MTG - Trong bài Khảo về chữ quốc ngữ của Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, Phạm Quỳnh đã khẳng định một niềm tin, và lời ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam hay hay là dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ”.
Nói đến chữ quốc ngữ hiện chúng ta đang dùng, phải ngược về thế kỷ 17, thời nó được khai sinh. Nhưng ở thời điểm ra đời, loại chữ viết dùng mẫu tự Latinh ghi âm tiếng Việt ấy chỉ sử dụng trong phạm vi nhỏ hẹp để truyền giáo. Phải đến đầu thế kỷ 20, khi người Pháp hiện diện ở nước Nam, chữ quốc ngữ mới dần được dùng nhiều hơn, phổ biến cho đến nay.
Lần hồi về cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cái thuở mà những nhà nho cựu học chưa quen với cảnh “vứt bút lông đi viết bút chì”. Ấy là lúc Nho học dùng Hán - Nôm với tân học dùng chữ quốc ngữ, chữ Pháp có sự va chạm mạnh mẽ. Còn nhớ như cụ đồ Chiểu, từng xem đây là thứ chữ của “Tây xâm”, bài bác kịch liệt lắm.
Ấy nhưng, dần dà qua thời gian, ngoài việc người Pháp đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy trong hệ thống trường học Việt, thì nhiều trí thức Tây học, nhận thấy sự thuận tiện của loại chữ ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh này, vừa dễ đọc, dễ viết, dễ truyền tải văn hóa, không như chữ Hán, chỉ phổ biến trong giới nho học là đọc thông, viết thạo, còn bình dân thì đa phần một chữ bẻ đôi chưa tỏ. Riêng chữ quốc ngữ, chỉ dăm bữa nửa tháng là có thể tập đọc, tập viết được.
Nhận thấy đây là lợi khí to lớn, nhiều trí thức Tây học bấy giờ đã ra sức hô hào, vận động và đi tiên phong trong việc phổ biến học chữ quốc ngữ. Ta còn nhớ, Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã gây một hiệu ứng lớn cho dân Việt trong việc học thứ chữ này. Rồi những hoạt động của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Trương Minh Ký… trong địa hạt báo chí quốc ngữ đã có những tác dụng đầu tiên ở cuối thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, góp vào tiếng nói ấy, chính là những hoạt động sôi nổi của “Tứ kiệt Hà thành” cho công cuộc dùng chữ quốc ngữ. Ở đây, ta bàn riêng về nhà văn hóa Phạm Quỳnh với chữ quốc ngữ mà thôi.
Sinh thời, họ Phạm có một câu nói rất nổi tiếng về chữ quốc ngữ, mà ngày nay, hậu thế vẫn còn ghi nhớ: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Dẫu giỏi Pháp ngữ, rồi sau này bồi bổ cả vốn Hán ngữ, nhưng Phạm Quỳnh nhận thức rõ vai trò của Việt ngữ. Trong Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, ở bài Bảo tồn Nam ngữ, ông chỉ rõ vai trò quan trọng của thứ tiếng mà ông gọi là Nam ngữ: “Muốn cho được tỉnh, muốn cho được khôn, thì chỉ có một không hai, là phải học chữ quốc ngữ, phải trau dồi tiếng quốc âm nước nhà, là phải học hành tra cứu cho cao thẳm thuần túy vậy”, hay trong bài Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An Nam được không? đăng trên Nam Phong tạp chí số 22, tháng 4.1919, ông cho rằng Việt ngữ “đủ dùng cho người nước Nam, phàm cái trí người An Nam ta nghĩ được đến đâu, tiếng An Nam phải nói được đến đấy”. Quan điểm của Phạm Quỳnh là người Nam phải dùng Việt ngữ - Nam ngữ, tức là quốc ngữ bây giờ vậy.
