Vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm – em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – là “mắt xích” quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Thế nhưng, khi tường thuật phiên tòa diễn từ 22-10-2015 và kéo dài suốt tuần, các nhà báo (lại) đều làm như không nhìn thấy “cặp voi này trong phòng khách”.
Không một lần, cái tên Trần Quốc Liêm và vợ ông, Trần Hoa Mai, xuất hiện trong các bài tường thuật. Vụ án, vốn được xếp trong “tám Đại án tham nhũng”, nếu vẫn được tuyên vào thứ Tư, 4-11-2015, sẽ đi qua như một vụ hình sự thường.
Dương Thanh Cường, sinh năm 1965, vào giữa thập niên 1990 đã từng đối diện án tử hình với 5 tội danh trong đó có tội lừa đảo và đưa hối lộ; sau đó được giảm xuống chung thân rồi 20 năm. Cường ở tù tới năm 2005 thì được tha.
Năm 2007, nhờ mối quan hệ này và trên cơ sở 5 ha đất của ông bà Trần Quốc Liêm – Trần Hoa Mai tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Cường lập dự án “cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát”. Ngoài việc “chuyển nhượng” đất cho Dương Thanh Cường, bà Trần Hoa Mai còn nhận đứng ra “mua gom đất đai” cho Cường làm dự án.
Theo lời khai ban đầu của Cường, anh ta có nhờ tướng Trần Quốc Liêm “trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình, Tổng giám đốc Agribank” để ngân hàng cho Cường vay tiền. Cho dù khi bị tạm giam, Cường đã “rút lại lời khai” này, nhưng các diễn tiến của vụ án cho thấy, trong lịch sử làm ăn rất “liều” của mình, nếu không có sức ép đủ lớn, chưa bao giờ Agribank “giải ngân” theo kiểu “ném tiền” như thế.
Chỉ với 23 “sổ đỏ” đất nông nghiệp, “Dự án” chưa hề có một “bút phê” nào của cấp có thẩm quyền, vậy mà Dương Thanh Cường “xin vay 700 tỷ đồng”, Agribank “duyệt ngay cho vay 700 tỷ đồng”. Và, chỉ trong một thời gian mấy tháng, Agribank đã giải ngân 628 tỷ đồng cho dù “dự án” của Cường không hề có bất cứ dấu hiệu nào khởi động.
Theo Cáo trạng (liệt kê), có tới 566 tỷ đồng (một con số khác là 386,36 tỷ đồng – trong số 628 tỷ đồng này) ngân hàng Agribank chuyển cho Cường thông qua tài khoản cá nhân của bà Trần Hoa Mai.
“Giải ngân” xong, Agribank liền cho Cường “mượn” những cuốn “sổ đỏ” đang được thế chấp này đi làm thủ tục sang tên. Trưởng phòng tín dụng Agribank, chi nhánh 6, Hồ Văn Long khai, lẽ ra Agribank phải cử cán bộ “áp tải” những cuốn sổ đỏ này đến cơ quan chức năng, nhưng Long tin lời Dương Thanh Cường, “nếu để Cường trực tiếp cùng bà Trần Hoa Mai và ông Trần Quốc Liêm đi làm sẽ nhanh hơn”.
Cường mang khối tài sản đã thế chấp này đi gặp ông Trầm Bê, ông Trầm Bê cho vay tiếp 1.500 lượng vàng (từ ngân hàng Phương Nam – chúng ta còn có cơ hội “gặp” lại ông Trầm Bê khi nói về gia đình này).
Những hành động tiếp tay khá đắc lực cho Dương Thanh Cường lừa đảo đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan tố tụng cho rằng, mối quan hệ giữa vợ chồng thiếu tướng Trần Quốc Liêm và Cường là “quan hệ dân sự”.
Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao vừa đặt vấn đề áp dụng án lệ ở Việt Nam. Tham khảo án lệ trong trường hợp này không có ví dụ nào tốt hơn là đối chiếu với hợp đồng chuyển nhượng đất giữa công ty Bình Giã và Tamexco hồi 1994.
Ông Trần Quang Vinh, chủ công ty Bình Giã, vì bán đất cho Tamexco và sau đó số đất này được “định giá cao lên” để Tamexco đi thế chấp mà cả ông, ông giám đốc Tamexco và ông trưởng phòng công chứng Vũng Tàu đều bị tử hình.
