Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Mình đã thua một người dưng

GD&TĐ - Cách đây gần một tháng, tôi đi công tác ở Tây Nguyên mấy ngày. Nhờ đồng nghiệp mà tôi gặp được anh L, ba của em L.H.B mà tôi đang dạy ở trường.

Đồng nghiệp tôi là người quản lý nội trú nên thường xuyên liên lạc với phụ huynh; còn tôi là giáo viên bộ môn, nên hôm đó là lần đầu tiên gặp anh. Chỉ vừa nhìn thấy anh lần đầu, trong tôi đã trỗi dậy một tình yêu thương chân thành như một người em dành cho anh trai mình.

Tôi từng tiếp xúc rất nhiều phụ huynh, như đây là lần đầu tiên tôi xúc động như thế trước phụ huynh bởi anh bị tật đôi chân. Tôi đã từng dạy học sinh khuyết tật bốn năm vừa qua (và cũng tiếp xúc, chia sẻ với nhiều người kém may mắn hơn mình), gần các em, tôi càng thấu hiểu nỗi đau, sự kém may mắn của những người khuyết tật.

Đặt mình vào những người kém may mắn như thế, tôi càng hiểu, cảm thông và muốn làm được một việc gì đó, dù nhỏ nhất là tôi cũng thấy hạnh phúc rồi.

Trong những bài học dạy học trò, tôi vẫn thường sưu tầm những thước phim nghị lực sống của những người khuyết tật, kể cho học trò nghe những bạn khuyết tật kém may mắn và gieo vào lòng học trò biết thương yêu, chia sẻ và trân trọng những người kém may mắn hơn mình. Những phút giây như thế, các em lắng lòng nghe, chăm chú xem, từ đó rút ra cho mình bài học.

Sau chuyến công tác về, tôi đã gặp riêng B và kể cho em nghe về nỗi lòng của ba em đã tâm sự cho tôi nghe. Tôi nắm lấy tay em và nói lên những tâm sự chân thành của mình, em lắng nghe với vẻxúc động hiện lên khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt. Tôi cũng xúc động lây.

Sáng thứ năm, ngày 22-05-2014 là buổi học cuối cùng, tôi không dạy chuyên môn cho học sinh. Tôi sưu tầm một số thước phim, bài hát về Bác Hồ, về biển đảo, về ơn nghĩa sinh thành, về tình thầy trò cho học trò xem như là những câu chuyện giáo dục trước khi nghỉ hè.

Còn khoảng 30 phút là kết thúc buổi học, tôi phát giấy để học sinh viết suy nghĩ của mình trong một năm học về tôi. Nhiều bài viết đã khiến cho tôi xúc động vô cùng, trong đó có bài của em L.H.B.

Em viết như sau:

CẢM ƠN THẦY

Hôm nay, em viết cảm nghĩ và cũng để cảm ơn thầy T.H thân yêu!

Trong một năm học này, trải qua bao tiết học cùng thầy, cùng trải qua bao cung bậc cảm xúc khác nhau. Thầy H. là người thầy rất khác với những thầy cô khác mà em từng học.

Ngoài việc dạy cho em những kiến thức, thầy còn giúp em nhận ra được hương vị cuộc sống, và biết được lòng vị tha, thương người và giúp đỡ những người khó khăn. Và cũng chính thầy H. cho em biết được hạnh phúc như thế nào khi ta mở lòng ra để giúp đỡ mọi người.

Ngoài ra, thầy còn giúp em nhận ra một điều rằng: “Mình đã thua một người dưng”. Chính thầy đã giúp em nhận ra nó vì thầy lần đầu tiên gặp ba em mà thầy đã thương ba, yêu quý ba thật sự. Còn em, người con sống chung với ba mẹ mình từ nhỏ, vậy mà chẳng có một thứ gì gọi là tình yêu thương ba mẹ mình, chẳng bao giờ nghĩ đến nỗi khổ và vất vả của ba mẹ.

Em toàn làm cho ba mẹ phải lo lắng, buồn phiền vì mình, vậy mà em cũng chẳng quan tâm điều đó. Nhưng sau cuộc nói chuyện với thầy H., em đã nhận thức được điều này, và em cảm thấy rất buồn vì những gì đã làm với ba mẹ mình, và em hứa từ nay sẽ thay đổi bản thân mình.

Cuối cùng, em rất cảm ơn thầy T.H và luôn nhớ về thầy và coi thầy như người cha thứ hai của em.

Đó là toàn bộ nội dung bài viết em tâm sự.

Thường, đến mỗi dịp cuối năm học, tôi hay dành ít thời gian để học sinh nói lên suy nghĩ chân thực của mình. Tôi muốn hiểu các em hơn qua những điều các em tâm sự, nhất là góp ý cho tôi qua bài giảng để tôi ngày càng hoàn thiện mình hơn. Tôi rất tôn trọng ý kiến của học sinh. Chính sự góp ý chân thành là bài học quý đối với người thầy luôn lắng nghe ý kiến của học trò.

Tôi rất hạnh phúc trước những câu chữ ý nghĩa như thế, nhận thức sâu sắc như thế của cậu học trò vốn được xem là “cá biệt”.

Cảm ơn em L.H.B! Chính em đã cho tôi thêm bài học ý nghĩa của nhà giáo. Đó là sự quan tâm nhiều hơn về hoàn cảnh của học trò, để từ đó hiểu các em nhiều hơn, dành thời gian tâm sự với các em nhiều hơn; là việc gieo cho học trò sống đẹp từ những bài học, những lời nói, những cử chỉ thiết thực và chân thành từ người thầy.