Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Vì sao văn chương Việt vẫn chưa khởi sắc?

Mặc Lâm - RFA

Từ hơn hai thập niên qua, độc giả Việt Nam không còn cơ hội thưởng thức những tác phẩm được xem là vượt trội trong khu vườn văn chương Việt Nam.

Những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh ngày càng vắng không có thế hệ kế tục.

Để tìm hiểu hiện trạng này chúng tôi có trao đổi với ba nhà văn Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đình Chính và Trần Nhương để biết thêm tại sao qua một thời gian dài như vậy văn chương Việt vẫn chưa có gì khởi sắc nếu không muốn nói là dừng hẳn lại.

Thiếu tài năng lớn?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo có nhận xét về văn học Việt Nam trong 10 năm qua với một cái nhìn hết sức bi quan, ông nói:

“Trong vòng 10 năm nay thì tôi thấy cũng không có cái gì nổi bật về văn học ở nước ta, ở trong nước. Chưa có tác phẩm nào gây tiếng vang ghê gớm cả, bởi vì mọi thứ thấy cũng nhàn nhạt cả, đều đều cả thôi. Những giải thưởng của Hội Nhà Văn cũng chẳng có đáng để người ta coi là những tác phẩm có giá trị; thì nó cũng là lễ lạc vậy thôi, cũng không có gì nổi bật, nổi cộm lên cả.

Nguyên nhân thì nó có nhiều nguyên nhân mà đổ hẳn là do chế độ, do cơ chế độc tài, chế độ độc tài thì cũng không hẳn, tức là thực sự là nó thiếu tài năng, nó không có những tài năng lớn. Bây giờ mà có những tài năng lớn mà càng đàn áp người ta thì người ta càng viết tợn, người ta càng viết.

Bây giờ không cần in, người ta gởi ra hải ngoại người ta in vẫn được mà. Chỉ cần gửi email là có tác phẩm ra hải ngoại in thôi. Chứ bây giờ một số người bất tài đổ lỗi, tôi không có bênh gì cái chế độ này thế nhưng mà đổ hẳn là do cái chế độ nó độc tài, nó cấm đoán cho nên tôi không có tác phẩm lớn, thì nói cái đó nó không có chính xác.

Trước hết là cá nhân nhà văn chưa có tác giả lớn, và muốn có tác giả lớn thì cái phần của từng tác giả, của từng người là quan trọng nhất, nhưng nó phải có những yếu tố, nó phải có những bối cảnh, những môi trường để tạo ra những tài năng.

Một hạt giống tốt phải có miếng đất tốt thì nó mới tốt được. Nếu có sự tự do sáng tác, nhà nước có tự do sáng tác thì nó vẫn là điều kiện phát triển tài năng tốt hơn, nhưng mà cái yếu tố đó nó không có. Yếu tố tự do sáng tác hầu như không có. Phải viết theo yêu cầu của Đảng và Nhà Nước. Họ chi tiền cho Hội Nhà Văn cho nên Hội Nhà Văn phải viết theo yêu cầu của họ thôi, nghĩa là ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày, lẽ dĩ nhiên là như thế. Nhưng mà cái yếu tố là cái bối cảnh hay là cái tạo ra cái tài năng thì nó không có vì họ khuôn văn học vào chính trị, họ chính trị hóa toàn bộ văn học thì làm sao mà có tác phẩm lớn được.”

Khi nhận xét về tính chuyên nghiệp của văn chương Việt Nam, nhà văn Trần Nhương có nhận xét khá bi quan, ông cho rằng tính chuyên nghiệp của nhà văn, người đọc và xã hội không gặp nhau:

“Bây giờ đòi văn chương chuyên nghiệp thì rất khó bởi vì thực tế người đọc cũng chưa chuyên nghiệp, người quản lý không chuyên nghiệp, tất cả đến chính phủ còn chưa chuyên nghiệp nữa thì làm sao mà đòi tất cả chuyên nghiệp được!

Đôi khi nó cũng phải đồng bộ, bởi vì người ta đọc kỹ, người ta suy luận, suy diễn, nói chuyện quấy. Cho nên hai nữa một cái khung nào đó thì mình lại chưa có cái khung, vậy thì người ta rất là suy diễn. Nó phải có luật và nó phải có cái khung ấy. Tôi vượt ra ngoài khung thì anh lấy luật pháp anh trị. Trong cái khung ấy phải để thoải mái. Thành ra bây giờ với nước mình vẫn còn nhiều cái chưa đồng bộ, chưa đủ luật pháp để quản lý.”

