VNTB - Sau gần 80 năm ra đời, hơn 70 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang hệ ý thức theo chủ nghĩa duy vật biện chứng – còn gọi là chủ nghĩa vô thần – du nhập vào Việt Nam. Mặc dù vẫn luôn kiên định đi theo quan điểm xây dựng CNXH, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê, nhưng việc quản lý, xây dựng văn hóa tâm linh ngày càng hỗn loạn, xói mòn và hủy hoại các giá trị văn hóa thuần túy dân tộc.
Về mặt khoa học, nền giáo dục Việt Nam từ cái nôi là nền văn minh lúa nước thời phong kiến, ngụp lặn trong giáo trình và phương pháp xưa cũ, hết kiểu Liên Xô rồi tới Trung Quốc. Các kiến thức căn bản đều luôn tụt hậu hàng 40-50 năm so với giáo trình tiên tiến trên thế giới.
Những bất cập trong định hướng và tư duy giáo dục chạy đua bằng cấp theo kiểu học ăn cắp, học cho có cái bằng, học lấy danh… ngày càng đẻ ra những “trí thức” chỉ có cái bằng thật to mà không có một chút kiến thức thực thụ, khiến cho mặt bằng dân trí, văn hóa xã hội có không ít những câu chuyện dở khóc, dở cười mà không có bất cứ từ ngữ nào diễn tả đúng nghĩa được.
Ngay trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ, những phát ngôn hớ hênh không dừng lại ở ý nghĩa “sơ xuất” mà phản ánh khá rõ cái tâm, cái tầm trí tuệ hết sức sơ sài. Bao nhiêu năm thay đi đổi lại, ngay đến những giáo trình giảng dạy sơ cấp cũng phải nhập khẩu, mua bản quyền từ nước ngoài, để xảy ra cả tai vạ bị Trung Quốc lợi dụng, đưa các nội dung tuyên truyền ảnh hưởng lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc vào đầu độc thế hệ trẻ.
Về mặt xã hội, việc quản lý các loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày càng bất cập. Chủ yếu là nắm cái ngọn để tìm cách thu lợi chứ không hề có định hướng giáo dục, tôn tạo.
Sau thời kỳ “chống mê tín dị đoan”, việc đánh đồng tôn giáo vào loại hình mê tín, phản khoa học… để đập phá đình, chùa, miếu mạo thời kỳ 1977-1983 đã khiến cho đời sống văn hóa tâm linh ở cộng đồng người dân cả nước đi vào ngõ cụt không lối thoát.
Việc phục hoạt tôn giáo sau này, tuy không chính thức thừa nhận sai lầm của chính sách bài tôn giáo trong giai đoạn triệt phá trước đó, nhưng nó ghi nhận chính quyền vì nhiều lý do đã phải thừa nhận tôn giáo là một văn hóa không thể tách rời đời sống con người. Tuy nhiên, cái đuôi “định hướng” của tư tưởng chính trị vẫn tiếp tục ngoáy nát đời sống tâm linh của xã hội.
Tiền bạc và chính trị thao túng thần thánh
Nếu nhìn vào những ngôi chùa, những nhà thờ, những dịch vụ ăn theo tôn giáo, tâm linh mọc lên như nấm với đủ mọi hình thức thì có vẻ như chế độ đang rất tôn trọng tôn giáo, tôn trọng văn hóa tâm linh. Từ các quan chức hàng đầu bảo trợ, cắt băng khánh thành cho công trình chùa chiền, tới các quan chức, cá nhân… đua nhau lên chùa cầu danh cầu lợi, mưu cầu cá nhân, thể hiện một thứ văn hóa thụ động, ỷ lại, thiếu vắng kiến thức và bản lĩnh, gián tiếp gây nên phong trào đồng bóng, cúng bái núp sau danh nghĩa tâm linh đua nhau ra đời. Hậu quả tai hại của loại “văn hóa” này là liên minh ma quỷ giữa cán bộ và đồng bóng trong các dịch vụ lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ. Dân gian gọi thẳng là trò “ăn xác chết”, một so sánh sát thực về hành vi trong các câu chuyện về ma quỷ mất tính người, Để lại không ít hệ lụy đầy nhức nhối trong xã hội!