Hội đồng thẩm định giá TP HCM định giá “23 sổ đỏ của Cường” chỉ tương đương 126 tỷ đồng – giá tại thời điểm thế chấp – vậy mà Agribank vẫn cho vay 628 tỷ. Và, chỉ riêng 5 hecta của vợ chồng thiếu tướng Trần Quốc Liêm, đã “bán” được cho Dương Thanh Cường 347,9 tỷ đồng (giá 7 triệu đồng/m2 đất ruộng). Vợ chồng ông Liêm bà Mai đã nhận 171,2 tỷ đồng (119 tỷ chuyển khoản; 52,2 tỷ do Cường nhiều lần mang tới tận nhà).
So sánh vụ này với Tamexco là xúc phạm vong linh các bị án trong vụ Tamexco, đặc biệt là xúc phạm ông Trần Quang Vinh. Ông Vinh là một nhà doanh nghiệp nghiêm túc. Ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm “cơ sở hạ tầng đổi đất”, góp phần làm thay đổi bộ mặt Bãi Trước Vũng Tàu. Cho đến khi ông bị hành quyết, Chính quyền Vũng Tàu vẫn còn nợ ông Trần Quang Vinh 17 tỷ.
Khoản tiền “thất thoát” trong vụ án Dương Thanh Cường chủ yếu nằm ở “Dự án Thanh Phát”. Một “Dự án ma” – có sự tham gia rất trực tiếp của ông bà Trần Quốc Liêm, Trần Hoa Mai – đã giúp Cường chiếm đoạt của Agribank 966 tỷ đồng (con số thiệt hại trên thực tế theo luật sư Trương Thị Hòa là 1.500 tỷ đồng). Vậy nhưng, trong mấy ngày xử án vừa qua, cho dù được các luật sư yêu cầu, Tòa cũng không triệu tập ông bà Liêm – Mai.
Đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng, không được chấp thuận làm dự án, được mua bán với giá 7 triệu/m2, có thể coi là một “giao dịch dân sự ngay tình” không.
Nếu đã xác định khoản tiền 171,2 tỷ đồng mà Dương Thanh Cường trả cho vợ chồng tướng Trần Quốc Liêm được lấy từ Agribank thì nên coi đó là những đồng tiền “do Cường phạm tội mà có” chứ không thể coi đó là tiền của Cường để xác nhận thương vụ này là bình thường.
Có một câu hỏi mà các “đồng chí trong Đảng” của ông Liêm cũng cần đối chiếu với Nghị quyết TW 4 để đặt ra là, khối tài sản khổng lồ mà tướng công an Trần Quốc Liêm có, liệu đã được kê khai trung thực.
Không phải tự nhiên mà vài bị cáo từ Agribank đã “đấm ngực” trước tòa. Những cán bộ ngân hàng ấy, nếu không có sức ép như các lời khai ban đầu, liệu họ có dám giải ngân một khoản tiền khổng lồ cho một người có nhân thân như Dương Thanh Cường với các điều kiện thế chấp vu vơ như thế.
Tòa án nhân dân TP HCM nên hoãn tuyên án; trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra lại từ đầu như đề nghị của một số luật sư. Và, theo tinh thần mà các vị đại biểu đang đề nghị ở Quốc hội: Với những vụ án liên quan đến những người quyền lực như thế này, nên trao cho một cơ quan điều tra đủ quyền độc lập.
Ông Trần Quốc Liêm không những là em của bà Trần Thanh Kiệm – phu nhân đương kim Thủ tướng – mà còn đang là một viên tướng quyền thế.
Năm 2010, Công an TP HCM (PC46) đã phát hiện, điều tra vụ án này và đã lên kế hoạch bắt “siêu lừa Dương Thanh Cường”. Thiếu tướng Phan Anh Minh đích thân chỉ đạo. Nhưng ông Minh – một người được tiếng cương trực – cũng đã không vượt qua được những áp lực. Phải mất hơn hai năm sau, Cơ quan cảnh sát điều tra C48 của Bộ mới khởi tố được một vụ án “lừa đảo hai năm rõ mười”.
Nếu phiên tòa xử “đại án tham nhũng” này khép lại vào thứ Tư, 4-11-2015. Và báo chí vẫn vờ như không có hai cái tên Trần Quốc Liêm – Trần Hoa Mai. Thì, cho dù Nghị quyết “Bốn, Năm” của TW có lấy chức Trưởng ban chống tham nhũng ra khỏi tay Thủ tướng. Trưởng ban chống tham nhũng mới, có vẻ như, vẫn chưa nắm được “thượng phương bảo kiếm”.