Đề cao tầm quan trọng của Nam ngữ, cũng là thể hiện bản sắc, linh hồn, văn hóa dân tộc. Phạm Quỳnh mặc dù giỏi ngoại ngữ, nhưng ông không đề cao tuyệt đối Pháp ngữ hay Hán ngữ. Trong quan điểm của học giả họ Phạm, việc học ngoại ngữ cũng rất quan trọng, bởi “Học chữ ngoại quốc để bồi bổ cho chữ nước nhà” (bài Bảo tồn Nam ngữ) nhưng ông không tuyệt đối hóa vai trò của ngoại ngữ. Tỉ như việc học Pháp ngữ, ông cho rằng đó là phương tiện để mình tiếp cận, thu thái văn minh phương Tây, nghĩ là lấy nó làm cầu nối để mình tiếp thu cái tiến bộ của nhân loại: “Chữ Pháp là văn tự hay, người mình nên học tập, nghiên cứu cho thâm để nhờ đó mà thâu nhập lấy những kết quả tốt cho văn minh đời nay”. Còn Hán ngữ, theo ông là để bảo tồn văn hóa cổ chứ không phải là dứt hẳn nó. Quan điểm của học giả họ Phạm, đến nay ta vẫn thấy còn giá trị khi dân Việt chỉ một bộ phận nhỏ hẹp biết tiếng Hán, nhiều di sản vật thể, phi vật thể có liên quan đến thứ chữ này dần lụi tàn theo thời gian.
Để chăm chút cho Nam ngữ lan tỏa nhiều hơn nữa trong dân Việt, Phạm Quỳnh liên tục viết bài phân tích điểm hay, cái lợi của việc học chữ quốc ngữ trên báo chí, đặc biệt là trên Nam Phong tạp chí. Bình sinh, ông đã thực hiện nhiều lần đăng đàn diễn thuyết về vấn đề học chữ quốc ngữ. Không chỉ dùng công cụ báo chí từ tờ Nam Phong tạp chí ông lập năm 1917 là vũ khí truyền thông tuyên truyền cho vai trò của Nam ngữ, mà trên tờ báo ấy, văn chương quốc ngữ, những bài luận, bài sử… bằng quốc ngữ đã góp phần làm nên tên tuổi của những Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy Tốn, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Tương Phố…
Năm 1919, ông cùng nhiều nhà trí thức tham gia lập Hội Khai Trí Tiến Đức và là Tổng thư ký của Hội. Phạm Quỳnh chính là một trong mười người tham gia biên soạn cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc… toàn những tay “anh hùng hảo hán” trong lĩnh vực văn chương thuở ấy. Ông còn là Hội trưởng Hội Trí Tri với chủ trương hoạt động “tiên trí kỳ tri, trí tri, tại cách vật (trước hết để biết, biết tường tận là do biết nguyên lý sự vật). Trong thời gian 1924 - 1932, theo Tác gia văn học Thăng Long - Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) cho hay, Phạm Quỳnh còn trực tiếp tham gia giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Hán Việt tại Trường cao đẳng Hà Nội.
Hoạt động văn chương, báo chí, mà đặc biệt qua tờ Nam Phong tạp chí ông nắm, Phạm Quỳnh đã góp phần to lớn cho thứ chữ dân tộc, như trong Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 ghi: “tạp chí Nam Phong đã xây dựng nên một nền văn học căn bản và vững chắc cho văn chương chữ quốc ngữ”. Nhờ hoạt động cũng như uy tín bấy giờ của Phạm Quỳnh, ông đã góp thêm một tiếng nói trong công cuộc vận động đưa Việt ngữ thành quốc ngữ. Trong bài Khảo về chữ quốc ngữ của Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, Phạm Quỳnh đã khẳng định một niềm tin, và lời ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam hay hay là dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ”. Và năm 1945, khi nước Việt Nam mới ra đời, Việt ngữ chính thức trở thành chữ viết của dân tộc. Trước đó vào năm 1939, Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ còn xuất bản một cuốn sách giúp dân Việt học Việt ngữ hết sức giản tiện mang tên Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới do Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác biên soạn, hết sức giản tiện, mà ta có thể ngâm nga qua mẹo học như:
i, t giống móc cả hai,
i ngắn thêm mũ, t dài có ngang.
Hay:
a, o hai chữ khác nhau,
vì a có cái móc câu bên mình…