Đặt chân tới các khu danh lam, thắng cảnh, chùa chiền nổi tiếng, không nơi nào không nhìn thấy cảnh mua bán bát nháo, các hành vi phi văn hóa. Các ngôi chùa, không kể cũ mới, lẽ ra là nơi thanh tịnh, yên bình để con người tìm về với không gian đạo hạnh, tu tĩnh tâm hồn thì các nhà hàng, quán ăn, các dịch vụ ăn theo đủ kiểu chen lấn đến tận chân nơi thờ phượng. Các dịch vụ mượn danh “nâng cấp; khai thác du lịch” thẳng tay tàn phá không gian thiên nhiên để trục lợi, mang bàn tay nhớp nhúa, được “bảo kê” bởi các giấy phép của chính quyền đầy các toan tính tiền bạc, lời lỗ thọc vào cái nơi xuất phát của tâm linh.
Đau xót thay! Cái ăn theo thô bạo của những kẻ thiếu nhận thức ngày nay lại được hậu thuẫn bởi chính những mưu toan chính trị, quyền lực! Những “ông sư” hủ hóa, ăn chơi trác táng, lừa đảo…, thậm chí phớt lờ cả luật pháp vẫn ngang nhiên hoạt động.
Các hành động lộ rõ sự “cưng chiều” với loại hình Phật giáo qua việc các quan chức công khai tham gia các hoạt động, nghi lễ. Mở đường cao tốc lên Chùa Bái Đính, cấp phép dễ dàng cho các chùa mới… Trong khi đó, các việc liên quan xâm hại quyền lợi của Công giáo – ví dụ điển hình là việc nhùng nhằng không trả một phần cơ sở tu viện của nhà thờ Thái Hà, san lấp đất của giáo xứ ở Hồ Ba Giang, cưỡng chế, áp đặt đối với Phật giáo Hòa Hảo, Chùa Liên Trì.v.v. lại là một ví dụ thể hiện ý đồ chính trị hóa, kiểm soát tôn giáo một cách thô bạo, bất bình đẳng.
Từ đứng sau hậu thuẫn thành công khai
Chưa dừng lại ở sự hậu thuẫn, giờ đây Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa thêm vào chương trình đào tạo một bộ môn mới: Môn Hầu đồng(!?).
Loại hoạt động bị tất cả các tôn giáo chính thống, lâu đời thừa nhận nó là biểu hiện của ma quỷ - ma quỷ đúng nghĩa đen – và từng là đối tượng chính trong phong trào chống mê tín dị đoan của chế độ, nay được hợp pháp hóa bằng cách đánh tráo là loại hình “văn hóa dân gian được nhìn nhận”!
Nhìn nhận một hoạt động, một sự việc, một vật... trong thực tế bằng con mắt là để thấy. Nhưng nhìn nhận để giáo dục, đào tạo là đưa cái nhìn thấy vào tâm hồn, vào trí não. Các giảng viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhìn nhận ra sao khi nhìn một nghi lễ cúng tế dân gian thành hoạt động đồng bóng, cầu hồn (Hầu đồng) là văn hóa?
Hậu thuẫn cho đám đồng bóng, ma quỷ hoành hành, lừa mị, moi tiền... chưa đủ. Phải chăng giờ đây cần phải đào tạo thêm nhiều nữa để phá nốt những dấu tích văn hóa dân tộc đang ngày càng tan nát? Bịt chặt góc nhìn đúng sai trong lương tri con người?
***
Nguồn tham khảo:
http://motthegioi.vn/tieu-diem/dua-hau-dong-vao-giang-day-cho-sinh-vien-nganh-van-hoa-du-lich-119870.html
http://www.baomoi.com/Can-canh-thu-rung-bi-xe-thit-tai-chua-Huong/137/10390034.epi
http://news.zing.vn/Choang-voi-canh-bao-luc-truoc-chon-cua-Phat-post235277.html
http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Muon-chon-linh-thieng-len-ong.html