đảng là phạm trù động, nó được phát triển tuỳ theo đối tượng miêu tả và thời điểm lịch sử mà nhà văn miêu tả. Tính đảng là một thuật ngữ khoa học, đẹp, sang trọng cần được tiếp nhận một cách tự nguyện cho sáng tạo văn nghệ, nhất là những người viết trẻ.

II Cha ông ta thường dạy: Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì viết văn mới hay. Có lẽ đâu văn chương lại làm cho người ta kiêu căng!? Câu này của Lê Quý Đôn (1726 – 1784) được trích từ Vân đài loại ngữ. Những bậc thứ giả sau cụ, cũng có những đoạn di huấn tương tự. Phan Huy Chú (1782 – 1840) nói đại ý: Để có thể vừa là nhà trước tác vừa là nhà thơ thì phải có đủ các uyên bác, lại có cả nguồn cảm hứng bay bổng… Còn Nhữ Bá Sĩ (1788 -1867) thì coi đức hạnh, học thức là cái gốc của văn chương. Xem như vậy thì việc đọc muôn quyển sách là quan trọng biết chừng nào! Người ta thường nói: đọc nhiều, biết mười, viết một. M.Gorki thường rất quan tâm tới những người viết văn trẻ, một trong những điều ông thường nhắc họ là chuyện học thức. Nhà văn lão thành không chỉ khuyên học phải đọc nhiều, hiểu rộng, thẳng thắn chỉ ra vật cản trên con đường sáng tạo của các bạn trẻ là: học thức kém cỏi, nhưng lòng tự mãn lớn lao, khát vọng tri thức ở họ ít phát triển, chủ nghĩa sinh hoạt vặt vãnh lấn át tiềm năng của trí tuệ. Khác với người đọc và bình thường, nhà văn cần đtọc tất cả: sách hay và sách chưa hay, thậm chí sách dở, tiểu thuyết vỉa hè, để rồi chúng cũng có ích để hiểu toàn diện, chân thật mặt trái cũng như mặt phải của cuộc đời. Để hiểu rõ triết học Mác, cần mở rộng tri thức các triết thuyết ngoài Mác, phi Mác, các kinh Vệ Đà của Phật Giáo, Cựu ước, Tân ước của Cơ Đốc giáo… bởi lịch sử tri thức nhân loại chưa bao giờ chia cắt giữa triết học, nghệ thuật và tôn giáo. Ở đó có sự bất phân, sự quan hệ đan quyện với nhau. Nho giáo, Phật giáo, tín ngưỡng dân gian rõ ràng để lại dấu vết trong nhiều bài thơ, trong nhiều áng văn thời cổ trung đại. Người xưa đã biết vận dụng vẻ đẹp, cốt cách tự nhiên để làm biểu tượng của nghệ thuật miêu tả của mình: Hổ báo tượng trưng cho quyền uy, Tùng Bách nới lên lòng ngay thang, mây khói để thể hiện sự uyển chuyển, liễu yếu, đào tơ tượng trưng cho những thiếu nữ đài các, kiều diễm…

Đã đọc muôn quyển sách là phải đi muôn dặm đường. Nền văn học hiện đại của chúng ta có truyền thống đẹp của những chuyến đi. Những nhà văn tay cầm bút, tay cầm súng mang ba lô ra mặt trận năm nào cùng với bộ đội, dân công trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược. Khẩu hiệu trên những nơi tiên tiến sống giữa những người tiên tiến của Đảng có tác dụng động viên hàng trăm người viết ở cách là tuổi khác nhau đến những nơi mũi nhọn, cuộc sống lao động chiến đấu của hàng triệu người. Tôi nghĩ, nên phục hồi lại cách đi vào đời sống hiện đại hóa, công nghiệp hoá. Gần đây có những chuyến khảo sát văn hoá xuyên Việt cũng là kinh nghiệm hay. Cách đi của những người viết trẻ cũng cần được Hội nhà văn đúc rút kinh nghiệm. Ghi chép, lấy tài liệu, tiếp xúc với các nhân vật hình mẫu, quan sát so sánh bình giá… là những công đoạn của một quá trình đến với dặm trường. Nhưng nếu không mài sắc khả năng quan sát hiện thực, không có sức tưởng tượng, ức đoán, khả năng trực giác, thiếu đi sức khái quát, và sự chộp lấy sức đẩy của hình thức thì sau cùng những trang viết chỉ còn lại là những tài liệu báo chí. Người xưa viết: Cái tư chất của bậc thượng trí, bên trong thì lớn lao, bên ngoài thì rực rỡ, chạm vào nơi nào thì tứ văn nảy sinh ra nơi ấy, là hoa cỏ của hoá công, là khói sóng của biển lớn, có thể gọi là gạn lọc điều chứa chất trong lòng mà viết nên văn. Cái tư chất biết gạn lọc ấy ngày nay chúng ta gọi là khả năng khái quát hoá, điển hình hoá…