Riêng về nhà văn Nguyễn Đình Chính, một người viết lâu năm trong nhiều lĩnh vực từ truyện, tiểu thuyết đến thơ và cả trong lĩnh vực điện ảnh, cũng thừa nhận mình không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Ông nói:
“Chúng tôi là những người cầm bút mà chẳng được đào tạo gì, mà nó là do từ đời sống lên. Thích thì viết vì thế nó khác, khác khi tôi đã bảo ngay từ đầu khi tôi làm phim bị người ta cũng nói nhiều, cấm đoán. Rồi làm kịch cũng được mấy vở rồi viết sách, tánh của tôi nó khác, tôi bảo tôi nhìn hiện thực nó khác, tôi bảo hiện thực không phải như vậy.”

Từ những ý kiến vừa nêu cộng với nhận xét của nhà văn Trần Mạnh Hảo có thể thấy bức tranh văn học Việt Nam đương đại đang gặp khá nhiều trắc trở mà điều cơ bản quan trọng nhất theo như nhà văn Trần Mạnh Hảo ghi nhận là nền văn học ấy thiếu tài năng lớn. Ông nói:

“Người Việt Nam chúng ta chưa có những tài năng lớn để có những tác phẩm lớn, đấy là bản thân nhà văn.

Ví dụ thời nước Nga Xô Viết nó khủng bố ác liệt như vậy vẫn có tác phẩm được Giải Nobel, như Solzhenitsyn hay là Boris Pasternak, người ta vẫn đưa ra những tác phẩm đỉnh cao lớn vượt lên, mà sáng tác trong một bối cảnh thời Stalin đàn áp khủng khiếp thì người ta vẫn có những tác phẩm lớn vượt lên, đó là do tài năng của người ta, như Solokov người ta vẫn có tác phẩm được Giải Nobel, thế thì có rất nhiều tác phẩm lớn thời Xô-Viết mà nó vượt qua chế độ, vượt qua bức màn sắt sang thế giới Phương Tây, thì người ta vẫn tạo ra do có những tài năng lớn.

Như nước ta hiện nay chưa có những tài năng lớn. Nói cho công bằng ngay ở hải ngoại anh em có tự do sáng tác nhưng tại sao những nhà văn vẫn không có tác phẩm lớn? Mình nói cái gì cũng phải có công bằng, cũng không đổ hẳn là do chế độ không có tự do sáng tác mà tôi không có viết được.

Thế anh cứ viết xem nào, anh cứ viết gởi ra hải ngoại anh in làm chấn động thế giới xem nào. Nhưng không có tài năng thì làm sao viết được, không có những nhà văn lớn thì lỗi là tại người sáng tác chứ không phải lỗi tại bối cảnh.

Thế thì người ta mới hỏi là đấy đấy như ở hải ngoại các anh em có tự do sáng tác, ai bảo không có tự do sáng tác, sao chưa có tác phẩm chấn động thế giới, trong khi các thành phần hải ngoại của các dân tộc khác họ có những tác phẩm lớn chứ. Nhiều dân họ di tản họ cũng có tác phẩm lớn, ví dụ như người Nhật Bản họ sống ở nước ngoài hay người Trung Hoa họ có những tác phẩm lớn, những tác giả được Giải Nobel.”

Văn học và chính trị

Nhà văn Nguyễn Đình Chính thì nhận xét rằng trong nước vẫn còn những ngòi bút có thể nói là sắc sảo, tuy nhiên các ngòi bút này đang gặp khá nhiều vật cản, mà vật cản lớn nhất là họ không tự vượt qua được chính mình, vẫn bị cơ hội, hay thủ đoạn chính trị lôi kéo làm thui chột tài năng:
“Tôi thấy không phải là trong nước bây giờ không có đâu. Có, nhưng mà thường thường những cái đó không được công nhận. Phần lớn - hầu hết các nhà văn của mình là viết theo một cái rất là cơ hội, rất là thủ đoạn chính trị, chứ không viết theo cái của mình đâu.

Tôi nói thật như thế, chứ không phải người ta không có đâu, nhưng mà không viết, mà viết theo cái của người khác nói chứ không viết theo cái tự mình nghĩ ra. Ngồi nói chuyện với nhau thì ghê lắm nhưng mà khi đến đọc của người ta thì thấy không phải.

Cái này thì tôi thấy là, nó gọi là những cái thực dụng chính trị tủn mủn. Trên bảo là phải viết thế này, thí dụ bây giờ hợp tác xã tốt lắm thế là ào ào viết về hợp tác xã. Trên bảo phải viết thế này thế la ào ào viết theo, tức là không viết theo cái của mình kinh nghiệm thực tế xã hội, viết theo cái của người khác.”

Nhà văn trước khi cầm bút phải nhận được kiến thức văn chương từ nhà trường. Đây là cái nôi đầu tiên và lớn nhất ươm mầm cho tài năng chấp cánh nhưng tình trạng giáo dục văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa từ nhiều chục năm qua theo nhà văn Trần Mạnh Hảo là một sự thao túng chính trị hơn là giảng dạy văn chương nghệ thuật:

“Do nhà nước chính trị hóa toàn bộ sự giảng dạy văn học, mà thực ra giảng văn học là giảng chính trị chứ không phải văn học, tức là mượn văn học để giảng chính trị. Cái này tôi đã viết hàng trăm bài phê phán cách dạy văn ở nhà trường rồi, không phải là dạy văn mà dạy chính trị trá hình, không phải dạy văn!

Cho nên cái môn văn ở nhà trường thực sự ra là không phải môn văn, vậy thì học sinh nó có được học văn đâu! Nó học chính trị trá hình chứ học văn đâu! Tức là đào tạo con người nó méo mó là do nền giáo dục. Nền giáo dục thì ngay cả những người mà họ bảo vệ chế độ thì họ cũng phải công nhận đây là nền giáo dục không trung thực, nền giáo dục dối trá, chứ họ không phải là những người phê phán chế độ đâu. Những điều này tôi đã nói rất nhiều lần rồi.”

Thiếu tự do ngôn luận

Bên cạnh việc quản lý các kênh truyền thông, Bộ Văn Hóa còn dùng hệ thống kiểm duyệt để kiểm soát nhà văn hay nói rộng ra thao túng người làm văn học nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Đình Chính cho biết:
“Chắc chắn trong nước bây giờ nói là có tự do nhưng mà cái kiểm duyệt nó rất là tinh vi và nó có rất là nhiều kinh nghiệm mấy chục năm rồi. Cái kiểm duyệt này nó ở ngay đội ngũ những người biên tập, thường thường các anh làm biên tập ở nhà xuất bản đấy, là người ta kiểm duyệt, mà những lớp này thường là không có trình độ lắm đâu.

Sau đó là có hệ thống kiểm duyệt ở trên nữa, rồi lại có hệ thống nữa, tức là nó có rất nhiều tầng lớp kiểm duyệt, trông cứ tưởng là nó lơ mơ nhưng mà nó ghê lắm. Cái lớp trẻ sáng tác bây giờ, những người như Chánh, Bùi Chát, Lý Đợi thì ăn thua gì đâu, làm sao mà lọt được. Anh em ngoài này cũng thế, tác phẩm hơi một tí là bị thôi.”

Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng đồng tình với nhà văn Nguyễn Đình Chính, ông nói:

“Đúng rồi. Cũng có những cái cản trở. Và công bằng cũng có những cuốn anh em ta viết cũng đọc được, cũng khá nhưng mà viết ra gần như bị cấm như cuốn "Thời của thánh thần" của Hoàng Minh Tường vừa rồi là rất khá đấy chứ, nhưng ra một cái là không cho tái bản và coi như dư luận không nghe tiếng nói nữa.

Cũng không phải anh em họ không viết được cái gì, như anh Hoàng Minh Tường nhìn lại công bằng mà nói cũng có một cuốn phê phán chế độ rất khá. Nhưng mà sau khi ra được một cái thì bây giờ họ cấm không được nhắc tới nó nữa.

Đó, như bài thơ được giải Trăng Nghẹn nó có cái gì đâu mà họ cấm đoán, chẳng hạn như thế.  Bài thơ của anh Nguyễn Việt Chiến vừa rồi họ cũng cấm đoán, không cho giải. Bài thơ nói về chiến tranh thời đất nước gian lao của anh Nguyễn Việt Chiến, bài thơ đó cũng chẳng có ảnh hưởng chính trị hay đụng chạm gì họ mà họ vẫn cấm. Sự cấm cản đó nó quá mức, tức là chỉ có "lề phải" chứ không có "lề trái".

Một đất nước mà chỉ có lề phải mà không có lề trái thì đất nước đó không có những con đường, bởi vì con đường phải có lề phải, lề trái chứ. Chỉ có lề phải mà không có lề trái thì không phải là những con đường. Những con đường trên đất nước chúng ta theo quan điểm nhà nước là không phải là những con đường.

Con đường thì phải có lề phải, lề trái, chứ đâu chỉ có lề phải thôi, và mọi người không được đi ở dưới lòng đường mà phải đi bên lề phải hết, cho nên anh Ngô Bảo Châu bảo là lề phải, lề trái, trên lề là dành cho cừu chứ không phải dành cho người. Ngô Bảo Châu là người được nhà nước ca ngợi, là nhà toán học trẻ đấy. Anh Ngô Bảo Châu có nói câu rất hay là trên lề dành cho cừu đi chứ không phải người đi.”

Và cuối cùng nhà văn Trần Mạnh Hảo cho rằng muốn vực dậy nền văn học hiện tại thì nhà nước chỉ cần làm một việc đơn giản, đó là thực hiện dân chủ trong toàn xã hội, khi ấy thì nhà văn sẽ tự biết mình sẽ làm gì:

“Để tạo điều kiện cho nhà văn có bầu trời thoải mái và có tự do sáng tác thì phải có tự do ngôn luận, nói chung là phải có tự do, phải có dân chủ. Đất nước không có tự do, không có dân chủ thì làm gì có văn học được.